Hà Nội loay hoay với bài toán cứ mưa là ngập – Bài 3: Những giải pháp để Hà Nội thoát ngập

Giang Anh|06/06/2022 06:44
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Ngày 29/5/2022, mưa lớn xảy ra vào đầu giờ chiều đã khiến nhiều tuyến đường nội đô Hà Nội chìm trong biển nước, ngập sâu khiến các phương tiện không thể di chuyển. Hà Nội cứ mưa là ngập, chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”… Vậy, đâu là giải pháp để Hà Nội thoát ngập mỗi khi có mưa lớn?

Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội.

Để Hà Nội không còn bị ngập mỗi khi mưa lớn, bên hành lang Quốc hội sáng 30/5, Bộ trưởng Tài Nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết: Trước hết, Hà Nội cần tăng cường công tác dự báo; thứ hai, thành phố này cần có dự án tổng thể, trong đó đánh giá một cách căn cơ và đưa ra những số liệu lịch sử cũng như số liệu hiện nay về hiện tượng cực đoan của thời tiết; thứ ba, Hà Nội cần xây dựng một đô thị thông minh, chống chịu được các hiện tượng thời tiết cực đoan để đảm bảo tính bền vững.

Ngoài ra, Hà Nội cần sử dụng các giải pháp mang tính chủ động như có thể bố trí cánh đồng, sân vận động làm bể chứa nước để tạm thời không tạo ra ngập lụt, tác động vào những nơi xung yếu gây thiệt hại về tài sản cho con người.

Thêm vào đó, là các giải pháp kỹ thuật, sử dụng các giải pháp mang tính chủ động như sử dụng cánh đồng, sân vận động làm “bể chứa nước” để tạm thời không tạo ra sự ngập lụt, tác động vào những nơi xung yếu gây thiệt hại về tài sản cho con người.

Theo PGS.TS Trần Đức Hạ – Viện trưởng Viện nghiên cứu cấp thoát nước và Môi trường, Hội Cấp thoát nước Việt Nam, đối với nội thành Hà Nội, vấn đề quản lý vận hành và ý thức người dân vẫn còn bất cập, khu vực ngoại thành phải tập trung nguồn lực giải quyết đồng bộ, tổng thể chứ ko thể làm từng khu vực một. Chúng ta đã có quy hoạch 725 rồi, chúng ta phải tiến hành từng bước như thế nào cho phù hợp. Các bước phải phù hợp với sự phát triển các khu đô thị, thậm chí các vùng chúng ta phải đón đầu, tức là xây dựng hệ thống hạ tầng trước khi xây dựng nhà ở, công trình. Song song đó là giải quyết các trạm bơm đầu mối, trạm bơm Yên Nghĩa, trạm bơm Chèm, trạm bơm ở khu vực phía Nam Hà Nội …

Đối với khu vực nội thành, phải giữ nguyên nguyên tắc bảo đảm được hệ thống sông, hồ, đóng vai trò chứa nước mưa, điều hòa, làm thế nào diện tích mặt nước sông, hồ đô thị chiếm từ 2-6% diện tích khu đô thị.

Bên cạnh đó cần giáo dục ý thức người dân, kể cả nhà đầu tư, nhà đầu tư phải tham gia vào quản lý nước mưa đô thị. TP. Hà Nội, tăng cường năng lực cho công ty thoát nước, kết hợp các hệ thống khác nữa như công ty thủy lợi, công ty thủy nông ở ngoại thành tham gia vào việc thoát nước.

Ông Lê Vũ Quảng Sương – Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội cho biết, giải pháp cho việc tiêu thoát nước sao cho phù hợp địa hình của Hà Nội vẫn phải bám theo quy hoạch 725 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Địa hình Hà Nội có chiều rộng từ phía Bắc xuống phía Nam, tuy nhiên, chúng ta tiêu thoát chủ yếu bằng hệ thống thoát nước tự chảy, trong từng lưu vực nhỏ, khi ra các trục tiêu thoát chính đó là sông Tô Lịch, đó là sông Nhuệ phải đẩy nhanh xây dựng các trạm bơm đầu mối (đã hoàn thành trạm bơm Yên Sở, trạm bơm Yên Nghĩa đã hoàn thành nhưng còn hệ thống kênh thu gom đang hoàn thiện). Đây là những công trình đầu mối, hết sức quan trọng đảm bảo khả năng chủ động kiểm soát tiêu thoát nước trên địa bàn thành phố, chúng ta hoàn toàn ko bị phụ thuộc vào tự nhiên.

