Hà Nội – Bài 3: Ao hồ “biến mất” dưới góc nhìn quy hoạch

Thế Đoàn|06/12/2019 00:25
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Vấn đề san lấp ao hồ ở Hà Nội trong suốt thời gian qua không chỉ do điều chỉnh về quy hoạch mà cần phải xem xét năng lực quản lý của chính quyền các cấp và ý thức trách nhiệm của người dân.

Hà Nội trước đây được mệnh danh là đô thị có nhiều mặt nước, nhiều ao hồ, sông. Nhưng từ sau năm 1990, tốc độ đô thị hóa cao. Mặc dù, đã có quy hoạch rõ ràng nhưng việc quản lý diện tích mặt nước không được chặt chẽ dẫn đến suy giảm và ô nhiễm ao hồ nghiêm trọng.

KTS. Trương Văn Quảng – Phó tổng thư ký Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam trao đổi với PV Moitruong.net.vn

Trao đổi với PV Moitruong.net.vn, TS. KTS. Trương Văn Quảng – Phó Tổng thư ký Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho biết: “Mặc dù, Hà Nội đã có đồ án quy hoạch cụ thể, có hết quy hoạch về hạ tầng kĩ thuật hệ thống sông hồ, đầm nước. Nhưng thứ nhất là chúng ta chưa có nguồn kinh phí để triển khai hiệu quả. Thứ hai, cách quản lý của chính quyền địa phương chưa được tốt, một bộ phận người dân tự ý san lấp ao hồ để phục vụ mục đích cá nhân. Đánh giá tình trạng diện tích mặt nước bị thu hẹp không thể đổ lỗi hoàn toàn cho quy hoạch không có tầm nhìn mà chính quyền địa phương phải tự nhận trách nhiệm trong công tác quản lý, thực hiện quy hoạch”.

Hệ thống kĩ thuật cũng không theo kịp tốc độ đô thị hóa, nên có nhiều trận mưa lớn, nước không thoát kịp, dồn ứ cục bộ lại dẫn đến một số tuyến đường cứ mưa là ngập. Tất cả diện tích mặt nước ao hồ ngày xưa rất rộng, mật độ xây dựng thấp nên có thể chứa được lượng nước lớn, còn bây giờ bị con người lấn chiếm hết rồi – ông Trương Văn Quảng cho biết thêm.

Quận Đống Đa thời gian qua đã xây dựng nhiều hồ mới nhưng phần diện tích mặt nước vẫn bị thu hẹp đáng kể so với trước.

Trước thực trạng diện tích mặt nước ở Hà Nội ngày càng bị thu hẹp, các dự án xây dựng hồ mới mặc dù được bố trí trong quy hoạch nhưng không được triển khai hiệu quả. Dư luận đặt câu hỏi: Phải chăng nguyên nhân là do tư duy “quy hoạch nhiệm kỳ”, không phù hợp với sự phát triển nhanh chóng của xã hội?

Phóng viên đã có buổi làm việc với Viện quy hoạch xây dựng Hà Nội về vấn đề này. KTS Trần Duy – Giám đốc Trung tâm quy hoạch kiến trúc 5 chia sẻ: “Nếu tư duy quy hoạch ngắn hạn thì sẽ để lại hậu quả lâu dài, bởi vì nó chỉ giải quyết được nhu cầu hiện tại. Nói là quy hoạch hiện nay là ngắn hạn thì cũng không phải, quy hoạch phải có tầm nhìn dài hạn nên một số thứ nó chưa đáp ứng được nhu cầu trước mắt. Trước hết phải làm đúng theo quy hoạch đã được phê duyệt, vì trong đó đã đảm bảo về hệ thống cây xanh, mặt nước”.

KTS Trần Duy – Giám đốc trung tâm quy hoạch kiến trúc 5, Viện quy hoạch xây dựng Hà Nội trao đổi với PV Moitruong.net.vn.

Trên địa bàn Thủ đô tồn tại hai hình thái ở. Một là đô thị hiện có, theo cấu trúc làng xóm thì bên trong đấy nếu còn giữ được cái ao hồ gì thì nó vẫn tồn tại. Thứ hai là hình thức ở mới theo từng khu đô thị, hồ nếu có trong đó là hồ quy hoạch. Trong các khu quy hoạch đều có hồ điều hòa, còn việc không thực hiện theo đấy là trách nhiệm của các cơ quan quản lý – KTS. Trần Duy cho biết thêm.

Hiện tại, tỷ lệ diện tích cây xanh mặt nước tính trên đầu người của Hà Nội thấp hơn so với nhiều đô thị trên thế giới. Trong khi đó, tốc độ đô thị hóa với nhiều chung cư cao tầng được xây dựng khiến cho không gian mặt nước ngày càng bị thu hẹp. Đã đến lúc, những người làm quy hoạch và cơ quan quản lý nhà nước phải nhìn nhận sự việc này như một vấn đề nghiêm trọng để có biện pháp điều chỉnh quy hoạch và quản lý cho phù hợp với sự phát triển của Thủ đô.

Thế Đoàn

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội – Bài 3: Ao hồ “biến mất” dưới góc nhìn quy hoạch