Hà Nội: Quản lý và vận hành các công trình cấp nước sao cho hiệu quả?

Theo Lao động thủ đô|01/05/2019 00:33
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Bước vào mùa hè nỗi lo thường trực của người dân Hà Nội nói chung và cư dân ngoại thành nói riêng chính là nhu cầu về nước sạch.

Theo thống kê sơ bộ của Sở Xây dựng Hà Nội vẫn còn 45 % hộ dân chưa được dùng nước sạch theo tiêu chuẩn cùng với đó là hàng loạt các vấn đề chưa được giải quyết.

Tồn tại một số trạm cấp nước không hiệu quả…

Khởi công năm 2011 với công suất 2.000 m3 mỗi ngày đêm, đến nay, sau 9 năm triển khai, dự án trạm cấp nước sạch thị trấn Đại Nghĩa (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) vẫn chưa hoàn thành và hiện cỏ dại mọc um tùm bên trong công trình, nhiều thiết bị đã gỉ sét.

Như vậy, dự án có tổng kinh phí 43 tỷ đồng, trong đó 17 tỷ đồng từ ngân sách thành phố Hà Nội, được xây dựng từ năm 2011 trên diện tích hơn một ha, công suất 2.000 m3 mỗi ngày đêm nhằm cấp nước sạch cho hơn 10.000 dân cư giờ trở thành nơi đỗ xe chở rác, còn bể lắng là nơi giặt đồ cho công nhân môi trường.

Nghịch lý là sống cạnh các công trình cấp thoát nước, nhưng nhiều hộ dân vẫn không có nước sạch để dùng

Tương tự, trạm cấp nước tại Thôn Bảo Lộc thuộc xã Võng Xuyên huyện Phúc Thọ cũng hoạt động không hiệu quả. Nhiều năm qua, mặc dù chính quyền sở tại tích cực vào cuộc tuyên truyền, vận động nhưng người dân vẫn không mặn mà. Theo tìm hiểu, trạm nước tại thôn Bảo Lộc được hoàn thành và giao cho HTX Nông nghiệp Võng Xuyên quản lý, khai thác từ tháng 8/2011.

Tuy sống cạnh công trình nước sạch tiền tỷ, nhưng nhiều người dân vẫn đang hàng ngày, hàng giờ sử dụng nguồn nước giếng khoan ô nhiễm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bệnh. Đáng nói, khi công trình bị bỏ hoang, người dân không có nước sử dụng đã đành, hiện công trình đã được đầu tư cải tạo, nâng cấp và hoạt động trở lại, sẵn sàng cung cấp nước sạch thì người dân lại thờ ơ.

Hai trạm cấp nước kể trên không phải trạm cấp nước duy nhất hoạt động không hiệu quả, nhiều trạm cấp nước khác thậm chí chưa từng được hoạt động. Theo thống kê của Ban đô thị, HĐND TP Hà Nội, trên địa bàn thành phố có 32 trạm cấp nước sạch nông thôn không hoạt động do công trình đầu tư dang dở hoặc bị xuống cấp. Chỉ có 87 trạm đang hoạt động với tổng công suất khoảng 70.000m3/ngày đêm, cấp nước ổn định cho khoảng 100.000 hộ dân, chiếm 10% số dân sử dụng nước sạch trên toàn thành phố.

Những hạn chế cần giải quyết

Chưa kể đến việc thiếu quy hoạch, hiện trạng quản lý vận hành các công trình cấp nước cũng tồn tại nhiều vấn đề đáng bàn. Về cơ bản các công trình cấp nước sạch nông thôn, sau khi hoàn thiện (trừ các trạm cấp nước do doanh nghiệp đầu tư) được chủ đầu tư bàn giao cho chính quyền địa phương là UBND các xã quản lý, vận hành, khai thác.

Sau đó, nhiều xã bàn giao cho cộng đồng hoặc hợp tác xã quản lý. Như vậy, trên địa bàn Thành phố hiện có 4 mô hình quản lý, sử dụng và khai thác công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn gồm: Cộng đồng, UBND xã, hợp tác xã và doanh nghiệp.

Do mô hình quản lý không thống nhất, giá nước không quản lý được, chất lượng nước cũng chưa quản lý được đặc biệt là nước dân tự khai thác. Tỷ lệ thất thoát nước cao. Quy trình sản xuất ở nhiều nơi chưa được kiểm tra, công nghệ thì lạc hậu. Các dự án cũ ko được duy tu, một số dự án quá khó khăn thì không kêu gọi được xã hội hóa…

Bên cạnh đó, do thiếu năng lực chuyên môn, bộ máy quản lý chuyên trách kiểm tra, đánh giá chất lượng nước, hạch toán thu chi, duy trì bảo dưỡng máy móc… nên hệ quả là công trình hoạt động không hiệu quả, xuống cấp nhanh, thất thoát lớn, chất lượng dịch vụ kém, thậm chí, nhiều công trình cấp nước “chết khô” không có nước nguồn đầu vào.

