Ảnh minh họa.
Theo Sở Công Thương, Hà Nội có mạng lưới phân phối gồm 103 siêu thị, 449 chợ và 9.546 điểm bán lương thực, thực phẩm thiết yếu; Các điểm bố trí làm kho, bán hàng lưu động: 2.500 địa điểm; Các cơ sở chế biến lương thực, thực phẩm: 210 đơn vị; Các doanh nghiệp sản xuất lương thực, thực phẩm: 52 đơn vị; 606 cửa hàng gas; 480 cửa hàng xăng dầu… sẵn sàng cung ứng, phân phối hàng hoá cho người dân.
Cùng với đó là các doanh nghiệp, điểm bán có hình thức bán hàng online trực tuyến: 35 doanh nghiệp là các sàn thương mại điện tử và 565 địa điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu.
“Nguồn cung hàng hóa dựa trên 2 nguồn gồm sản xuất trên địa bàn Thành phố và nguồn kết nối của các tỉnh, thành phố trên cả nước. Trong đó, đối với nguồn cung từ các tỉnh, thành phố gồm 774 doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sản xuất các tỉnh, thành phía Bắc; 326 doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sản xuất các tỉnh, thành miền Trung – Tây nguyên; trên 200 doanh nghiệp các tỉnh phía Nam sẵn sàng cung ứng hàng hóa thiết yếu cho Hà Nội”, Sở Công Thương cho biết.
Phương án điều phối, cung ứng hàng hóa cho các vùng:
Phân vùng 1
Theo Sở Công Thương, về nhu cầu hàng hoá, Thành phố sẽ đảm bảo cung ứng hàng hóa cho khoảng 3,78 triệu người với 10 mặt hàng lương thực thực phẩm (Gạo, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, dầu ăn, gia vị, rau củ quả, thủy hải sản, thực phẩm chế biến, sản phẩm chế biến từ ngũ cốc), 2 mặt hàng phòng chống dịch (khẩu trang kháng khuẩn và nước sát khuẩn) và 4 mặt hàng thiết yếu khác phục vụ trẻ em, người cao tuổi và phụ nữ (sữa uống, giấy vệ sinh, bỉm trẻ em, bỉm người lớn, băng vệ sinh phụ nữ)
Lượng hàng hoá trên sẽ được phân phối thông qua 78 siêu thị, 149 chợ, 5.095 điểm bán lương thực, thực phẩm thiết yếu, 35 doanh nghiệp và 565 địa điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu có hình thức bán hàng trực tuyến, 927 địa điểm sẵn sàng trưng dụng làm kho, điểm bán hàng lưu động ngay khi cần thiết.
“Để mua hàng, người dân được UBND quận/huyện thực hiện phát phiếu mua hàng 2 lần/tuần cho từng hộ gia đình trên địa bàn quận/huyện để mua hàng trực tiếp tại các điểm bán”, Sở Công Thương cho biết.
Nếu mua hàng theo hình thức mua hàng trực tuyến, các đơn vị cung ứng hàng hóa thực hiện giao hàng qua nhân viên giao hàng theo địa bàn các quận/huyện. Trong trường hợp người dân mua hàng tại các điểm bán hàng lưu động trên địa bàn, UBND các Phường/xã thông báo cụ thể thời gian, địa điểm,… để người dân tham gia mua sắm
Tại Phân vùng 2 và Phân vùng 3: Hiện đang có tổng 23 siêu thị, 300 chợ, 4.451 cửa hàng tiện ích, 1.491 điểm bố trí bán hàng lưu động… Phương án vận chuyển và cung ứng hàng hóa thực hiện theo Kế hoạch số 181/KH-UBND ngày 7/8/2021 của UBND Thành phố về việc bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm và cung ứng các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong thời gian giãn cách xã hội.
Tính đến ngày 31/8/2021, TP. Hà Nội có 51.111 xe ô tô được cấp luồng xanh quốc gia; 26.133 xe máy được cấp mã QR của Sở Giao thông vận tải. Bên cạnh đó, mỗi quận, huyện, thị xã huy động trung bình 5 xe tham gia vận chuyển, cung ứng hàng hóa. Dự kiến, Sở sẽ huy động 528 xe tải của các doanh nghiệp tham gia vào cung ứng, vận chuyển hàng hóa.
Đại diện Sở Công Thương cho hay, với phương châm chỉ đạo của thành phố là soát thật kỹ, chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng đảm bảo không để dứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu, người dân yên tâm không cần mua sắm tích trữ, chỉ mua đủ dùng cho 3 ngày/tuần theo lịch đi mua hàng.
Đại diện Sở Công Thương lưu ý thêm đối với Vùng 1 mặc dù thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng, người dân vẫn được phát Phiếu mua hàng 2 lần/tuần cho từng hộ gia đình để mua hàng trực tiếp tại các điểm bán hàng (chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi…) và thực hiện các hình thức mua hàng tại các điểm bán hàng lưu động, mua hàng online…
Hoàng Ngân