Lập Ban Chỉ huy phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai
Ngày 31/7, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến ký ban Quyết định số 7046-QĐ/TU về việc thành lập Ban Chỉ huy phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai xảy ra tại các huyện: Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất.
Theo quyết định trên, Ban Chỉ huy gồm 18 thành viên. Trưởng ban Chỉ huy là Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh.
Ban Chỉ huy có nhiệm vụ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xuyên suốt từ TP đến cơ sở đối với công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai xảy ra tại các huyện: Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất. Chủ động làm việc với các cơ quan T.Ư và các tỉnh lân cận để thống nhất phương án trong công tác phòng, chống úng ngập, bảo đảm an toàn tuyệt đối đối với hệ thống đê điều, nhất là các tuyến đê ở vị trí xung yếu trên địa bàn 3 huyện: Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất.
Cùng nhiệm vụ trên, Ban Chỉ huy cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời cho các cơ quan truyền thông và Nhân dân về diễn biến của thiên tai và công tác phòng, chống, khắc phục của TP. Định kỳ hằng ngày cập nhật, báo cáo tình hình với Thường trực Thành ủy.
Trưởng ban Chỉ huy có trách nhiệm phân công nhiệm vụ cho các thành viên trong Ban Chỉ huy phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai xảy ra tại các huyện: Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất bảo đảm rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm. Ban Chỉ huy tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
Đợt mưa lớn kéo dài nhiều ngày khiến mực nước các sông trên địa bàn Hà Nội lên cao gây ngập lụt nghiêm trọng tại nhiều địa phương, nhất là hai huyện Chương Mỹ và Quốc Oai. Nguy cơ ảnh hưởng có thể còn lớn hơn khi mưa được nhận định chưa chấm dứt tại khu vực Bắc Bộ.
Theo thống kê của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Hà Nội, hiện nay, 4 doanh nghiệp thủy lợi của TP vẫn đang tích cực vận hành hơn 100 trạm bơm với tổng công suất khoảng 1 triệu m3/giờ tại dọc hệ thống các sông: Bùi, Tích, Đáy, Nhuệ… nhằm tập trung tiêu thoát nước, chống úng ngập cho các khu dân cư và những xứ đồng ven sông.
Hàng trăm hộ dân vẫn bị ngập nước
Nằm ven sông Bùi, xã Hoàng Văn Thụ (huyện Chương Mỹ) là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đợt mưa lớn kéo dài hơn 2 tuần qua. Hiện, hàng trăm hộ dân tại địa phương này vẫn đang phải sống chung với nước lũ.
Chủ tịch xã Hoàng Văn Thụ Lê Hoài Thi cho biết, hầu như năm nào, người dân địa phương cũng chịu ảnh hưởng của lũ lên trên sông Bùi. Tuy nhiên, những gì người dân đang phải trải qua được xem là nặng nề nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Thống kê toàn huyện Chương Mỹ, hiện nay vẫn còn gần 1.500 hộ dân tại 24 thôn xóm thuộc nhiều xã vùng ven sông Bùi bị ngập nước từ 0,5 - 2,0m. Những ngày qua, nước đã bắt đầu rút nhưng rất chậm. Việc đi lại vô cùng khó khăn do nước ngập lênh láng.
Trong khi đó tại huyện Quốc Oai, mực nước sông Tích lên cao trên báo động III cũng đã và đang ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của 531 hộ dân với hơn 2.500 nhân khẩu. Hiện, 5 xã trên địa bàn huyện Quốc Oai vẫn đang bị ngập sâu nước gồm: Cấn Hữu, Phú Cát, Liệp Tuyết, Tuyết Nghĩa và Đông Yên. Rất nhiều hộ dân buộc phải đi sơ tán, hiện chưa thể trở về nhà.
