Hà Nội: Người dân "than phiền" vì Dự án 37 Nguyễn Bỉnh Khiêm thi công gây ô nhiễm, làm lún nứt nhà dân

Thu Thủy - Hà Anh|12/09/2022 16:30

Trong quá trình thi công phá dỡ gây lún nứt nhà dân, công nhân ăn ở ngay tại công trường, không mũ bảo hộ, không dây đai an toàn khi làm việc trên cao… Đó là những gì đang diễn ra tại Dự án Trụ sở Liên cơ quan Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Người dân mong muốn các cơ quan chức năng của quận Hai Bà Trưng và công an PCCC vào cuộc kiểm tra, xử lý để người dân được sống trong bầu không khí trong lành.

VIDEO: Hà Nội: Người dân "than phiền" vì Dự án 37 Nguyễn Bỉnh Khiêm thi công gây ô nhiễm, làm lún nứt nhà dân

Người dân bức xúc vì Dự án thi công gây ồn ào, bụi bặm, làm lún nứt nhà dân

Thời gian qua, Tòa soạn Môi trường và Cuộc sống – Moitruong.net.vn liên tục nhận được thông tin phản ánh của nhiều hộ dân sống ở tổ 1, phường Lê Đại Hành (quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội) bức xúc về việc xây dựng Trụ sở Liên cơ quan Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trong quá trình thi công đã gây ô nhiễm môi trường, tiếng ồn inh tai nhức óc, hoạt động cả ngày lẫn đêm, làm đảo lộn cuộc sống thường ngày của người dân. 

W_du-an-bo-lao-dong-thuong-binh-va-xa-hoi-1-.jpg
Nhiều người dân phản ánh về việc xây dựng Trụ sở Liên cơ quan Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trong quá trình thi công đã gây ô nhiễm môi trường, tiếng ồn inh tai nhức óc

Theo tìm hiểu được biết, Dự án trụ sở Liên cơ quan Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (số 37 Nguyễn Bỉnh Khiêm), được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội giao cho Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng thuộc Bộ làm chủ đầu tư công trình và trực tiếp quản lý dự án. Nhà thầu xây dựng là Công ty cổ phần tập đoàn đầu tư xây dựng HJC Tổng công ty 36 – CTCP.

Theo đó, công trình có quy mô xây dựng bao gồm: Khối nhà làm việc xây mới cao 8 tầng nổi hợp khối với khối nhà hiện trạng cao 8 tầng; chiều cao xây dựng khoảng 33,7m. Tổng diện tích xây dựng 1,862m2, trong đó diện tích xây mới 1.568m2, diện tích cải tạo 294m2 (nhà 8 tầng cải tạo). Tổng diện tích sàn xây dựng 18.446m2, trong đó sàn tầng hầm 4.136m2, sàn xây mới 11.958m2, sàn cải tạo 2.352m2 (nhà 8 tầng cải tạo). Dự án có tổng mức đầu tư là 485 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước, dự kiến công trình sẽ được hoàn thành vào năm 2023.

W_du-an-bo-lao-dong-thuong-binh-va-xa-hoi-6-.jpg
Từ khi Công trình này bắt đầu thi công phá dỡ cho đến nay đã làm đảo lộn cuộc sống của các hộ dân nơi đây

Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều người dân đang sống cạnh Dự án thì từ khi Công trình này bắt đầu thi công phá dỡ cho đến nay đã làm đảo lộn cuộc sống của các hộ dân nơi đây.

Anh A. – người dân đang sống tại phố Bà Triệu thuộc tổ 1, phường Lê Đại Hành bức xúc cho biết: "Đất cát từ phía dự án rơi xuống rồi bị tắc và xổ hết vào tầng 3 nhà anh. Trong nhà cũng bị nứt từ tầng 1 trở lên. Anh cũng bảo họ sang lấy keo bơm vào những chỗ nứt cho anh nhưng 05 tháng nay cũng chẳng thấy gì. Ngay lúc đầu họ phá dỡ cứ dầm dầm, dầm dầm, cả khu này có ai ngủ được đâu. Dân cũng báo lên phường đấy nhưng cũng chẳng tác dụng gì".

"Nhà anh còn không dám ở đây, phải đi thuê nhà vì chỉ sợ rơi các thứ xuống vì nhà anh là nhà mái tôn. Con cái học hành mùa dịch là không thể học được phải đi chỗ khác ở, tầng 3 để không đấy chứ", anh A cho biết thêm.

