Hà Nội: Nhiều dự án cấp nước sạch chậm tiến độ

Huyền Trang (T/h)|10/09/2019 10:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Trong khi nhu cầu sử dụng nước sạch tại Thủ đô còn cao thì một số dự án cấp nước lại đang chậm tiến độ, đòi hỏi nhiều giải pháp cấp bách.

Tỷ lệ người dân nông thôn trên địa bàn Thủ đô được dùng nước sạch tăng từ 37% (năm 2016) lên 65% trong 6 tháng đầu năm 2019. Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương, người dân được sử dụng nước sạch còn thấp.

UBND TP Hà Nội cho biết, thành phố đang triển khai 11 dự án cấp nước nhưng tới 6 dự án chậm trễ. Trong đó, dự án xây trạm cấp nước thị trấn Đại Nghĩa (Mỹ Đức) do Cty CP Đầu tư phát triển công nghệ cao Minh Quân làm chủ đầu tư. Năm 2013, dự án đã hoàn thành nhà máy nhưng đến năm 2016 lại tạm dừng. UBND thành phố đã chỉ đạo Cty Nước sạch Hà Đông tiếp nhận để đến năm 2019 cấp nước sạch cho các xã của Mỹ Đức. Nhưng đến nay, đã 6 năm kể từ khi hoàn thành nhà máy, dự án vẫn dang dở, một số hạng mục xuống cấp.

Tương tự, với dự án tại xã Tiến Thịnh (Mê Linh) được phê duyệt từ tháng 6/2018 nhưng công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) còn gặp nhiều khó khăn, nên dự án chưa thể triển khai.

Chủ tịch UBND xã Tiến Thịnh cho biết: Hơn 400 hộ dân không đồng thuận lấy đất lòng hồ vì có 40ha diện tích nước hồ phục vụ tưới tiêu đất nông nghiệp. Lãnh đạo UBND huyện đề nghị thành phố cho phép không thu hồi diện tích hồ; xã và huyện sẽ làm chủ đầu tư nạo vét, xây kè tạo cảnh quan, giữ nước tưới tiêu cho người dân và một phần cho Cty.

Cùng cảnh ngộ, dự án xây hệ thống cấp nước sạch 8 xã thuộc Chương Mỹ và lân cận do Cty CP Đầu tư đô thị Xuân Mai làm chủ đầu tư, được phê duyệt từ 2013, dự kiến 2017 hoàn thành, nhưng hiện chưa có mặt bằng xây bể chứa, mới có mạng phân phối ở 1/8 xã…

Trao đổi về vấn đề trên, ông Lê Văn Dục – Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết: Các dự án chậm chủ yếu do vướng GPMB, trong khi ở Chương Mỹ và 3 xã của Sóc Sơn, Thạch Thất dân cư thưa, địa hình khó… Dự án trạm cấp nước cục bộ thị trấn Đại Nghĩa vướng mắc do Cty Minh Quân chưa có kinh nghiệm nhưng có nguồn đầu tư, Cty Nước sạch Hà Đông có kinh nghiệm lại không có nguồn, do nguồn nước ngầm ở sông Đáy rất ô nhiễm.

Với dự án cấp nước sạch Chương Mỹ chậm tiến độ (giao năm 2013 trên phạm vi 16 xã), ông Nguyễn Ngọc Oanh – Giám đốc Cty CP môi trường đô thị Xuân Mai lý giải, do GPMB và quy hoạch, song cũng thừa nhận do “lúng túng” về nguồn vốn từ Nhà nước sang xã hội hóa.

Từ 2017 đến nay, UBND huyện quyết liệt nên đến tháng 6/2019 đã bàn giao mặt bằng trạm X2, tháng 10/2019 sẽ giao nốt trạm X1. “Tháng 8/2019 được bàn giao đất, chúng tôi đã xây bể chứa và trạm tăng áp, cam kết quý II/2020 sẽ hoàn thành cấp nước cho các xã”, ông Oanh khẳng định.

Chia sẻ về giải pháp cung cấp nước sạch cho thành phố, ông Lê Văn Dục cho biết thêm: Thành phố sẽ đưa công suất nhà máy sông Đuống lên 16.000m3/ngày đêm, nhà máy nước mặt Quan Sơn lên 10.000m3/ngày đêm để đưa nước đến trạm này.

Với trạm Mỹ Đức, Sở đã thống nhất nhà đầu tư Aquaone cuối quý III/2019 khởi công hợp phần Xuân Mai, quý I/2021 hợp phần này sẽ đưa nước qua QL6 từ Hòa Bình về, hợp khối toàn bộ trục.

Với địa bàn Phúc Thọ, Sở Xây dựng tham mưu và thành phố đã giao chủ đầu tư khác có đủ điều kiện triển khai, đơn vị đã lên phương án thiết kế.

Trước thực trạng trên, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh: Thành phố, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng đã đề xuất Chính phủ cho phép các Cty nước sạch Nhà nước không bắt buộc phải giữ 51% vốn, từ đó thu hút nhiều nhà đầu tư trong, ngoài nước.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho rằng: Thành phố sẽ cho rà soát toàn bộ giếng khoan bị ô nhiễm, đóng sớm hơn lộ trình với những giếng nhiễm thạch tín, asen; với 300.000 giếng khoan ở nông thôn sẽ đề xuất hỗ trợ người dân đóng lại, không để thẩm thấu ô nhiễm tới mạch nước ngầm. Đồng thời, sẽ xây dựng đơn giá cấp nước cho người dân, đối thoại giải quyết khúc mắc cho doanh nghiệp cấp nước, trợ giá cho nông thôn, điều chỉnh giá nước hài hòa lợi ích Nhà nước – người dân – doanh nghiệp.

Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết: “Đến 31/7/2019, Hà Nội đã chấp thuận 23 nhà đầu tư triển khai 39 dự án, trong đó 5/11 dự án phát triển nguồn, 14/28 dự án phát triển mạng lưới đã hoàn thành. Song, vẫn còn nhiều dự án chậm, khả năng sẽ chậm theo kế hoạch; còn 160/420 xã/thị trấn chưa có mạng cấp nước. Ngoài ra, tuy cơ bản mọi hộ dân đô thị đã được dùng nước sạch nhưng có lúc vẫn thiếu nước cục bộ, nhất là dịp hè ở một số khu vực quận Bắc Từ Liêm, Hoàng Mai, Hà Đông… hoặc chất lượng nước chưa đảm bảo”.

Huyền Trang (T/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Nhiều dự án cấp nước sạch chậm tiến độ