Đánh giá về tình trạng này, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội – Hoàng Cao Thắng cho biết, phần lớn các công trình cấp nước cục bộ phân tán tại khu vực nông thôn trên địa bàn thành phố có quy mô nhỏ. Nhiều công trình cấp nước được xây dựng không đồng bộ, chỉ xây dựng đầu mối và trục chính, không đầu tư mạng lưới đường ống dịch vụ dẫn đến công trình không thể hoạt động cấp nước phục vụ người dân.

Bên cạnh đó chất lượng nước nguồn chưa được kiểm soát, không có chế độ quan trắc chất lượng nước thô định kỳ, không có các biện pháp bảo vệ nguồn nước. “Việc nghiên cứu lập dự án không sát với thực tế dẫn tới sau khi công trình hoàn thành không phát huy hiệu quả, một số công trình thiếu vốn dẫn tới công trình không hoàn thành chưa đưa vào vận hành” – Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho hay.

Quản lý và vận hành các công trình cấp nước sao cho hiệu quả?

Thực tế hiện nay cho thấy, bằng nhiều biện pháp đổi mới ngành nước sạch Thủ đô đã đạt được những kết quả nhất định. So với vài năm trước đây, tổng công suất các nhà máy nước của Hà Nội hiện nay đã tăng từ 1 triệu m3/ngđ lên khoảng 1,335 triệu m3/ngđ, 100% dân số nội thành được sử dụng nước sạch, tương đương 3,4 triệu người với tiêu chuẩn cấp nước 120 – 150 lít/ người/ ngày.

Ngoài ra, 55% dân số vùng nông thôn được tiếp cận và sử dụng nước sạch, tương ứng 2,2 triệu người với tiêu chuẩn cấp nước đạt 70 – 100 lít/ người/ ngày (thực tế sử dụng là 40 – 50 lít/ người/ ngày). Tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch giảm từ 24% xuống dưới 18%. Từ thực tế này, thành phố Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2020, 100% người dân sẽ được sử dụng nguồn nước sạch. Đây là nhiệm vụ khả thi khi thành phố tập trung nhiều nguồn lực để triển khai. Tuy nhiên, để đạt được kết quả tốt, trước hết cần khắc phục những tồn tại, vướng mắc trong thời gian qua.

Cần đảm bảo việc quy hoạch đô thị phù hợp và sử dụng nguồn nước ngầm hiệu quả

Được biết, để xây dựng hệ thống cấp nước cho khu vực đô thị và nông thôn với cùng một tiêu chuẩn cấp nước là nước sạch ăn uống, UBND thành phố Hà Nội đã đề xuất, Thủ tướng Chính phủ cũng đã thống nhất cho điều chỉnh Quy hoạch cấp nước Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với phạm vi toàn bộ ranh giới hành chính thành phố Hà Nội (bao gồm cả khu vực đô thị và nông thôn). Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch này được thực hiện trên cơ sở hợp nhất 2 quy hoạch trước đó theo mô hình cấp nước tập trung và phân tán với cùng một tiêu chuẩn về nước sạch.

Tuy nhiên, để làm được việc này, bên cạnh công tác kêu gọi đầu tư, phát triển các dự án mạng mới, cần nghiêm túc đánh giá lại hiện trạng về các nhà máy cấp nước đô thị, trạm cấp nước nông thôn, mạng lưới đường ống cấp nước, áp lực nước, tỷ lệ cấp nước, tỷ lệ thất thoát thất thu.

Điều tra thu thập tài liệu hiện trạng về mô hình tổ chức quản lý nhà nước, về tổ chức quản lý vận hành, năng lực và trang thiết bị của các đơn vị quản lý hệ thống cấp nước đô thị, nông thôn trên địa bàn thành phố… từ đó xác định rõ phương hướng phát triển, thống nhất một mô hình quản lý chung, hiệu quả nhất.

Hiện nay, trữ lượng nước ngầm ngày càng suy giảm, trong khi tốc độ đô thị hóa của Thủ đô đang diễn ra mạnh mẽ, đã kéo theo nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân tăng cao. Việc điều chỉnh quy hoạch cấp nước Hà Nội lần này hướng tới phát triển ổn định, bền vững trên cơ sở khai thác tối đa các nguồn lực, đáp ứng nhu cầu dùng nước sạch, không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ cấp nước.

Theo Lao động thủ đô

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Quản lý và vận hành các công trình cấp nước sao cho hiệu quả?