GS.TS Đặng Thị Kim Chi: Cần quan tâm hơn đến hậu quả của cháy nổ gây ô nhiễm môi trường

Ngọc Hiển|05/06/2022 02:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Nhiều cơ sở sản xuất, nhà chung cư, nhà cao tầng không quan tâm đến hậu quả của hỏa hoạn dẫn đến suy giảm chất lượng môi trường về mặt không khí, nước, đất đai, cây trồng, vật nuôi cũng như sức khỏe của cộng đồng, chúng ta cần có biện pháp quan tâm hơn đến việc này. Đó là những vấn đề được GS.TS Đặng Thị Kim Chi đưa ra tại buổi tọa đàm trực tuyến “Ảnh hưởng của cháy nổ đối với môi trường tại khu vực đô thị”.

GS.TS Đặng Thị Kim Chi – Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam

Vấn đề môi trường sau các vụ cháy nổ chưa được quan tâm?

Đánh giá về công tác phòng chống cháy nổ hiện nay, GS.TS Đặng Thị Kim Chi, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho biết, trong việc kiểm soát và giám sát hoạt động bảo vệ môi trường ở các đơn vị, bao giờ đơn vị quản lý về môi trường cũng đều quan tâm đến các phương tiện phòng cháy chữa cháy ở trong đơn vị. Khi lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường đều phải có chương trình phòng chống ứng phó sự cố trước khi cháy nổ, đều phải được thông qua và có dự thảo chương trình này và phải được cơ quan PCCC thông qua. Như vậy, rất nhiều cơ sở sản xuất, nhà máy đều có dự thảo về chương trình phòng chống và ứng cứu sự cố cháy nổ được cơ quan có trách nhiệm về PCCC phê duyệt. Sau này khi kiểm tra để cấp giấy phép môi trường hoặc cấp các xác nhận bảo vệ môi trường. Chúng tôi cũng thường thấy các phương tiện phòng chống chữa cháy, các biện pháp đã được đưa ra tương đối đầy đủ – đó là ưu điểm. Bên cạnh đó vẫn không phải tất cả các đơn vị làm được. Có rất nhiều nhà máy, công xưởng, khu chung cư, khu đô thị cũng làm chương trình dự thảo, chương trình PCCC trình lên để phê duyệt nhưng khi đưa vào thực tế không được như vậy. Khi xảy ra sự cố cháy nổ, chúng ta không đủ phương tiện như kế hoạch đã được xây dựng và được cơ quan PCCC phê duyệt.

“Trong công tác PCCC, tôi rất quan tâm đến việc phòng ngừa, ứng cứu các sự cố gây nên ô nhiễm môi trường do cháy nổ. Nhiều cơ sở sản xuất, nhà chung cư, nhà cao tầng không quan tâm đến hậu quả của hỏa hoạn dẫn đến suy giảm chất lượng môi trường về mặt không khí, nước, đất đai, cây trồng, vật nuôi cũng như sức khỏe của cộng đồng. Như vụ cháy ở nhà máy Rạng Đông, lúc đầu chúng ta rất lúng túng trước việc xử lý hậu quả của cháy phòng hóa chất. Không chỉ có vậy, hậu quả của cháy nổ đều gây ô nhiễm môi trường, chúng ta cần có biện pháp quan tâm hơn đến việc này”, GS.TS Đặng Thị Kim Chi lưu ý.

