Nhiều người không biết rằng, với ô nhiễm bụi mịn thì khẩu trang cũng vô ích, bụi chui sâu vào phổi, gây các bệnh về hô hấp, thậm chí ung thư.
Vài năm gần đây, sau khi thu hoạch lúa, người dân ngoại thành Hà Nội thường xử lý rơm rạ bằng cách đốt ngay tại ruộng. Việc làm này không chỉ làm ô nhiễm môi trường không khí (phát thải khí CO2, CO và NOx…) mà còn gây hiện tượng mù khói, ảnh hưởng tới cuộc sống sinh hoạt của người dân, hạn chế tầm nhìn của người dân khi tham gia giao thông, đặc biệt trong những ngày thời tiết xấu và bất thường.
TS Hoàng Dương Tùng – chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam – cho rằng ngoài việc gây ra khói mù, ảnh hưởng đến an toàn giao thông, việc đốt rơm rạ còn tạo ra lượng lớn bụi mịn PM2.5, trong khi bụi mịn vốn được coi là “sát thủ” trong không khí.
Đốt rơm rạ tạo nên lớp khói, bụi mù mịt, gây hại cho sức khỏe và nguy hiểm cho người đi đường
Theo ông Tùng, qua số liệu quan trắc, nồng độ bụi mịn PM2.5 ở Hà Nội đang có xu hướng tăng cao vào thời điểm tối muộn.
Thông thường, chất lượng không khí diễn biến xấu hơn, ô nhiễm không khí gia tăng vào các giờ cao điểm khi mật độ phương tiện giao thông hoạt động gia tăng, hoặc ở những nơi có nhiều công trình xây dựng gây ô nhiễm.
Tuy nhiên, liên tiếp những ngày gần đây, từ thời điểm 23h kéo dài 2-3 tiếng sau đó, nồng độ bụi mịn PM2.5 ở nội thành Hà Nội có xu hướng tăng cao bất thường.
Nguyên nhân gia tăng nồng độ bụi mịn PM2.5 ở nội thành Hà Nội vào thời điểm đêm khuya là do nguồn phát thải từ đốt rơm rạ sau thu hoạch ở các huyện ngoại thành Hà Nội và các tỉnh lân cận.
“Mấy ngày qua, tại các huyện ngoại thành của Hà Nội và một số tỉnh lân cận như Bắc Ninh, Thái Bình, Ninh Bình, Hà Nam… đều có hiện tượng đốt rơm rạ sau khi thu hoạch lúa. Thời điểm đốt rơm rạ thường diễn ra lúc chập tối, vì thế qua số liệu quan trắc thấy rõ nồng độ PM2.5 tăng rất cao ở những nơi đó chỉ sau 1-2 tiếng.
Còn sau 3-4 tiếng, nồng độ bụi mịn PM2.5 ở nội thành Hà Nội tăng cao rõ rệt, bắt đầu từ khoảng 23h đêm và kéo dài 2-3 tiếng tiếp theo rồi mới hạ dần” – ông Tùng phân tích.
Cụ thể, tại thời điểm 18h tối 5-6, hiện tượng đốt rơm rạ ở Ba Vì (Hà Nội), Phủ Lý (tỉnh Hà Nam) đã khiến chất lượng không khí ở những nơi này xấu đi thấy rõ qua quan trắc.
Tương tự, chất lượng không khí tại hai điểm đo ngoại thành là Minh Trí (Sóc Sơn) và Phú Đông (Ba Vì) thường xuyên ở mức kém, thậm chí nhiều thời điểm cao hơn cả khu vực nội ô – vốn là vùng ô nhiễm nghiêm trọng hơn ngoại thành.
Theo các chuyên gia môi trường, việc đốt rơm rạ ngoài trời đã phát thải các chất khí bụi CO2, CO, NOx. Khi rơm rạ cháy không hết còn có thể tạo ra aldehyde và bụi mịn là những chất gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng khi đốt rơm rạ, hàm lượng bụi PM2.5 tăng đột biến trong không khí, trong đó lượng bụi mịn không chỉ gây ô nhiễm tại khu vực đốt rơm rạ mà còn theo gió phát tán ra một vùng rộng lớn, làm gia tăng ô nhiễm không khí, nhất là khu vực đô thị.
Vì vậy, ông Tùng khuyến cáo các địa phương cần vào cuộc mạnh mẽ, có chỉ đạo kịp thời đến từng huyện, xã, phường và có những cảnh báo, vận động người dân dừng các hoạt động đốt rơm rạ sau vụ thu hoạch lúa, tránh những nguy hại tới sức khỏe cộng đồng.
Để giải quyết tình trạng trên, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ…, cùng các quận, huyện, thị xã định kỳ trước và trong thời gian thu hoạch lúa đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức trách nhiệm, hạn chế đốt rơm rạ, nhất là khu vực giáp đường giao thông, khu dân cư thị trấn, thị tứ để đảm bảo sức khỏe cho nhân dân và các hoạt động trên địa bàn thành phố.
Các địa phương hướng dẫn, khuyến khích các hộ dân thực hiện phương pháp cổ truyền, làm dầm (cày ấp rạ) nhằm tăng cường phân mùn cải tạo đất, vận động bà con cam kết và thực hiện tốt việc không đốt rơm bừa bãi, không xả rơm rạ xuống kênh tưới tiêu, nên có một điểm tập kết rơm rạ thuận tiện để xử lý hoặc ủ làm phân, hoặc phơi khô làm thức ăn dự trữ cho trâu bò chống rét mùa đông.
Thành phố Hà Nội giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu công nghệ phù hợp để xử lý, tận dụng rơm, rạ trở thành nguồn vật liệu bổ sung, phân vi sinh hoặc nguyên liệu của các ngành sản xuất khác; đồng thời nghiên cứu và cung cấp các loại chế phẩm sinh học để xử lý rơm rạ thừa sau thu hoạch.
Mai Anh (T/h)