Hà Nội – Bài 2: Hậu họa khi những “lá phổi xanh” biến mất

Thế Đoàn|30/10/2019 08:44
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Tốc độ đô thị hóa nhanh, ao hồ bị san lấp nghiêm trọng là nguyên nhân dẫn đến hàng loạt các vấn đề môi trường mà TP.Hà Nội đang phải đối mặt như ngập úng, ô nhiễm không khí, nắng nóng oi bức ngột ngạt,…

Hậu quả nhãn tiền

Thống kê trong bài trước cho thấy, từ 1995 – 2016 hơn một nửa diện tích mặt nước ở Hà Nội biến mất do người dân, chính quyền san lấp mặt bằng để xây dựng công trình, nhà cửa. Cùng với đó, môi trường đô thị đang bị ô nhiễm nghiêm trọng do sản xuất công nghiệp và lối sống, sinh hoạt khiến các kênh, rạch, mương máng không có khả năng thoát nước nhanh.

Ao Ải rộng tới 14.000m2 ở vị trí giáp ranh giữa phường Xuân La (quận Tây Hồ) và phường Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy) nay đã bị san lấp gần hết, một phần đất biến thành bãi tập kết vật liệu xây dựng.

Sau những trận mưa lớn tình trạng ngập úng tại nhiều tuyến phố ở Hà Nội là cảnh dễ gặp khiến người dân ngán ngẩm từ nhiều năm nay. Bà Nguyễn Thị Lan – phố Hoa Bằng, Yên Hòa, Cầu Giấy cho biết: “Trời mưa to là phố này ngập như một dòng sông, ngập trên đầu gối. Cả xí nghiệp nước cả người dân khơi thông cống mà rất lâu mới tiêu thoát được. Ngày xưa quanh đây cũng nhiều ao hồ nhỏ để nước mưa thoát xuống nhưng giờ bị san lấp hết để làm nhà rồi nên ngập là đúng thôi”.

Một phần diện tích mặt nước hồ Tây Mỗ (phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) bị san lấp để làm Khu đô thị chức năng Tây Mỗ.

Xã Lại Yên, huyện Hoài Đức, người dân trao đổi với phóng viên: trước đây địa phương rất nhiều ao hồ nhưng giờ đã bị san lấp làm nhà hết chỉ còn một đầm nước chạy từ đầu làng đến cuối làng. Ông Nguyễn Văn Nam đi bộ trên con đường làng bao quanh đầm nước chia sẻ: “Ngày trước làng rất nhiều ao. Mùa hè nhà gần ao rất mát, mưa thì không bao giờ ngập úng. Giờ kinh tế phát triển họ lấp ao đi xây nhà nên mấy ngày trời nóng oi bức ngột ngạt lắm. Ao, hồ nó là “lá phổi xanh” nếu mình không giữ được nó thì “cơ thể” sẽ bị bệnh thôi”.

Đừng đánh mất “lá phổi xanh”

Các chuyên gia đã không ít lần cảnh báo: giải pháp căn cơ để chống ngập lụt tại các đô thị lớn như Hà Nội không phải chỉ là các biện pháp đầu tư công trình nhằm gia tăng khả năng thoát nước tại chỗ. Cần phải tiếp cận các giải pháp “mềm” mà ở đó là một quy hoạch tiêu thoát nước hoàn chỉnh, bao gồm cả việc làm tăng sự thấm nước bề mặt, nghĩa là phải giảm được tỷ lệ bê tông hóa.

Dự án công viên, hồ điều hòa tại phường Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội có tổng diện tích gần 32ha khi hoàn thành sẽ là “lá phổi xanh” cho toàn bộ khu vực phía Tây Hà Nội.

Ngoài mục đích tô điểm cho cảnh quan thiên nhiên, giúp giảm ngập úng, hồ nước tại các đô thị được ví như “máy điều hoà tự nhiên” giúp thanh lọc bầu không khí bụi bặm, mang tới không gian sống trong lành, thoáng mát, tốt cho sức khoẻ. Không những thế, máy điều hoà này còn góp phần cân bằng sinh thái, mang đến môi trường sống cân bằng với thiên nhiên, nâng cao chất lượng sống cho cư dân khu vực. Nhất là khi hiện nay, tốc độ đô thị hoá nhanh với các công trình san sát với các toà nhà cao ngút, sự hiện diện của hồ nước chính là “liều thuốc” giải toả nóng bức của mùa hè và sự ngột ngạt, bí bách của môi trường sống thiếu cây xanh.

Thời gian qua, chính quyền TP. Hà Nội đã liên tục đưa ra các biện pháp nhằm khắc phục và giải quyết tình trạng ngập lụt, cải thiện chất lượng không khí. Một trong số các giải pháp hữu hiệu là xây dựng thêm các hồ điều hoà mới. Tuy nhiên, thành phố cũng cần có những biện pháp quản lý chặt chẽ hơn nữa, quyết liệt trong xử lý vi phạm, nhất là đối với những tổ chức, cá nhân làm ngơ, tiếp tay cho các hoạt động san lấp, lấn chiếm đất ao hồ để trục lợi.

Toà soạn Môi trường và Cuộc sống – Moitruong.net.vn sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Thế Đoàn

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Hà Nội – Bài 2: Hậu họa khi những “lá phổi xanh” biến mất