Không chỉ cuộc sống của người dân bị đảo lộn, mực nước các sông lên cao còn gây ngập úng hàng chục ngàn héc-ta cây trồng vụ Mùa của bà con nông dân. Đặc biệt là những diện tích lúa đang giai đoạn đâm chồi, đẻ nhánh, hiện đứng trước nguy cơ bị “mất trắng” do đã bị ngập nước quá lâu.
Những diện tích lúa có khả năng không thể phục hồi lên tới hàng ngàn héc-ta, chủ yếu nằm tại các xã vùng ven sông Bùi, sông Tích, sông Đáy thuộc các huyện: Chương Mỹ, Thanh Oai, Quốc Oai, Mỹ Đức… Nước rút chậm ngày nào, bà con nông dân “đứng ngồi không yên” ngày đó.
Nguy cơ nước sông tiếp tục lên cao
Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội Đào Quang Khải, do ảnh hưởng của mưa lớn, mực nước các sông đều đang ở mức cao. Số liệu quan trắc thời điểm cập nhật gần nhất cho thấy, mực nước các sông: Bùi, Tích, Đáy, Cầu đều đang ở trên mức báo động.
Trong số này, mực nước sông Đáy tại trạm thuỷ văn Ba Thá (huyện Ứng Hoà), mực nước sông Cầu tại trạm thuỷ văn Lương Phúc (huyện Sóc Sơn), mực nước sông Cà Lồ tại trạm thuỷ văn Mạnh Tân (huyện Đông Anh) đang ở mức trên báo động I.
Mực nước sông Tích tại trạm thuỷ văn Kim Quan (huyện Thạch Thất) đang ở mức trên báo động II; trong khi mực nước trên sông Bùi tại trạm thuỷ văn Yên Duyệt (huyện Chương Mỹ) cùng mực nước sông Tích tại trạm thuỷ văn Vĩnh Phúc (huyện Quốc Oai) đều đang ở trên mức báo động III.
Đáng lo ngại, theo nhận định của cơ quan khí tượng thuỷ văn, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp kết hợp với gió hội tụ, tại khu vực Đồng bằng và Trung du Bắc Bộ (bao gồm cả TP Hà Nội) sẽ tiếp tục có mưa trong ít nhất là hai ngày tới (1 - 2/8/2024). Lượng mưa phổ biến từ 10 - 40mm, có nơi lớn hơn.
Trong bối cảnh mực nước trên hệ thống các sông nội địa đều đang ở mức rất cao, việc thời tiết tiếp tục có mưa sẽ ảnh hưởng lớn để năng lực tiêu thoát nước trong khu dân cư và các xứ đồng. Nguy cơ ngập lụt được nhận định có thể còn rất phức tạp, khó lường.
Phó Trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, để chủ động ứng phó với lũ lên trên các sông, thời gian qua, đơn vị duy trì công tác ứng trực 24/24 giờ; thường xuyên cập nhật và thông tin đến các địa phương tình hình mực nước trên các sông.
Trên cơ sở đánh giá nguy cơ tác động, Ban Chỉ huy công bố lệnh báo động lũ trên các sông theo mức báo động, đồng thời yêu cầu các địa phương, các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện nghiêm túc các biện pháp khi có báo động lũ theo quy định.
Trước diễn biến thiên tai còn phức tạp, Phó Trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội Nguyễn Xuân Đại đề nghị các địa phương ven sông đặc biệt lưu tâm đến các trọng điểm xung yếu, những khu vực có nguy cơ ngập lụt để lên phương án sơ tán người dân, di dời tài sản đến nơi an toàn, tuyệt đối không để xảy ra thương vong về người.
Đối với các địa phương đang chịu ảnh hưởng nặng nề của ngập lụt như Chương Mỹ, Quốc Oai…, cần tiếp tục triển khai các biện pháp hỗ trợ, bảo đảm cuộc sống của người dân tại những vùng còn bị ngập. Đồng thời, huy động nguồn lực hỗ trợ các hộ dân sớm ổn định cuộc sống tại những vùng mưa lũ đã đi qua.