Trong 2 ngày (từ ngày 8-9/6), trên địa bàn nhiều tỉnh miền Bắc có mưa, mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Theo đó, TP Hạ Long, TP Uông Bí (Quảng Ninh), một số quận của TP Hải Phòng, nhiều nơi ở Hà Giang, Tuyên Quang ngập trong biển nước, trong đó, Hà Giang là nơi mưa lớn nhất cả nước. Mưa dồn dập, lũ trên sông Lô, qua trạm thủy văn Hà Giang lên rất cao. Mực nước đã vượt báo động 3 khoảng 59 cm. Đây là mức lũ cao nhất trong vòng gần 40 năm qua, gây ngập lụt diện rộng toàn thành phố Hà Giang, huyện Vị Xuyên và một số khu vực lân cận. Tại các tỉnh như Thái Nguyên, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái và Hòa Bình, mưa lớn kéo dài đã gây ra sạt lở đất và lũ quét. Tại các khu vực này, người dân được khuyến cáo theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, chuẩn bị các biện pháp phòng chống lũ và di dời kịp thời nếu cần thiết.
Trước diễn biến của mưa lớn gây ngập lụt nhiều nơi, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đã có công văn gửi các tỉnh, TP khu vực Bắc Bộ về việc ứng phó với mưa lớn kèm lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Biến đổi khí hậu gây ra nhiều tác động tiêu cực đối với các địa phương khu vực miền núi phía Bắc, nhất là đối với các lĩnh vực như nông nghiệp, lâm nghiệp. Điều này làm cho việc sinh hoạt, mưu sinh người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng và sẽ làm chậm quá trình phát triển của các địa phương thuộc vùng núi phía Bắc.
Trong những năm tới, biến đổi khí hậu được dự báo sẽ tiếp tục diễn ra nhanh với mức tăng nhiệt độ trung bình năm là khoảng 2,2 độ C và lượng mưa có xu thế tăng với mức phổ biến trong khoảng từ 6 đến 12%. Biến đổi khí hậu sẽ tiếp tục là yếu tố chính đóng góp cho sự gia tăng của thiên tai, đặc biệt là lũ ống, lũ quét, ngập lụt và trượt lở đất đá. Dự báo có hơn 75% diện tích của toàn khu vực, đặc biệt là các khu vực đất dốc và đất lâm nghiệp sẽ chịu tác động mạnh của nguy cơ về trượt lở đất đá; lũ ống, lũ quét là nguy cơ lớn nhưng khả năng dự báo còn rất hạn chế. Các nguy cơ này được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng và có tác động đáng kể đến đời sống, tài sản, cơ sở hạ tầng và sản xuất ở các địa phương khu vực miền núi phía Bắc theo quy mô và cấp độ khác nhau.