Hà Giang: Nhiều hồ, đập xuống cấp

Theo NNVN|20/11/2019 08:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Tỉnh Hà Giang hiện có 37 hồ chứa lớn, nhỏ bị hư hỏng xuống cấp. Các hồ đều xây dựng từ lâu, không đảm bảo khả năng chống lũ.

Theo Chi cục Thủy lợi Hà Giang, hầu hết các hồ bị hư hỏng không được bảo trì, bảo dưỡng và chưa được thực hiện các quy định về quản lý an toàn. Vì vậy nguy cơ mất an toàn cao. Năm 2018, trước diễn biến bất thường của mưa lũ, hồ Trùng, xã Vĩnh Phúc, huyện Bắc Quang đã xảy ra sự cố hư hỏng gây nguy cơ vỡ đập đất do lượng nước rò rỉ qua thân tràn xả lũ, sụt lún ở tràn xả lũ. Hồ không đủ năng lực xả nước theo quy định.

Cùng với hồ Trùng, trên địa bàn tỉnh Hà Giang còn 6 hồ chứa nước lớn khác cũng đang bị đe dọa mất an toàn. Đó là các hồ Quang Minh, hồ Tân Thành, hồ Thôn Luồm, huyện Bắc Quang; hồ Na Ve, hồ Trung Thành, huyện Vị Xuyên; hồ Nà Ray, huyện Quang Bình. Các hồ này đều có đặc điểm chung là bị rò rỉ, hệ thống thiết bị vận hành xuống cấp; hầu hết chưa được lắp đặt hệ thống giám sát vận hành, thiết bị thông tin cảnh báo an toàn cho đập và vùng hạ du.

Công trình thủy lợi hồ Quang Minh, xã Quang Minh, huyện Bắc Quang đảm bảo nước tưới cho hơn 300 ha lúa trên địa bàn xã. Công trình này được sử dụng đã lâu nên đang xuống cấp nghiêm trọng, tuyến kênh dẫn nước có nhiều đoạn bị hỏng, rò rỉ nên không phát huy tốt chức năng tưới tiêu cho đồng ruộng, ao hồ; cống lấy nước, tràn xả lũ bị hư hỏng.

Hà Giang: Nhiều hồ, đập xuống cấp

Bà Nguyễn Thị Đeng, xã Quang Minh cho biết, do xây dựng khá lâu nên nhiều hạng mục của hồ bị xuống cấp. Bà mong muốn nhà nước sớm đầu tư kinh phí, khắc phục sửa chữa đảm bảo duy trì diện tích tưới tiêu phục vụ sản xuất của người dân cũng như an toàn khu vực lòng hồ.

Một trong những khâu yếu trong công tác quản lý thủy lợi ở Hà Giang đó là hầu hết các hồ chưa có quy trình vận hành, chưa được kiểm định an toàn. Thêm vào đó lực lượng cán bộ quản lý, khai thác các đập vừa thiếu, vừa yếu, không có cán bộ, công nhân có chuyên môn quản lý về an toàn đập, hồ chứa nước.

Ông Lê Anh Dũng, Chi cục phó, Chi cục Thủy lợi Hà Giang cho biết, để đảm bảo an toàn cho các hồ chứa, hằng năm ngay từ đầu mùa mưa lũ, Sở NN-PTNT Hà Giang đã chỉ đạo UBND các huyện, thành phố chủ động các biện pháp ứng phó đối với sự cố.

Cụ thể, Chi cục Thủy lợi vừa phối hợp với cơ quan chức năng địa phương tiến hành kiểm tra, rà soát hiện trạng các công trình. Yêu cầu các đơn vị khẩn trương tiến hành duy tu, sửa chữa các công trình có khối lượng hư hỏng nhỏ, có kỹ thuật đơn giản. Với những công trình hư hỏng lớn, lập phương án đề xuất để có giải pháp khắc phục kịp thời đảm bảo độ bền và an toàn cho công trình.

Tình hình an toàn hồ, đập ở Hà Giang những năm qua đã có những bất thường. Mặc dù chưa xảy ra sự cố lớn, chưa có thiệt hại về người do mất an toàn hồ đập xảy ra. Tuy nhiên với bối cảnh thời tiết diễn biến phức tạp, diện tích rừng ngày càng thu hẹp, đòi hỏi các ngành chức năng của tỉnh phải có hành động cụ thể và triển khai sâu rộng.

Đảm bảo an toàn hồ, đập vùng hạ du, UBND tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo các ngành chuyên môn rà soát lại hiện trạng hồ đập trên địa bàn tỉnh. Tỉnh cũng đã xây dựng phương án nâng cấp, cải tạo 14 hồ đập, có nguy cơ mất an toàn cao với tổng vốn trên 300 tỷ đồng. Hiện nay, đã có 14 hồ được phê duyệt dự án, trong đó có 10 hồ đã được phê duyệt thiết kế thi công.

Hiện Hà Giang có 11 đập dâng, 57 hồ chứa có dung tích từ 100.000 đến 3 triệu m3 nước. Công tác quản lý, giám sát an toàn hồ đập được kiện toàn, củng cố sẽ hỗ trợ tích cực cho cơ quan quản lý trong việc ra quyết định hay ứng xử cần thiết một cách kịp thời. Các tổn thất về kinh tế và phạm vi ảnh hưởng sẽ được cảnh báo và giảm thiểu.

Theo NNVN

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Hà Giang: Nhiều hồ, đập xuống cấp
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.