Cùng chung nỗi bức xúc bà H. – tổ 1, phường Lê Đại Hành cho biết: "Lúc họ phá dỡ khổ lắm, đêm cứ nằm mà khóc thôi. Ngày thì bụi, khi phun nước vào thì đêm là cái khói của bụi không thể thở được. Lúc họ phá dỡ rung lắc, chú nằm giường ngủ mà cứ lắc như ngô rang, bụi thì kín hết cả nhà. Trong mấy tháng phá dỡ cô toàn ăn cơm với đất với cát. Có hôm đang ăn, gạch ở bên dự án bắn sang vào đúng nồi canh. Buổi đêm người ta cứ làm, mình cũng chỉ biết thế, mình là người dân, mình cũng chẳng kêu được, mà cũng chả biết kêu ai".

W_nut-nha.jpg
W_z3710579009437_7b9f1cb7dd70bc75a2771de9a4ce24ea.jpg
W_nut-nha-1.jpg
Nhà cửa của các hộ dân cạnh dự án bị lún nứt nghiêm trọng

"Về lún nứt nhà, khi gọi thì họ cũng vào chụp và ghi nhận trên giấy tờ thôi, còn bao giờ họ đền bù, khắc phục thì cô cũng chưa biết. Ngày trước, họ thi công suốt ngày suốt đêm, nhiều khi không thể chịu nổi cô phải chạy ra đường, đến đầu cô bây giờ là bị ảnh hưởng", bà H cho biết thêm.

Còn cô G., - người dân sống cạnh dự án cho biết: "Lún nứt thì nhà tôi có nứt, người dân thì cũng rất thiện chí thôi nhưng công nhân rất vô ý, rác rưởi, đồ ăn vứt hết sang mái nhà số 240. Không biết nước ở bên dự án họ thi công xây dựng sử dụng nước gì mà chảy suốt ngày đêm không biết lãng phí", cô G. cho biết thêm.

Sự việc liên quan đến sức khỏe cũng như sự an toàn của nhiều gia đình, nhưng tại sao đến bây giờ vẫn hiện hữu. Chính quyền địa phương và UBND quận Hai Bà Trưng đã vào cuộc kiểm tra, xử lý những bức xúc, kiến nghị của người dân chưa?

Chủ đầu tư có dấu hiệu bỏ qua các quy định của Luật Bảo vệ môi trường, PCCC và công tác an toàn lao động

Để tìm hiểu thông tin về việc Dự án Trụ sở Liên cơ quan Bộ Lao động – Thương binh và xã hội thi công gây ô nhiễm môi trường, làm lún nứt nhà dân. Ngày 23/8/2022, PV Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống – Moitruong.net.vn có buổi làm việc với UBND phường Lê Đại Hành, tại buổi làm việc có ông Nguyễn Thanh Tuấn - Phó chủ tịch UBND phường. Ngoài ra, tại buổi làm việc với báo chí, UBND phường Lê Đại Hành cũng đã mời đại diện chủ đầu tư và nhà thầu thi công cùng làm việc. Đại diện cho Chủ đầu tư có ông Phú và đại diện nhà thầu có ông Đinh Tiên Hoàng – Chỉ huy trưởng đơn vị nhà thầu.

W_du-an-bo-lao-dong-thuong-binh-va-xa-hoi-5-.jpg
Khu vực nấu ăn của công nhân ngay tại công trường tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ

Trao đổi tại buổi làm việc ông Tuấn cho biết: "Dự án được bắt đầu triển khai từ đầu năm 2021. Trong quá trình phá dỡ có một số ý kiến của các hộ dân, lúc đó các hộ dân có gửi đơn thì  UBND phường có phối hợp với chủ đầu tư mời các hộ dân ra họp và làm việc. Về lún nứt, trong quá trình phá dỡ họ dùng máy móc nên có những rung chấn, phường cũng đã có ý kiến với chủ đầu tư vì phía chủ đầu tư có mua bảo hiểm để có những khảo sát đối với những ảnh hưởng của các hộ dân lân cận.

"Về vấn đề bảo vệ môi trường, phường cũng chỉ đạo tổ quản lý trật tự xây dựng thường xuyên có những đôn đốc nhắc nhở từ chủ đầu tư đến đơn vị thi công phải chấp hành nghiêm các quy định về công tác bảo vệ môi trường. Đặc biệt là trong thời gian phá dỡ, có những thời điểm, phường cũng phải yêu cầu phải dừng thi công để có những biện pháp che chắn nhằm đảm bảo việc gây tiếng ồn vì xung quanh sát khu dân cư. Thời điểm đó nhiều hộ dân sát liền kề cũng bị ảnh hưởng, khó chịu", ông Tuấn cho biết thêm.

