Hà Nội: Chỉ tiếp nhận dự án đầu tư vào cụm công nghiệp khi có đầy đủ hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường

Minh Anh|14/10/2022 17:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

UBND TP.Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 33/2022 về Quy chế quản lý cụm công nghiệp trên địa bàn TP.Hà Nội, có hiệu lực thi hành từ ngày 14/10/2022.

Theo đó, quy chế quy định về lập, điều chỉnh phương án phát triển cụm công nghiệp; thành lập, mở rộng cụm công nghiệp; triển khai dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp, các đơn vị liên quan trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động của các cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố.

khu-cong-nghiep.jpg
Ảnh minh họa

Quy chế cũng nêu rõ nguyên tắc phối hợp, đó là thiết lập mối quan hệ chặt chẽ và phân công trách nhiệm giữa các cơ quan và UBND cấp huyện để nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý cụm công nghiệp theo quy định của pháp luật. Việc phối hợp quản lý dựa trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, UBND cấp huyện nhằm bảo đảm sự thống nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong quá trình đầu tư sản xuất, kinh doanh trong cụm công nghiệp nhưng không làm giảm vai trò, trách nhiệm, thẩm quyền của mỗi cơ quan, không cản trở công việc của mỗi cơ quan; Giao Sở Công Thương Hà Nội là cơ quan đầu mối giúp UBND TP quản lý nhà nước về cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố.

Theo quy chế này, điều kiện thành lập, mở rộng cụm công nghiệp theo Điều 10 Nghị định 68/2017/NĐ-CP và có quy mô không quá 75ha, không dưới 30ha đối với cụm công nghiệp; quy mô diện tích không vượt quá 75ha và không dưới 15ha đối với cụm công nghiệp làng nghề.

Đặc biệt, trong quá trình triển khai dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp, nếu chủ đầu tư không thực hiện dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật sau 12 tháng kể từ ngày thành lập, mở rộng cụm công nghiệp hoặc ngừng thực hiện, chậm triển khai 12 tháng so với tiến độ tại quyết định thành lập (mà không thực hiện thủ tục điều chỉnh tiến độ đầu tư) thì UBND TP xem xét thu hồi dự án và quyết định lựa chọn chủ đầu tư khác.

UBND TP cũng quy định chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp chỉ được tiếp nhận dự án đầu tư sản xuất kinh doanh vào cụm công nghiệp khi có đầy đủ công trình hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường theo Luật Bảo vệ môi trường. Chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp làng nghề phải ưu tiên tiếp nhận theo thứ tự doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, cơ sở sản xuất hộ gia đình, cá nhân trong làng nghề. Nếu còn diện tích đất thì có thể xem xét tiếp nhận cá nhân trong làng nghề thuê để sản xuất kinh doanh.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Chỉ tiếp nhận dự án đầu tư vào cụm công nghiệp khi có đầy đủ hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường