Cuộc sống xanh

Hà Nội: Ca mắc sởi, sốt xuất huyết, tay chân miệng tiếp tục gia tăng

Hoàng Thơ 10/03/2025 19:00

Trong tuần qua, Hà Nội ghi nhận 120 ca mắc sởi, nâng tổng số ca từ đầu năm lên 745 trường hợp tại 30/30 quận, huyện, thị xã.

Ngày 10/3, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (CDC) Hà Nội cho hay, trong tuần qua (từ ngày 28/2 đến ngày 7/3), toàn thành phố ghi nhận 120 trường hợp mắc sởi, tăng 24 trường hợp so với tuần trước đó.

Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân mắc sởi như: Hoàng Mai (14 ca); Đống Đa, Hà Đông, Nam Từ Liêm - mỗi nơi có 11 ca; Tây Hồ, Thường Tín (mỗi nơi 10 ca).

Cộng dồn từ đầu năm 2025 đến nay, thành phố Hà Nội ghi nhận 745 trường hợp mắc sởi tại 30/30 quận, huyện, thị xã; trong khi cùng kỳ năm ngoái không có ca bệnh.

thanh_nhan.jpg
Trong tuần qua, Hà Nội ghi nhận 120 ca mắc sởi

Từ ngày 17/2, Hà Nội chính thức triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng, chống dịch sởi cho trẻ dưới 9 tháng tuổi trên địa bàn thành phố năm 2025.

Tính đến hết ngày 6/3, có 30/30 quận, huyện, thị xã tổ chức chiến dịch. Kết quả đã tiêm được 12.272/19.546 trẻ (đạt 63%), trong đó có 10.073 trẻ được tiêm tại trạm y tế và 2.199 trẻ tiêm tại cơ sở dịch vụ.

Theo CDC Hà Nội, trong tuần này, các quận, huyện tiếp tục triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng bệnh sởi cho đối tượng từ đủ 6 tháng đến dưới 9 tháng tuổi đồng thời tăng cường giám sát các điểm tiêm chủng trên địa bàn, đảm bảo các điểm tiêm thực hiện đúng theo kế hoạch và quy định chuyên môn, trong đó đặc biệt lưu ý đến việc rà soát đối tượng, kỹ thuật tiêm chủng.

Tuần qua, Hà Nội ghi nhận 13 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng 4 trường hợp so với tuần trước). Cộng dồn năm 2025 ghi nhận 182 trường hợp. Bệnh nhân ghi nhận rải rác tại 27 quận, huyện, thị xã.

Cùng với sởi, sốt xuất huyết, trên địa bàn thành phố cũng ghi nhận thêm 53 trường hợp mắc tay chân miệng (tăng 18 trường hợp so với tuần trước). Cộng dồn năm 2025 ghi nhận 218 trường hợp (tăng gần 1,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái). Bệnh nhân phân bố tại 29 quận, huyện, thị xã.

CDC thành phố đề nghị tăng cường giám sát phát hiện bệnh tay chân miệng tại cộng đồng và trường mầm non, mẫu giáo có ca bệnh, ổ dịch đồng thời, tổ chức các hoạt động xử lý triệt để, tổng vệ sinh môi trường, khử khuẩn phòng, chống bệnh tay chân miệng theo quy định; Thực hiện giám sát phát hiện bệnh nhân tại cơ sở y tế được phân cấp và tại cộng đồng để kịp thời điều tra, xử lý ca bệnh, ổ dịch, không để dịch lây lan rộng.

Các quận, huyện, thị xã tăng cường truyền thông về tình hình dịch bệnh trên địa bàn và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh mùa Đông-Xuân, đặc biệt là cúm, sởi để người dân chủ động thực hiện. Các đơn vị có liên quan đẩy mạnh tuyên truyền người dân chủ động đi tiêm chủng phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch và hưởng ứng các chiến dịch tiêm chủng bổ sung do ngành y tế triển khai.

Hướng dẫn vệ sinh môi trường phòng chống dịch bệnh

Trước tình hình các dịch bệnh như sởi, sốt xuất huyết, tay chân miệng gia tăng, việc vệ sinh môi trường đóng vai trò quan trọng trong phòng ngừa lây lan. Dưới đây là các biện pháp cụ thể:

1. Phòng bệnh sởi

  • Vệ sinh cá nhân: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, che miệng khi ho, hắt hơi.
  • Vệ sinh nhà cửa: Thường xuyên lau dọn nhà cửa, bề mặt vật dụng bằng dung dịch khử khuẩn.
  • Tăng cường thông thoáng: Mở cửa sổ, cửa chính để không khí lưu thông, hạn chế virus tồn tại trong không gian kín.
  • Tiêm vaccine đầy đủ: Đưa trẻ đi tiêm chủng theo lịch để tạo miễn dịch phòng bệnh.

2. Phòng bệnh sốt xuất huyết

  • Diệt muỗi, lăng quăng/bọ gậy:
    • Đậy kín các dụng cụ chứa nước, thả cá vào bể nước để diệt lăng quăng.
    • Thường xuyên thay nước lọ hoa, dọn dẹp máng nước, lật úp vật dụng có thể đọng nước.
    • Dùng vợt điện, nhang muỗi, màn chống muỗi khi ngủ.
  • Vệ sinh môi trường:
    • Phát quang bụi rậm, loại bỏ vật dụng phế thải chứa nước như lốp xe cũ, vỏ dừa, chai lọ.
    • Phun thuốc diệt muỗi định kỳ theo hướng dẫn của ngành y tế.

3. Phòng bệnh tay chân miệng

  • Vệ sinh cá nhân: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, đặc biệt trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
  • Vệ sinh đồ chơi, vật dụng: Làm sạch và khử khuẩn đồ chơi, sàn nhà, bàn ghế, tay nắm cửa bằng dung dịch sát khuẩn.
  • Dọn dẹp trường học, nhà trẻ: Đảm bảo khu vực sinh hoạt của trẻ luôn sạch sẽ, hạn chế nguy cơ lây lan bệnh.
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Hà Nội: Ca mắc sởi, sốt xuất huyết, tay chân miệng tiếp tục gia tăng
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.