Về phía chủ đầu tư, ông Phú cho biết: Dự án không thuộc danh mục phải làm ĐTM hay kế hoạch bảo vệ môi trường và công trình đã được mua bảo hiểm nên khi có kiến nghị của người dân thì phía Chủ đầu tư cũng có báo với bên bảo hiểm để khảo sát, đánh giá hiện trạng".

Khi được hỏi về việc chấp hành các quy định của Luật bảo vệ môi trường, ông Phú khẳng định phía Chủ đầu tư thực hiện rất đầy đủ. Tuy nhiên, khi PV đề nghị cung cấp hồ sơ khẳng định việc Chủ đầu tư thực hiện rất đầy đủ các quy định của Luật bảo vệ môi trường và Luật Tài nguyên nước thì ông Phú lại không cung cấp được bất cứ hồ sơ nào cho PV.

Tuy là dự án không thuộc danh mục phải làm Báo cáo đánh giá tác động môi trường cũng như kế hoạch bảo vệ môi trường nhưng không phải vì thế mà chủ đầu tư cũng như nhà thầu thi công “vô tư” gây ô nhiễm môi trường làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân sống xung quanh dự án.

W_du-an-bo-lao-dong-thuong-binh-va-xa-hoi-4-.jpg
W_du-an-bo-lao-dong-thuong-binh-va-xa-hoi-3-.jpg
Nhiều công nhân ăn ở ngay tại công trường nấu ăn bừa bộn, hệ thống dây điện chằng chịt được nối từ phòng này qua phòng khác khiến cho nguy cơ xảy ra cháy nổ rất cao

Theo ghi nhận của PV, dự án không chỉ thi công làm lún nứt nhà dân, gây bụi bặm, mà hiện nay, ngay tại công trường là cảnh tượng nhếch nhác, ẩm thấp được nhà thầu tận dụng tầng 1 để làm nơi ăn ở, sinh hoạt cho công nhân. Lối đi bên cạnh là những giàn giáo đã được dựng lên cũng được tận dụng làm nơi phơi quần áo của công nhân. Có ai dám chắc rằng những giàn giáo này đảm bảo an toàn?. Những tấm bạt được sử dụng để thay thế cho bức tường để ngăn chia phòng ngủ. Khu vực nấu ăn thì bừa bộn, hệ thống dây điện chằng chịt được nối từ phòng này qua phòng khác khiến cho nguy cơ xảy ra cháy nổ rất cao, đe dọa trực tiếp đến sinh mạng của các công nhân hàng ngày đang ăn ở tại đây. Nước thải trong quá trình nấu ăn, sinh hoạt không được thu gom, xử lý mà đổ trực tiếp ra môi trường khiến nước không thoát được gây tiềm ẩn nguy cơ phát sinh dịch bệnh rất lớn. Hơn nữa ruồi muỗi xung quanh rất nhiều. Nếu tình trạng này cứ diễn ra thì rất có thể đây sẽ là mầm mống phát sinh dịch bệnh sốt xuất huyết.

W_du-an-bo-lao-dong-thuong-binh-va-xa-hoi-8-.jpg
Rác thải, vỏ hộp cơm từ phái nhà 7 tầng của dự án vứt bữa bãi sang tầng mái của các hộ dân sống bên cạnh 

Cùng với đó là tại tòa nhà 7 tầng cũ phía sau công trình đang xây có nhiều công nhân đang ăn ở, sinh hoạt, buổi tối hát karaoke gây ô nhiễm tiếng ồn, ảnh hưởng tới các hộ dân sống sát cạnh dự án. Có tình trạng rác thải, vỏ hộp cơm vứt bữa bãi sang tầng mái của các hộ dân sống bên cạnh dự án. Có thể thấy một số quy định về môi trường, phòng cháy chữa cháy, xả thải đã bị chủ đầu tư xem nhẹ. Tại sao tình trạng này diễn ra trong nhiều tháng qua mà chính quyền không có biệt pháp kiểm tra, xử lý triệt để?.

Những ngày gần đây, Hà Nội liên tiếp xảy ra các vụ cháy nổ nhưng việc hàng chục công nhân ăn ở tại dự án 37 Nguyễn Bỉnh Khiêm thì lại chưa được công an PCCC quận Hai Bà Trưng quan tâm xử lý, nếu không may xảy ra cháy nổ gây chết người thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm?.

