Hà Nội: Cần xử lý nghiêm hành vi xả rác bừa bãi

Xuân Hiếu|26/04/2024 08:36
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Mặc dù, các quy định xử phạt hành vi vứt rác không đúng nơi quy định đã có từ bao năm nay, song tại nhiều vỉa hè, lòng đường trên địa bàn thủ đô hiện vẫn diễn ra tình trạng xả rác bừa bãi gây ô nhiễm môi trường. Từ đó, việc tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm càng trở nên quan trọng và cấp thiết hơn bao giờ hết.

Cần xử lý nghiêm hành vi xả rác bừa bãi tại thủ đô Hà Nội

Là một trong hai trung tâm kinh tế lớn của Việt Nam, thủ đô Hà Nội thu hút nhiều nguồn lao động đến sinh sống và làm việc, dẫn đến sự quá tải về hạ tầng đô thị do gia tăng dân số, đi cùng với quá trình đô thị hóa nhanh khiến môi trường thủ đô bị ô nhiễm nghiêm trọng. Vì vậy, vấn đề vệ sinh môi trường cảnh quan luôn được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của thành phố. Tuy nhiên, trên thực tế, tình trạng xả rác bừa bãi tại các vỉa hè, lòng đường ở một số tuyến phố vẫn tồn tại nhức nhối như một câu chuyện dài chưa có hồi kết. 

z4550752871821_3698804ecd36e660b02eeb4039bf6f6b-1-.jpg
Thủ đô Hà Nội hướng tới xây dựng thành phố xanh - sạch - đẹp

Ngày 24/4/2024 vừa qua, phóng viên Tạp chí Môi trường và Cuộc sống đã có buổi ghi nhận thực tế về tình trạng xả rác bừa bãi tại một số tuyến đường ở Hà Nội. Tại tuyến đường Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Tuân hay các khu nhà ở ngõ 90 Nguyễn Tuân và ngõ 282 Nguyễn Huy Tưởng thuộc phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, rác thải vẫn tràn lan ở lòng đường, trên các vỉa hè. Việc chấp hành vứt rác đúng nơi quy định dường như vẫn chưa có trong tiềm thức của một bộ phận người dân thủ đô. 

z5373475260080_c99c58c564ca1fdaaea7769ba5633433.jpg
Rác thải chất đống trên vỉa hè tại tuyến đường Nguyễn Huy Tưởng
z5373475321129_78d19b7f13332bb7c351a01fceabe8b6.jpg
Rác thải vứt bừa bãi tại tuyến đường Nguyễn Tuân

Cũng trong ngày, phóng viên tiếp tục ghi nhận hiện trạng tại tuyến đường Nguyễn Quý Đức, phường Thanh Xuân Bắc. Tại đây, đủ loại rác thải, từ rác thải sinh hoạt đến rác thải xây dựng được thải ra từ các công trình và rác thải từ các hàng quán kinh doanh như quán cà phê, cửa hàng ăn uống....chất thành đống tại lòng đường, vỉa hè, gây ô nhiễm và mất mỹ quan đô thị của thành phố. 

z5373475343509_9091d17ed4302ebbab079f95fc442db5.jpg
Rác thải xây dựng đổ đống ngày trước cổng trường mầm non và THCS ngõ 90 Nguyễn Tuân
z5373475836643_d07468dab1ee2297ae183041669c718f.jpg
Rác thải nằm ngổn ngang dưới lòng đường Nguyễn Tuân

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa qua đã ký ban hành Công điện số 03/CĐ-CT về việc tăng cường bảo đảm vệ sinh môi trường. Trong đó, Chủ tịch UBND thành phố giao Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường quản lý, giám sát xử lý nghiêm hành vi gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn Thành phố.

Tại điểm D, Điều 25 Nghị định 45/2022/NĐ-CP cũng quy định về vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường. Theo đó, sẽ phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải trên vỉa hè, lòng đường hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt; đổ nước thải không đúng quy định trên vỉa hè, lòng đường phố; thải bỏ chất thải nhựa phát sinh từ sinh hoạt vào ao hồ, kênh rạch, sông, suối, biển. Đặc biệt mức phạt tiền trên chỉ là mức phạt áp dụng với cá nhân, đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm thì mức phạt tiền sẽ gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. 

Để bảo vệ môi trường, cảnh quan đô thị của thành phố Hà Nội nói chung và hai phường Thanh Xuân Trung, Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân nói riêng, các chuyên gia đã đưa ra một số giải pháp cơ bản để giải quyết tình trạng vứt rác không đúng nơi quy định.

Một là kiểm soát và truy tìm nguồn gốc rác, đẩy mạnh tăng cường kiểm soát và giám sát các vùng có nguy cơ cao xả rác trái phép. Thông qua việc sử dụng camera, các cơ quan chức năng có thể thu thập thông tin về người, phương tiện và thời gian xả rác để đưa ra hình phạt hợp lý.

Hai là xây dựng các khu vực để thu gom rác. Cần tạo ra các bãi thu gom rác hiệu quả và thuận tiện cho người dân. Điều này sẽ giúp người dân có nơi để đổ rác, giúp giảm thiểu tình trạng xả rác bừa bãi.

Ba là nâng cao ý thức cộng đồng. Cần tổ chức các hoạt động tuyên truyền và giáo dục cho cộng đồng về việc giữ gìn vệ sinh môi trường và đảm bảo tuân thủ các quy định về việc vứt rác.

Bốn là áp dụng các giải pháp công nghệ như việc lắp đặt các cảm biến và camera theo dõi, để phát hiện và cảnh báo sớm về các vị trí có nguy cơ cao về xả rác.

Năm là tăng cường các biện pháp xử phạt nghiêm ngặt. Các cơ quan chức năng cần tăng cường tuân thủ và áp dụng các biện pháp xử phạt nghiêm ngặt đối với các hành vi xả rác trái phép.

Sáu là đẩy mạnh hoạt động tái chế và tái sử dụng rác, thúc đẩy việc tái chế rác thải và phát triển các khu vực tái chế, giúp giảm thiểu lượng rác và bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, cũng theo các chuyên gia, để xử lý tình trạng xả rác bừa bãi và các vi phạm liên quan, cần có sự kết hợp giữa các biện pháp kiểm soát, truy tìm nguồn gốc rác, tăng cường ý thức cộng đồng và ứng dụng công nghệ thông minh, cùng với đó là áp dụng các biện pháp xử phạt nghiêm ngặt và thúc đẩy hoạt động tái chế, tái sử dụng rác. 

Bài liên quan

(1) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Hà Nội: Cần xử lý nghiêm hành vi xả rác bừa bãi
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.