Trạm bơm Yên Nghĩa sẽ giúp Hà Nội thoát ngập khi mưa lớn.

Bên cạnh đó, trong quá trình đô thị hóa và xây dựng chúng ta phải đảm bảo diện tích các hồ điều hòa, đây là yếu tố hết sức quan trọng, tác động trực tiếp, tham gia vào việc cắt lũ trong tình huống mưa lớn. Đối với các chủ đầu tư, trong quá trình đô thị hóa chúng ta cần tăng cường sử dụng vật liệu có tính thân thiện với môi trường, tăng cường thêm cây xanh, tăng cường hệ số thấm để giảm tải cho hệ thống thoát nước. Với những giải pháp đồng bộ như vậy chúng ta mới cải thiện được cơ bản khả năng tiêu thoát nước trên địa bàn thành phố.

Đối với công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội, chúng tôi tiếp tục tăng cường công tác duy tu, duy trì hệ thống tiêu thoát nước đang quản lý.

Đặc biệt, chúng tôi phối hợp chặt chẽ với Sở NN & PTNT, đây là đơn vị chủ quản của công ty thủy nông, lúc đó việc tiêu thoát nước giữa nội thành và ngoại thành có sự phối hợp nhịp nhàng, hài hòa, để khai thác giảm thiểu tình trạng úng ngập trên địa bàn thành phố.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác cập nhật thông tin dự báo, cảnh báo tình hình mưa từ Trung tâm Khí tượng thuỷ văn đồng bằng Bắc bộ và các nguồn dự báo trong nước, nước ngoài để chủ động ứng phó từ sớm. Tăng cường kiểm tra, nạo vét vệ sinh bùn đất, phế thải bảo đảm toàn bộ hệ thống thoát nước được giao luôn luôn thông thoát, không ách tắc.

Vận hành tốt các trạm bơm, hồ điều hoà để duy trì mực nước thấp trên toàn hệ thống cống, kênh, mương, sông hồ trong suốt mùa mưa; bảo đảm các trạm bơm, hồ điều hoà hoạt động 100% công suất tiêu thoát nước khi mưa xảy ra. Tổ chức lực lượng ứng trực nhanh chóng, kịp thời với 100% quân số, thiết bị, xe hút, máy bơm di động để nhanh chóng giải quyết các điểm úng ngập khi mưa xảy ra.

Nhấn mạnh việc phối hợp để thực hiện tốt công tác thoát nước, chống úng ngập mùa mưa, đại diện Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội cho rằng, cần sự quan tâm, hỗ trợ giải quyết các tồn tại, vướng mắc của chính quyền các cấp, các ngành, các chủ đầu tư những công trình, dự án gây ảnh hưởng đến hệ thống thoát nước và cả những hành động thiết thực của người dân như không vứt rác, xâm hại hệ thống thoát nước, xây bục bệ, đặt tấm chắn lên ga cống làm cản trở khả năng thoát nước của hệ thống.

Về giải pháp lâu dài, đề nghị các bộ, ngành, Thành phố chỉ đạo đánh giá, nghiên cứu điều chỉnh, xây dựng quy hoạch hệ thống thoát nước một cách đồng bộ cho các vùng của Hà Nội, một Thủ đô có diện tích hơn 3.400 km² có tính đến những yếu tố của biến đổi khí hậu.

Bên cạnh các giải pháp chống úng ngập cục bộ, Hà Nội cần nghiên cứu tổng thể lại hệ thống thoát nước trên phạm vi toàn thành phố.

Theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, để đối phó với biến đổi khí hậu, không thể chỉ xử lý những điểm ngập cục bộ mà phải đánh giá tổng thể hệ thống thoát nước toàn thành phố, kết hợp giữa yêu cầu thoát nước với phát triển đô thị. Thành phố Hà Nội đã có quy hoạch thoát nước, nhưng với tốc độ đô thị hóa tăng mạnh như hiện nay, cần có điều chỉnh phù hợp để ứng phó theo hướng nâng cao khả năng tiêu úng cho cả nội thành và ngoại thành.

Do vậy, bên cạnh những giải pháp cục bộ để giải quyết tình trạng úng ngập, đảm bảo đời sống của người dân và bộ mặt đô thị, Hà Nội cần nghiên cứu tổng thể lại hệ thống thoát nước trên phạm vi cả thành phố, với tầm nhìn dài hạn.

“Công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch cần được thực hiện nghiêm túc, tránh việc tùy tiện điều chỉnh cục bộ một khu vực dẫn đến phá vỡ tính tổng thể và thống nhất của hạ tầng”, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm nêu ra yêu cầu.

Ngoài ra, cần kịp thời đầu tư xây dựng phát triển hệ thống thoát nước, hệ thống thủy lợi bằng nhiều nguồn lực của nhà nước và xã hội theo kịp tốc độ đô thị hóa của Thủ đô để chủ động trong công tác phòng, chống thiên tai, thoát nước, chống úng ngập của Thành phố.

Hy vọng rằng với việc phối hợp, chung sức, đồng lòng giữa chính quyền, các đơn vị chuyên ngành và người dân thì bài toán chống ngập tại Hà Nội sẽ dần dần được hóa giải.

Chiều ngày 2/6, báo cáo tại hội nghị giao ban công tác tháng 5/2022 của UBND TP Hà Nội, Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong cho biết, những ngày qua, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp kết hợp với hội tụ gió trên cao, nên nhiều nơi trên TP Hà Nội có mưa vừa, mưa to và dông, gây ngập úng cục bộ toàn thành phố.

Để giải quyết tình trạng úng ngập khu vực nội thành và một số khu vực cố hữu khi mưa lớn, Sở Xây dựng đề xuất phối hợp với Sở NN&PTNT và các đơn vị thoát nước, các công ty thủy lợi nghiên cứu đề xuất báo cáo UBND TP nghiên cứu, đề xuất các giải pháp trước mắt và lâu dài như: đầu tư các trạm bơm tiêu thoát nước đô thị; các hầm chứa nước tại các khu vực trũng thấp để giảm úng ngập cục bộ; đầu tư nâng cấp hệ thống thoát nước lưu vực tả Nhuệ, hữu Nhuệ, lưu vực Bắc sông Hồng…

Trước mắt, nghiên cứu xây dựng bổ sung hệ thống thoát nước đô thị trên đường gom Đại lộ Thăng Long và giải pháp giải quyết các điểm trũng cục bộ tại các hầm chui dân sinh.

Đáng chú ý, Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong kiến nghị giao UBND Quận Hoàn Kiếm nghiên cứu triển khai phương án xây dựng bể ngầm điều tiết chứa nước mưa khu vực Ngã 5 Bát Đàn- Đường Thành, như đã làm tương tự bể điều tiết ngầm phố Nguyễn Khuyến, bên trong Trường THCS Lý Thường Kiệt.

“Điểm úng ngập tại phố Nguyễn Khuyến, quận Đống Đa, qua theo dõi các trận mưa năm 2021 cho thấy sau khi đưa công trình bể điều tiết Nguyễn Khuyến vào vận hành đã phát huy được hiệu quả, mức độ úng ngập và thời gian úng ngập đã giảm đáng kể (khoảng 70%) so với năm 2020” – ông Võ Nguyên Phong nói thêm về giải pháp xây bể ngầm điều tiết chứa nước mưa.

Ngoài ra, Giám đốc Sở Xây dựng cũng kiến nghị cần đôn đốc chủ đầu tư của dự án công viên đẩy nhanh tiến độ thi công hồ điều hòa góp phần quan trọng trong việc điều hòa và phục vụ thoát nước của khu vực này.

Giang Anh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội loay hoay với bài toán cứ mưa là ngập – Bài 3: Những giải pháp để Hà Nội thoát ngập