Ông Nguyễn Thượng Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường: “Mục đích của chúng ta không phải là xử phạt”

Mai Hạ|06/09/2022 17:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Đó là ý kiến của ông Nguyễn Thượng Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) khi nói về "Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường" tại Nghị định 45//2022/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/8/2022.

Chôn lấp là lãng phí

Theo thống kê của Vụ Năng lượng tái tạo (Tổng cục Năng lượng - Bộ Công Thương), lượng rác thải ra tại Việt Nam trung bình mỗi ngày có khoảng gần 70.000 tấn trong đó 35.000 tấn là chất thải rắn sinh hoạt đô thị còn lại là chất thải sinh hoạt nông thôn. Riêng các thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM, mỗi ngày có từ 7.000 - 8.000 tấn rác thải. Trong khi nhiều nước trên thế giới coi rác thải là nguồn tài nguyên quý giá thì ở Việt Nam, hàng chục ngàn tấn rác thải ra môi trường mỗi ngày đang được xử lý chủ yếu bằng công nghệ chôn lấp.

ong-hien(1).jpg
  Ông Nguyễn Thượng Hiền - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT)

Nhận xét về việc này, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) Nguyễn Thượng Hiền cho biết hiện tại ở Việt Nam có khoảng 85% lượng rác thải được xử lý bằng công nghệ chôn lấp với khoảng 1.000 bãi chôn lấp chất thải sinh hoạt, trong đó chưa đến 20% bãi chôn lấp là hợp vệ sinh. Phần lớn các bãi chôn lấp hiện tiếp nhận chất thải rắn sinh hoạt chưa được phân loại tại nguồn, có thành phần hữu cơ cao nên tính ổn định thấp, chiếm nhiều diện tích đất, phát sinh lượng lớn nước rỉ rác. Nhiều bãi chôn lấp không hợp vệ sinh đã và đang là nguồn gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng xung quanh. Các nhà chuyên môn cho rằng nếu đem chôn lấp hoặc đốt như cách lâu nay sẽ lãng phí từ 55% - 67% các sinh khối và chất hữu cơ trong chất thải rắn.

Tình trạng ô nhiễm môi trường từ hàng trăm bãi chôn lấp này là hiện hữu, vừa lãng phí, đòi hỏi nhiều quỹ đất vừa gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường đất, nước, không khí, nhất là tại các thành phố lớn. Theo ông Hiền việc tái chế rác thải để tiết kiệm tài nguyên, sản xuất phân vi sinh và sản xuất năng lượng đang trở thành xu hướng trên thế giới. Việt Nam bắt đầu quan tâm giải quyết bài toán xử lý rác, tình trạng quá tải tại các bãi chôn lấp gây thách thức về môi trường và nhu cầu sử dụng đất để chôn lấp ngày càng tăng ở nhiều địa phương, nhất là các đô thị lớn. Một số địa phương đã đầu tư nhà máy phân loại rác để lấy nguyên liệu tái chế, sản xuất phân vi sinh và đốt rác làm điện nhưng chưa nhiều, công suất còn thấp.

“Muốn biến rác thành tài nguyên, không phát sinh thêm những hệ lụy đối với môi trường thì việc đầu tiên và quan trọng nhất là phải phân loại rác tại nguồn, loại bỏ những tạp chất tồn đọng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, môi trường sống và nâng cao hiệu quả của các biện pháp xử lý. Phân loại rác tại nguồn sẽ cho rác thải bao bì một vòng đời mới, cho rác thải hữu cơ được tái sinh có ích là việc nên làm và phải làm. Đồng thời, giảm gánh nặng lên môi trường từ quá trình chôn lấp, xử lý”, ông Hiền chia sẻ.

Những vướng mắc nhất định

Việc phân loại rác tại nguồn trước đây không bắt buộc. Tuy nhiên, đã có một số địa phương thực hiện thí điểm như tại Hà Nội, TP. HCM, Thừa Thiên Huế, Lào Cai. Hiện nay, tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã có quy định rõ việc phân loại rác tại nguồn cụ thể tại khoản 1 điều 75 và đến ngày 1/1/2025, phân loại rác là việc làm bắt buộc với mọi cá nhân và hộ gia đình. Rác thải cụ thể chia ra gồm 3 loại: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; Chất thải thực phẩm; Chất thải rắn sinh hoạt khác.

rac1(1).jpg
Rác thải chưa được phân loại được xe chung chuyển đưa về khu chôn lấp

Tuy nhiên, theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Thượng Hiền thì ở góc độ cơ quan quản lý Nhà nước, có những vướng mắc nhất định. Ví dụ nói đến chung cư, thì có chung cư mới và chung cư cũ, đây là bài toán tương lai và quá khứ. Hiện nay, có những vướng mắc về hạ tầng kỹ thuật, không chỉ chung cư, ngay cả những căn nhà thấp tầng, do vậy cần có thời gian để có lộ trình thực hiện. Về lực lượng tận thu thành phần chất thải (người thu gom ve chai) hiện nay chúng ta chưa có chính sách hỗ trợ những người này, đây cũng là lực lượng giúp cho việc thu gom phân loại rác được thực hiện hiệu quả.

UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện về vấn đề này, về phía Bộ đã dự thảo hướng dẫn về phân loại chất thải rắn tại nguồn, Bộ đang lấy ý kiến của các địa phương, đến nay   đã được 30 địa phương, trên cơ sở đó Bộ Tài Nguyên và Môi trường sẽ ban hành văn bản, các địa phương dựa vào các tiêu chí đó để thực hiện vì chỉ có địa phương mới biết được chúng ta quy định thế nào, có phù hợp với hạ tầng kỹ thuật, định hướng trong thời gian tới của địa phương mình.Sau đó chúng ta đào tạo, tập huấn, truyền thông, vận động để người dân hình thành thói quen chuyển thành hành động cụ thể.

Chúng ta làm từng bước, từng bước, hiện nay, Bộ Tài Nguyên và Môi trường và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có chương trình phối hợp với nhau trong tuyên truyền, đưa hướng dẫn phân loại rác tại nguồn vào trường học dạy các cháu từ bé.

Tuyên truyền có nhiều hình thức tuyên truyền nhưng chúng ta phải thực hiện đồng bộ, từng bước, liên tục, chứ không phải thi thoảng mở một lớp tập huấn, xong mời bà con đến, làm ào ào rồi bà con không hiểu gì, bẵng đi một thời gian xong lại tổ chức. Ý tôi là, địa phương phải có kế hoạch rất cụ thể, chi tiết, kịch bản cho các đối tượng khác nhau. Chúng ta có lực lượng rất mạnh là các tổ chức chính trị xã hội như Mặt trận Tổ quốc, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân phối hợp tuyên truyền để người dân hình thành ý thức.

Để biến rác thành tài nguyên

Biến rác thành tài nguyên, không phát sinh thêm những hệ lụy đối với môi trường thì việc đầu tiên và quan trọng nhất là phải phân loại rác tại nguồn, loại bỏ những tạp chất tồn đọng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, môi trường sống và nâng cao hiệu quả của các biện pháp xử lý. Phân loại rác tại nguồn sẽ cho rác thải bao bì một vòng đời mới, cho rác thải hữu cơ được tái sinh có ích là việc nên làm và phải làm. Đồng thời, giảm gánh nặng lên môi trường từ quá trình chôn lấp, xử lý.

phan-loai-1(1).jpg
Phân loại rác thải tại nguồn để người dân hình thành ý thức bảo vệ môi trường và tránh lãng phí tài nguyên.

Trước đây Hà Nội, TP. HCM có những điểm đen về môi trường tập kết đổ rác thải, và đã giao cho Tổ dân phố, Hội phụ nữ lắp camera giám sát, đã có những hiệu quả nhất định. Hay tại làng xóm có hương ước để quy định, có thể thấy được nhiều cách làm khác nhau, linh hoạt để áp dụng.

“Nhưng vấn đề là làm sao phân loại đồng bộ và hiệu quả thì mới đạt kết quả như mong muốn, nghĩa là phải thống nhất từ khâu phân loại, thu gom đến khâu xử lý cuối cùng phải đồng bộ, thống nhất. Chính quyền các cấp phải chủ động tuyên truyền, hướng dẫn việc phân loại rác đến người dân một cách cụ thể. Khi mọi việc đi vào quỹ đạo, tạo thành thói quen đối với từng người dân, lúc này các quy định xử phạt mới phát huy được tác dụng”, ông Hiền cho biết.

Nói về "Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường" tại Nghị định 45//2022/NĐ-CP của Chính phủ , ông Hiền cho rằng xử phạt là hình thức cuối cùng bởi “mục tiêu của chúng ta không phải xử phạt mà là tuyên truyền, vận động để người dân thấy được trách nhiệm, ý thức về bảo vệ môi trường của từng người dân, từng cộng đồng trong xã hội. Việc bảo vệ môi trường không phải của cơ quan nào cả, không phải của tổ chức nào cả mà cả hệ thống chính trị đặc biệt người dân tham gia vào thì mới cải thiện được” như lời ông chia sẻ.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ông Nguyễn Thượng Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường: “Mục đích của chúng ta không phải là xử phạt”