Ngày 21-3, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã họp lên phương án cung ứng lương thực, thực phẩm và hàng hóa cho các khu vực phải cách ly, phòng chống dịch COVID -19.
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trên cả nước và thành phố Hà Nội, số trường hợp ghi nhận nhiễm COVID-19 ngày càng tăng, với số lượng người cách ly lên tới hàng chục nghìn người do số lượng người bị lây nhiễm tăng mạnh và các du học sinh, người Việt sinh sống ở nước ngoài về nước.
Cùng với đó là nhu cầu các mặt hàng thiết yếu và các mặt hàng sử dụng cao trong mùa dịch sẽ tiếp tục tăng do thời gian dịch bệnh kéo dài.
Tại cuộc họp, Sở Công Thương Hà Nội trình bày các phương án dự trữ hàng hóa theo 4 cấp độ dịch của thành phố; trong đó, tập trung vào cấp độ 3-4, đảm bảo hàng hóa phục vụ nhân dân và cho các địa phương có khu vực cách ly.
Theo đó, kịch bản thứ nhất là 200 người cách ly tại địa bàn một quận (hoặc huyện) và 2.350 người cách ly tại nhà. Hoạt động mua sắm hàng hóa vẫn diễn ra bình thường.
Ở kịch bản thứ hai, 1.000 người bị cách ly tại năm khu vực ở một quận (hoặc huyện) và trên 12.000 người cách ly tại nhà. Khi đó, nhu cầu mua sắm hàng hoá sẽ tăng cao hơn nhưng không có biến động về thị trường.
Ảnh minh họa
Kịch bản 3 là khi có 20 ca bệnh trở lên trên địa bàn thành phố, các quận, huyện có 10 khu vực cách ly với tổng số 2.000 người, gần 130.000 người cách ly tại nhà. Sở Công Thương Hà Nội nhận định có thể xảy ra thiếu hàng cục bộ do lượng người dân đi mua hàng tăng cao vào một thời điểm. Để đảm bảo cung cấp đủ hàng hoá, Sở sẽ liên tục điều tiết các hệ thống phân phối trong thành phố.
Kịch bản 4, trên địa bàn có hơn 1.000 người nhiễm và 30 quận, huyện đều có khu cách ly. Giả định mỗi quận, huyện có từ 1-5 khu vực bị cách ly với số người trong khu cách ly lên đến 30 nghìn người và 382,5 nghìn người cách ly tại nơi ở trong thời gian 14 ngày.
Cũng tại buổi làm việc, lãnh đạo Sở Công thương kiến nghị Bộ Công thương chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất khẩu trang kháng khuẩn và khẩu trang y tế có kế hoạch sản xuất đủ để phục vụ nhu cầu của cả nước nói chung và của thành phố Hà Nội nói riêng; cung cấp đầy đủ thông tin các đầu mối cung ứng nhu yếu phẩm ở các tỉnh cho thành phố Hà Nội để kịp thời kết nối cung cấp hàng hóa cho người dân thành phố.
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải đánh giá cao Hà Nội cũng như các sở, ngành liên quan đã chủ động, chuẩn bị tốt hàng hóa ứng phó với dịch Covid-19 trong thời gian qua và cho biết các đơn vị của Bộ sẽ cùng Hà Nội tiếp tục theo dõi diễn biến thị trường, phối hợp triển khai các biện pháp bảo đảm nguồn cung mặt hàng thiết yếu; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, ngăn chặn tình trạng lợi dụng dịch bệnh để nâng giá, đầu cơ, tích trữ…
>>>Xem thêm:Cách ly tất cả người nhập cảnh vào Việt Nam từ 21/3
Ông Hải cũng đề nghị thành phố có các giải pháp hỗ trợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phân phối, sản xuất kinh doanh trên địa bàn hiện đang gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh.
Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản cho hay, đây không phải là lần đầu tiên thành phố dự trữ nguồn hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng mà đã trở thành việc làm thường xuyên trong các dịp Tết, vào mùa mưa bão.
“Thành phố chủ động để đưa ra các tình huống, cân đối nguồn ngân sách để đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa, đảm bảo cuộc sống ổn định của người dân thủ đô”, ông Toản nói.
Mai An (t/h)