Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam tham quan mô hình phân loại rác thải tại nguồn trên địa bàn huyện Đông Anh, TP.Hà Nội

Thế Đoàn|25/08/2022 20:01
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Sáng ngày 25/8, đoàn công tác của Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam đã đến làm việc và tham quan mô hình phân loại rác thải tại nguồn ở thôn Nghĩa Vũ, xã Dục Tú, huyện Đông Anh, TP.Hà Nội.

VIDEO: Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam tham quan mô hình phân loại rác thải tại nguồn trên địa bàn huyện Đông Anh, TP.Hà Nội

Tham gia đoàn công tác có Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Linh Ngọc – Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Lai – Tổng thư ký, bà Phạm Thị Xuân – Phó Chủ tịch Thường trực, ông Nguyễn Văn Toàn – Phó Chủ tịch, Tổng Biên tập Tạp chí Môi trường và Cuộc sống và đại diện các Phòng, Ban chuyên môn của Hội.

W_phan-loai-rac-1.jpg
Đoàn công tác của Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam tham quan mô hình phân loại rác thải tại nguồn ở thôn Nghĩa Vũ

Thôn Nghĩa Vũ, xã Dục Tú có gần 1000 nhân khẩu, khối lượng chất thải sinh hoạt phát sinh trung bình mỗi ngày trong thôn khoảng 01 tấn/ngày. Nhận thức rõ tầm quan trọng, giá trị của việc phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt tại nguồn trong công tác quản lý, xử lý rác thải sinh hoạt. Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đông Anh phối hợp với UBND xã Dục Tú tổ chức triển khai phân loại rác tại nguồn cho các hộ dân thôn Nghĩa Vũ về phân loại rác và các phương pháp xử lý rác thải hữu cơ.

W_phan-loai-rac-2.jpg
Người dân xã Dục Tú xử lý rác thải hữu cơ thành phân hữu cơ và nước tưới cho vườn rau

Trao đổi với đoàn công tác của Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, bà Lê Thị Huế - Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Nghĩa Vũ, xã Dục Tú cho biết: “Việc thay đổi nhận thức của người dân về phân loại rác tại nguồn rất quan trọng, chính quyền địa phương và các đoàn thể phải cùng vào cuộc tuyên truyền, vận động, tập huấn nhằm giúp người dân hiểu được lợi ích và thực hiện được các bước xử lý rác thải hữu cơ tại nhà. Đầu tiên là các Đảng viên, Hội viên của Hội phụ nữ, Hội Cựu chiến binh,… phải thực hiện trước và hướng dẫn bà con thực hiện.”

Theo đó, rác thải sinh hoạt sẽ được phân loại thành 3 loại: Rác hữu cơ, rác tái chế và rác còn lại. Sau phân loại, rác hữu cơ được tái sử dụng cho các mục đích như: Làm thức ăn cho gia súc, ủ phân bón cho cây trồng... Trong khi đó, rác tái chế được thu gom riêng và bán đồng nát. Sau một thời gian triển khai, các mô hình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn thôn đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho các hộ gia đình.

W_phan-loai-rac-3.jpg
Hố rác hữu cơ được làm ngay trong vườn của người dân

Bà Nguyễn Thị Hà – Chi Hội trưởng Chi Hội phụ nữ thôn Nghĩa Vũ cho biết: “Trong các buổi họp của Chi hội, chúng tôi cũng lồng ghép và phổ biến, tuyên truyền chương trình phân loại rác và kỹ thuật xử lý rác thải hữu cơ tại nhà, để chị em hội viên nắm được cụ thể. Các thành viên trong Tổ nòng cốt của chúng tôi luôn sẵn sàng xuống từng nhà để vận động, hướng dẫn hội viên và bà con cách phân loại, xử lý rác thải tại nhà. Đến nay, hơn 70% gia đình hội viên đã làm rất tốt việc phân loại rác tại nguồn, các hội viên cũng chính là người lan tỏa chương trình đến người thân và bà con xung quanh.”

Bà Nguyễn Thị Nguyên, thôn Nghĩa Vũ, xã Dục Tú chia sẻ: “Tôi được các đoàn thể trong thôn hướng dẫn phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại nguồn. Những loại rác hữu cơ như cơm thừa, rau củ bỏ đi đều được cho vào hố rác thải và rắc vi sinh để ủ làm phân hữu cơ, nước rỉ rác làm nước tưới cho vườn cây luôn, hoàn toàn sạch sẽ, không có mùi gì cả. Tôi thấy mô hình này rất thiết thực và hiệu quả với những hộ gia đình có vườn cây, có thể tận dụng được triệt để những loại rác thải hữu cơ.”

W_phan-loai-rac-4.jpg
Đại diện Chi bộ, các đoàn thể thôn Nghĩa Vũ chia sẻ kinh nghiệm và những khó khăn khi thực hiện mô hình

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc khi triển khai mô hình này, ông Nghiêm Thọ Thoan - Phòng TN&MT huyện Đông Anh cho biết: “Hiện nay việc thay đổi ý thức, hành vi của người dân vẫn còn nhiều khó khăn, người dân vẫn quen với việc chuyển giao rác thải chưa được phân loại. Dẫn đến hiệu quả triển khai phân loại rác chưa được đồng đều, tại các địa bàn có tổ, nhóm phân loại rác thải nhiệt tình, quan tâm và có nhiều cách tuyên truyền thì sẽ đạt được hiệu quả, nhưng nếu không đôn đốc, nhắc nhở thì có tình trạng nhiều hộ không triển khai.”

Đánh giá về mô hình phân loại rác thải tại nguồn ở thôn Nghĩa Vũ, xã Dục Tú, huyện Đông Anh, bà Phạm Thị Xuân – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam cho biết: “Mô hình này rất thiết thực và đã tạo được những kết quả tốt, đó là nâng cao ý thức của người dân trong việc phân loại rác thải tại nguồn, biến rác thải thành tài nguyên. Thời gian tới, Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam sẽ xây dựng chương trình tập huấn, phổ biến mô hình này đến các đơn vị thành viên của Hội để nhân rộng tại các địa phương, góp phần thực hiện một trong những mục tiêu quan trọng của Hội là biến rác thải thành tài nguyên, chung tay ứng phó với biến đổi khí hậu.”

Theo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đông Anh, năm 2021, việc xử lý rác tại nhà, đặc biệt là rác hữu cơ từ nhà bếp đã giúp giảm 50-70% lượng rác từ mỗi hộ gia đình. Từ những kết quả đạt được, đến nay, số người tự phân loại và xử lý rác tại nhà trên địa bàn huyện Đông Anh tiếp tục tăng. Nhiều hộ gia đình coi việc làm này như thói quen thường nhật.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam tham quan mô hình phân loại rác thải tại nguồn trên địa bàn huyện Đông Anh, TP.Hà Nội
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.