Hà Lan: Hành trình tìm giải pháp sống chung với "giặc" nước

03/04/2019 04:04
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Chính vị trí địa lý và lịch sử đất nước đã tạo nên một Hà Lan kiên cường, bất khuất trước thiên nhiên. Để tồn tại và phát triển, dân tộc này đã tích cực, năng động trong phòng chống thiên tai, không ngừng thích ứng và tích lũy kinh nghiệm sống chung với nước.

– Đương đầu với các tác động không mong muốn của thiên nhiên, Hà Lan xưa kia và Hà Lan ngày nay đã có một đối sách đồng bộ từ hoạch định chiến lược đến các bước đi thích hợp cụ thể, trên cơ sở các thành tựu khoa học kỹ thuật mới nhất và kinh nghiệm trị thủy phong phú.

>>>Trào lưu dọn rác sôi nổi từ Bắc vào Nam

>>>Khởi xướng ‘thử thách dọn rác’ tại biển Quy Hòa

Kiên cường trước những khắc nghiệt của mẹ thiên nhiên

Nằm ở phía Tây châu Âu, lãnh thổ Hà Lan được hình hành từ châu thổ của bốn con sông Rhine (Rhin), Maas (Meuse), Schelde và Ijssel, là tiền tiêu hứng chịu triều cường của biển Bắc. Gần 2/3 lãnh thổ Hà Lan thấp hơn mực nước biển với điểm trũng nhất là -6,75m. Từ thời điểm những người dân đầu tiên định cư tại đây, việc chinh phục thiên nhiên đã được coi là yếu tố sống còn.

Afsluitdijk – công trình đê biển nổi tiếng ở Hà Lan. (Ảnh: Hương Giang)

Công tác thủy lợi phòng chống thiên tai ở Hà Lan có truyền thống từ lâu đời và trở thành quốc sách, được thể hiện bằng luật; mọi ngành, mọi người đều tuân thủ thực hiện và được tổ chức chặt chẽ từ trung ương đến địa phương. Hà Lan tập hợp lực lượng của toàn xã hội cho công tác phòng chống lũ lụt: các nhà khoa học kỹ thuật giỏi về chuyên môn với các ý tưởng sáng tạo, các nhà doanh nghiệp năng động và người dân lao động cần cù. Hà Lan luôn đi trước đón đầu các trào lưu phát triển nhằm giải quyết các vấn đề mà cuộc sống đương đại đặt ra.

Trước thế kỷ 20, người Hà Lan đắp đê để tránh nước biển tràn vào cánh đồng của mình. Những chiếc cối xay gió được dùng để chống úng đã trở thành biểu tượng của đất nước này. Cuối thế kỷ 19, ước tính có đến 10.000 chiếc cối xay gió được vận hành khắp đất nước Hà Lan. Qua 2.000 năm xây dựng đất nước, Hà Lan đã sở hữu mạng lưới đê điều dày đặc, bao gồm đê biển, đê sông, đê bao vùng đất đang làm khô, đê bao các hồ, đê bao các kênh rạch trong thành phố, với tổng chiều dài lên đến 22.500 km.

Năm 1916, một trận bão kinh hoàng gây ra nạn đói nghiêm trọng. Tháng 1/1953, vùng Tây Nam Hà Lan hứng chịu một cơn siêu bão, khiến 1.835 người chết, 72.000 người phải sơ tán, hàng nghìn người mất nhà cửa và không còn kế sinh nhai do 150.000 ha đất canh tác bị tàn phá, hơn 200.000 vật nuôi bị cuốn trôi… Hứng chịu những thảm kịch lịch sử ấy đã khiến người Hà Lan nhận ra những hệ thống các công trình phòng vệ nước biển còn yếu. Chính phủ Hà Lan đã ngay lập tức thành lập các hội đồng chuyên việc trị thủy, có vai trò độc lập so với các chính quyền địa phương, vẫn tồn tại và hoạt động cho đến ngày nay.

Với nỗ lực phi thường, Chính phủ Hà Lan đã xây dựng thành công một mạng lưới đê biển vĩ đại: 13 hệ thống đê linh hoạt có cửa van cho phép hàng triệu m3 nước chảy qua cửa sông khi thủy triều lên xuống nhưng có thể đóng lại khi nước biển dâng cao chỉ bằng một nút bấm. Oosterscheldekering là đê biển lớn nhất trong 13 hệ thống đê biển linh hoạt có cửa van chống lụt, với chiều dài lên đến 9 km chia làm 5 đoạn trong đó có 3 đoạn lắp 62 cửa van di động bằng thép, sử dụng 65 trụ bê tông khổng lồ cao từ 35 – 38,75m, nặng 18.000 tấn.

Ngày 4/10/1986, đê biển Oosterscheldekering với chi phí xây dựng 2,5 tỷ Euro có thể chống được các cơn bão lũ với khả năng xuất hiện 4.000 năm/lần đã được khánh thành.

Thách thức hóa cơ hội

Là quốc gia ven biển với một phần lớn lãnh thổ nằm dưới mực nước biển, Hà Lan là một trong những nước chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ biến đổi khí hậu. Tháng 12/2016, Hà Lan công bố Chiến lược Quốc gia về thích ứng với biến đổi khí hậu, coi đó là thách thức lớn và chuẩn bị mọi mặt để có thể đương đầu với các ảnh hưởng do biến đổi khí hậu gây ra.

Công trình trị thủy Maeslantkering. (Nguồn: Startpagina)

Ở cấp quốc gia, việc chống lại biến đổi khí hậu không chỉ là các công trình thoát nước, mà còn là chính sách, cách quy hoạch không gian, quản lý khủng hoảng, giáo dục trẻ em, các ứng dụng trực tuyến… Một dự án đang được nghiên cứu, triển khai ở thủ đô hành chính La Haye, bao gồm các khu nhà được thiết kế để nổi lên và hạ xuống theo mực nước. Ý tưởng này không có gì mới, song nó cho thấy người Hà Lan luôn chủ động chuẩn bị kỹ cho việc chung sống với tình trạng biến đổi khí hậu và “giặc” nước.

Hà Lan không coi biến đổi khí hậu là nguy cơ, thách thức đối với nền kinh tế… mà nhìn nhận đó là cơ hội… Theo các chuyên gia Hà Lan, những công trình đê lớn từng một thời là niềm tự hào của đất nước này nay đã không còn thích ứng trong điều kiện biến đổi khí hậu. Họ đang tìm những giải pháp uyển chuyển, dựa vào thiên nhiên để ứng phó với những thay đổi và tác động do biến đổi khí hậu gây ra. Hiện Hà Lan đang thí điểm “động cơ cát” (the sand engine) nhằm tận dụng gió, sóng và dòng hải lưu để phân bổ cát dọc bờ biển một cách tự nhiên, giúp giảm xói mòn bờ biển, bảo vệ cư dân ven biển khỏi sóng lớn và tránh ảnh hưởng hệ sinh thái.

Với tổng chi phí khoảng 70 triệu Euro, mục tiêu của dự án “động cơ cát” là bơm khoảng 21,5 triệu m3 cát vào bờ biển ở Ter Heijde, tạo ra vịnh cát và bờ biển tự nhiên cũng như hệ sinh thái mới rộng 35 ha, cao 5 m so với mực nước biển, phục vụ công tác bảo tồn và giải trí. Công trình “động cơ cát” là mẫu hình hợp tác ba bên giữa nhà nước, công ty tư nhân và viện nghiên cứu, có thể giúp tiết kiệm 50% công sức và chi phí bảo vệ bờ biển theo cách truyền thống, đã thu được kết quả ban đầu như dự kiến.

Đây là một giải pháp bảo vệ bờ biển mới, thành quả sáng tạo của Hà Lan trong chung sống với thiên nhiên và là công nghệ áp dụng đầu tiên trên thế giới, đang được nhiều nước quan tâm.

Thành công từ ứng dụng thành tựu khoa học hiện đại

Do thời tiết và khí hậu, nông nghiệp Hà Lan được cơ giới hóa và ứng dụng khoa học công nghệ cao, sản xuất ngoài trời chỉ chiếm 6% diện tích đất nông nghiệp, sản xuất trong nhà kính rất phát triển, hiệu quả cao hơn 5 – 6 lần so với trồng ngoài trời. Việc canh tác trong nhà kính được chuyên môn hoá cao (về sản phẩm) và được điều hành bằng hệ thống máy tính. Các khâu làm ấm, thông gió, hạ nhiệt, tưới nước, bón phân, phun thuốc, thanh trùng… đều được cơ giới hoá, tự động hoá. Việc trồng hoa cũng được cơ giới hóa từ khâu làm đất, lên luống, gieo củ, tưới tiêu, chăm bón, cắt hoa, thu hoạch củ giống, cho đến phân loại, đóng gói, đấu giá, và xuất cảng.

Cà chua canh tác trong nhà kính Hà Lan. (Ảnh: Hương Giang)

Một trong những nhân tố chính đứng đằng sau những thành tựu tuyệt vời của nông nghiệp Hà Lan đó là Trường Đại học và Nghiên cứu Wangeningen (WUR). Hà Lan đi đầu trong sử dụng đèn LED – công nghệ cho phép trồng trọt ngay trong các khu đô thị quanh năm, bất kể thời tiết nào và quản lý theo các tiêu chuẩn vệ sinh nghiêm ngặt, các loại côn trùng, sâu bọ không có cơ hội tiếp cận và cho phép tái chế nước một cách hiệu quả.

Công nghệ đạt được những bước tiến vượt bậc nhất ở Hà Lan chính là ngành tạo giống, nhất là trong bối cảnh trên thế giới có rất nhiều tranh cãi xung quanh việc phát triển những hạt giống biến đổi gen nhằm sản xuất ra những mùa vụ lớn hơn và kháng bệnh tốt hơn.

Duy trì vị thế tiên phong thế giới trong nông nghiệp chính xác, các phát hiện mới là những giải pháp tiềm năng để giải quyết vấn đề lương thực toàn cầu trong tương lai, đồng thời là cơ hội xuất khẩu kiến thức của ngành nông nghiệp Hà Lan. Các thành tựu đạt được trong mọi lĩnh vực không chỉ thể hiện bản lĩnh trí tuệ, tinh thần chịu khó, sự dũng cảm của người dân Hà Lan mà còn thể hiện khát vọng vươn lên và trách nhiệm đối với các thế hệ kế tiếp trong việc xây dựng một đất nước Hà Lan an toàn và thịnh vượng.

An Nhiên (T/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Lan: Hành trình tìm giải pháp sống chung với "giặc" nước