Hà Giang: Hơn 150 công trình cấp nước sinh hoạt kém hiệu quả

Hoàng Linh|02/04/2021 04:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Tnh Hà Giang hiện có hơn 150 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn kém kiệu quả, gây lãng phí ngân sách của nhà nước mà dân vẫn thiếu nước sạch.

Những năm qua, tỉnh Hà Giang đã tập trung đầu tư xây dựng, nâng cấp nhiều công trình cấp nước sinh hoạt (CNSH) nông thôn tập trung nhằm nâng cao tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh. Tuy nhiên, quá trình quản lý, khai thác, sử dụng công trình sau đầu tư đang bộc lộ nhiều hạn chế.

Nghị quyết số 24/NQ- HĐND ngày 21.7.2016 của HĐND tỉnh Hà Giang về thông qua kết quả rà soát, điều chỉnh Quy hoạch thủy lợi tỉnh Hà Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 có nội dung về quy hoạch cấp nước sinh hoạt (CNSH) đến năm 2020 với mục tiêu: Đảm bảo CNSH hợp vệ sinh cho 86% số dân nông thôn; tất cả các trường học, trạm y tế, chợ, trụ sở xã, các khu dịch vụ du lịch có đủ nước sạch. Thực hiện nghị quyết trên, giai đoạn 2016 – 2020, toàn tỉnh đã đầu tư xây dựng, nâng cấp 122 công trình CNSH nông thôn tập trung, trong đó, các ngành của tỉnh làm chủ đầu tư 52 công trình; UBND cấp huyện làm chủ đầu tư 70 công trình.

Đại biểu HĐND tỉnh giám sát thực tế công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung tại xã Phố Là (Đồng Văn)

Nhiều công trình, dự án hoàn thành, đưa vào sử dụng đảm bảo tiến độ, chất lượng. UBND các xã, thị trấn thành lập các tổ quản lý khai thác, sử dụng công trình theo đúng các quy định; tăng cường tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức cho người dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của nước sạch và trách nhiệm trong quản lý, bảo vệ công trình CNSH. Đa số các công trình CNSH nông thôn được giao cho cấp xã quản lý thông qua các tổ vận hành; một số ít công trình giao cho đơn vị sự nghiệp quản lý. Các công trình cấp nước sinh hoạt cơ bản mang lại hiệu quả trong việc mang nước sạch về tận nhà dân.

Bên cạnh đó một số công trình được đầu tư từ lâu đã xuống cấp. Những địa phương có nhiều công trình cấp nước sinh hoạt bị hư hỏng, xuống cấp tập trung tại các huyện Bắc Quang 34 công trình; huyện Hoàng Su Phì 48 công trình; huyện Đồng Văn 20 công trình; huyện Quang Bình 60 công trình…

Đáng nói là trong số này, nhiều công trình mới đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng đã xuống cấp, hư hỏng, hoạt động kém hiệu quả, như công trình hồ treo Páo Cờ Tùng, xã Phú Lũng, huyện Yên Minh có hiện tượng rạn nứt đáy, phải sửa chữa, khắc phục ngay sau khi đưa vào sử dụng; công trình hồ treo xã Xín Cái, huyện Mèo Vạc mới đưa vào sử dụng tháng 3/2020 nhưng đã có nhiều vết rạn nứt…

Trước thực trạng nhiều công trình sau khi được đầu tư không phát huy hiệu quả sử dụng, gây lãng phí nguồn lực đầu tư; các cấp, các ngành cần vào cuộc kiểm tra, giám sát; bố trí kinh phí sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp công trình; đôn đốc đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo các công trình CNSH nông thôn tập trung thực sự mang nước về bản, giúp người dân nâng cao chất lượng cuộc sống.

Hoàng Linh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Giang: Hơn 150 công trình cấp nước sinh hoạt kém hiệu quả