Ghi nhận xung quanh dự án tại đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, bã bê tông thừa được đổ tràn ra cả vỉa hè khiến bộ mặt đô thị trở nên nhếch nhác.

W_du-an-bo-lao-dong-thuong-binh-va-xa-hoi-9-.jpg
Bã bê tông thừa được đổ tràn ra cả vỉa hè khiến bộ mặt đô thị trở nên nhếch nhác.

Ngoài ra, trong quá trình thi công Dự án còn có dấu hiệu của sự lơ là, buông lỏng quản lý về vấn đề an toàn lao động từ phía nhà thầu và chủ đầu tư dự án. Công nhân trong quá trình thi công xây dựng các tầng trên cao không tuân thủ quy định về an toàn lao động, không có đầy đủ đồ bảo hộ như: mũ, giày, găng tay, dây đai an toàn. Liệu rằng, các công nhân tại đây đã được học tập huấn và được cấp chứng chỉ an toàn lao động cũng như PCCC?.

W_du-an-bo-lao-dong-thuong-binh-va-xa-hoi-2-.jpg
Công nhân trong quá trình thi công xây dựng các tầng trên cao không tuân thủ quy định về an toàn lao động, không có đầy đủ đồ bảo hộ

Để thông tin khách quan, đa chiều, sáng ngày 06/9/2022, PV Moitruong.net.vn đã có buổi làm việc với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thuộc Bộ Lao động Thương binh và Xã hội. Tuy nhiên, trao đổi tại buổi làm việc, ông Hoàng Văn Tú – Giám đốc Dự án cho biết: "Vấn đề thi công mà ảnh hưởng đến môi trường, lún nứt nhà dân thì các bạn có thể phản ánh qua báo chí hoặc gửi lên cơ quan quản lý trực tiếp như phường, quận để giải quyết".

"Nếu chúng tôi có vi phạm thì chúng tôi sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật. Đồng thời, từ khi triển khai thi công đến nay chúng tôi chưa khi nào nhận được ý kiến phản ánh của người dân", ông Tú khẳng định.

W_ong-tu.jpg
Ông Hoàng Văn Tú – Giám đốc quản lý Dự án, Dự án Trụ sở Liên cơ quan Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội làm việc với PV Moitruong.net.vn

Khi PV hỏi về việc tình trạng nhiều công nhân đang ăn ở, sinh hoạt ngay tại dự án như vậy có đảm bảo công tác an toàn lao động và PCCC hay không, thì ông Tú đã né tránh trả lời và nói phóng viên liên hệ với Phường vì Phường quản lý việc đó.

Có thể nói đây là một dự án trọng điểm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phê duyệt xây dựng, câu hỏi mà dư luận đặt ra: Từ khi dự án được khởi công đến nay đã khi nào UBND quận Hai Bà Trưng thành lập đoàn liên ngành đi kiểm tra về việc thực hiện Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tài nguyên nước, công tác an toàn lao động, phòng cháy chữa cháy chưa?. Câu hỏi này rất cần UBND quận Hai Bà Trưng trả lời dư luận.

Để đảm bảo sức khỏe cũng như sự an toàn tính mạng của hàng chục hộ dân đang sống cạnh Dự án Trụ sở Liên cơ quan Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, kính đề nghị UBND TP. Hà Nội sớm chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND quận Hai Bà Trưng nhanh chóng vào cuộc thanh kiểm tra, xử lý những dấu hiệu sai phạm của Chủ đầu tư và nhà thầu thi công (nếu có) về việc thực hiện Luật Bảo vệ môi trường, Luật PCCC, an toàn lao động trong quá trình thi công xây dựng dự án.

Đồng thời, yêu cầu chủ đầu tư và nhà thầu phải tiến hành ngay các biện pháp đảm bảo an toàn cho các công trình nhà dân bị lún nứt; hoàn tất các thủ tục cần thiết về thoả thuận, bồi thường, đền bù những tổn thất về tinh thần và vật chất gây ra cho những hộ dân sống xung quanh do quá trình thi công Dự án Trụ sở Liên cơ quan Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội gây ra.

Tòa soạn Môi trường và Cuộc sống – Moitruong.net.vn sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc trong những bài tiếp theo.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Người dân "than phiền" vì Dự án 37 Nguyễn Bỉnh Khiêm thi công gây ô nhiễm, làm lún nứt nhà dân