Theo GS.TS Đặng Thị Kim Chi, khi xảy ra hỏa hoạn, chúng ta nói nhiều đến ảnh hưởng về tài sản, của cải, người dân nhưng chúng ta không nghĩ đến tác động môi trường xung quanh như thế nào. Nhà chung cư cao tầng, đường thoát hiểm chứa đầy đồ dùng, vật dụng, khoảng cách giữa 2 nhà chung cư ở Việt Nam rất gần, nên khi có cháy nổ xảy ra thiếu điều kiện cung cấp oxy, thành phần khí tạo thành là khí rất độc như khí CO, kèm theo đó là bụi mịn ở dạng khói đen, sẽ lan truyền không chỉ trong từng căn hộ mà còn len lỏi sang khu vực lân cận vì khoảng cách giữa các chung cư rất gần. Môi trường không chỉ khu vực xảy ra vụ cháy mà môi trường khu vực lân cận 200m-300m hay đường kính 500m theo luồng gió tản ra sẽ bị ô nhiễm, nên môi trường không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng. Bột bụi mịn đen trong làn khói cực độc vì kích thước nhỏ có thể đi vào sâu trong cơ thể qua đường hô hấp. Các loại khí độc làm con người thiếu oxy và thậm chí là nhiều người tử vong do ngạt chứ không chỉ do bị cháy. Nghĩa là khi xảy ra sự cố cháy nổ, ô nhiễm môi trường không khí xung quanh, chất lượng môi trường thay đổi.

Vấn đề nữa là chúng ta phải sử dụng nước để dập cháy, nước thải sinh ra trong quá trình dập cháy sẽ hòa tan một số bụi, thành phần khí, kim loại và nước này trở thành nước ô nhiễm, sẽ vào các nguồn tiếp nhận như ao hồ vùng lân cận hoặc đi qua khu vực có đất sẽ đọng lại, nước gây ô nhiễm ảnh hưởng đến sinh vật sống tại hồ. Thêm nữa là các loại bùn thải, chất rắn sinh ra trong quá trình cháy trở thành chất thải rắn, thậm chí chất thải rắn nguy hại, nếu thu gom không cẩn thận sẽ gây ô nhiễm môi trường đất, ảnh hưởng đến cây trồng, vật nuôi.

Tùy theo mức độ, quy mô vụ cháy làm cho mức độ ô nhiễm môi trường xung quanh. Và tùy theo đối tượng bị cháy như kho nhiên liệu, hóa chất, vật liệu cháy có chất nhựa thì thành phần chất ô nhiễm nguy hại và tác động xấu đến môi trường sau khi cháy rất lâu chứ không chỉ lúc xảy ra vụ cháy.

Tác động tới môi trường khác nhau khi nguồn cháy khác nhau, ví dụ vụ cháy ở nhà máy Rạng Đông và vấn đề thủy ngân đáng quan tâm. Cháy ở chung cư là đồ dùng gia đình, có nhiều vật liệu là gỗ, giấy, nhựa khi xảy ra cháy nổ rất nguy hiểm, sinh ra khí độc nếu trong vật liệu bị cháy có chất hữu cơ. Các nhà gần nhau, khi xảy ra cháy nổ gây thiếu khí nên khả năng thoát khí rất kém. Không khí vào khó, mà con người cũng khó thoát ra. Quá trình thiếu khí gây ra các loại khí thiếu oxy như CO có thể gây tử vong nhanh, bụi làm tắc nghẽn phổi.

Nước để dập cháy, nhiều khi chung cư không đủ nước để dập cháy làm chậm quá trình dập đám cháy, điều này sinh ra khí độc. nước để dập cháy hòa tan nhiều thành phần nguy hại theo đường nước chảy sẽ sang khu vực lân cận gây ô nhiễm nước cho vùng tiếp nhận nguồn nước ô nhiễm đó.

Tiếp theo là sự xuất hiện nhiều chất thải rắn, sản phẩm của quá trình cháy có thể là chất thải nguy hại, nếu không được kiểm soát, lưu giữ, thu gom theo yêu cầu sẽ gây tác động trở lại với người dân xung quanh, người dân khu vực xảy ra vụ cháy. Khói, bụi của đám cháy lan khắp nơi gây ô nhiễm, ngộ độc cho chính những người tò mò xem vụ cháy.

Cần lấy mẫu quan trắc hiện trạng môi trường sau vụ cháy

Để xử lý môi trường sau các vụ cháy nổ, GS.TS Đặng Thị Kim Chi cho biết: Hậu quả cháy nổ phụ thuộc vào biện pháp phòng ngừa, ứng cứu. Sau khi dập tắt đám cháy, tôi mong muốn đơn vị quản lý môi trường phải đến ngay khu vực xảy ra sự cố cháy nổ tìm hiểu mức độ cháy, vật liệu cháy, hóa chất cháy, hướng phát tán khói thải ra các khu vực lân cận bị ảnh hưởng thế nào, xem xét nguồn tiếp nhận nước thải và các hiện trạng sinh thái tại khu vực chịu ảnh hưởng của cháy nổ, đặc tính của các loại chất thải rắn – sản phẩm phát sinh của quá trình cháy như thế nào, để dự báo có khả năng thành phần ô nhiễm nào sẽ phát sinh ra sau quá trình cháy đi vào môi trường không khí, đất, nước và các loại chất thải. Tùy mức độ và quy mô khu vực cháy, khả năng lan truyền chất ô nhiễm phải lấy mẫu quan trắc hiện trạng môi trường để khẳng định thành phần, mức độ ô nhiễm với môi trường khí nước, chất thải.

Phải di dời người già, trẻ nhỏ, người ốm ra khói khu vực bị cháy trong khoảng thời gian nhất định, tránh không sử dụng bồn chứa nước, nơi tiếp nhận nước thải đã dập cháy, tránh sử dụng các loại rau quả, vật nuôi bị nhiễm bụi, khí độc trong khu vực chịu tác động của vụ cháy.

Điều nữa là chúng ta không thể thu gom lại khí để xử lý vì lúc đó đã lan truyền tất cả các nơi, phải có thời gian cho thông thoáng khí ở khu vực cháy và khu vực lân cận vì có quá trình pha loãng với các nơi khác và làm giảm thành phần độc hại có trong thành phần khí tới tiêu chuẩn an toàn về mặt môi trường.

Phải xử lý nước thải sinh ra gây ô nhiễm bằng cách thu gom nước thải về cơ sở xử lý nước thải để đạt được yêu cầu xả thải an toàn môi trường. Phải có kế hoạch thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn, chất thải sinh hoạt là sản phẩm của quá trình cháy theo đúng quy định thu gom vận chuyển và xử lý các loại chất thải rắn, chất thải nguy hại.

Cần có thêm việc kiểm tra sức khỏe của cộng đồng dân cư chịu ảnh hưởng bởi cháy nổ để kịp thời phát hiện các hiện tượng ngộ độc, tác động xấu đối với con người do hậu quả sinh ra trong quá trình cháy. Đồng thời cảnh báo cho khu dân cư có biện pháp tự bảo vệ mình trước tác động ô nhiễm này để giảm thiểu tác động xấu của môi trường bị ô nhiễm đối với cá nhân họ.

Ngọc Hiển

Bài liên quan
  • Tiến sĩ Nguyễn Thế Đồng: Muốn hạn chế cháy nổ phải thay đổi nhận thức của người dân
    Moitruong.net.vn – “Không thể ngay lập tức thay đổi hiện trạng, vẫn phải giáo dục, vẫn phải tuyên truyền, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử phạt nghiêm các vi phạm pháp luật về phòng cháy chữa cháy (PCCC) và pháp luật về bảo vệ môi trường, nhận thức thay đổi, người dân tự giác hơn thì công tác PCCC và bảo vệ môi trường sẽ tốt hơn”, đó là khẳng định của Tiến sĩ Nguyễn Thế Đồng – Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường tại buổi Tọa đàm “Ảnh hưởng của cháy nổ đối với môi trường tại khu vực đô thị”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
GS.TS Đặng Thị Kim Chi: Cần quan tâm hơn đến hậu quả của cháy nổ gây ô nhiễm môi trường
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.