Hà Nội: Tăng cường công tác quản lý, bảo đảm an toàn đập, hồ thủy lợi năm 2020

Minh Anh (T/h)|02/06/2020 02:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Ngày 1-6, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có công điện gửi UBND thành phố Hà Nội và các tỉnh có đập, hồ chứa thủy lợi về việc tăng cường công tác quản lý, bảo đảm an toàn đập, hồ thủy lợi năm 2020.

Theo Tổng cục Thủy lợi, từ năm 2010 đến nay, 70 hồ, đập thủy lợi trên địa bàn cả nước đã xảy ra sự cố; trong đó, năm 2017 là 23 hồ, năm 2018 là 12 hồ, năm 2019 là 11 hồ… Và gần đây nhất, ngày 28-5, hồ Đầm Thìn (tỉnh Phú Thọ) đã xảy ra sự cố vỡ đập. Các sự cố vỡ đập không chỉ gây hư hỏng công trình mà còn làm ngập lụt thiệt hại về tài sản, đe dọa an toàn tính mạng của người dân vùng hạ du…

Toàn quốc hiện còn 1.200 hồ chứa thủy lợi bị hư hỏng, xuống cấp, thiếu khả năng xả lũ; trong đó có khoảng 200 hồ bị hư hỏng nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố… Trong khi đó, cơ quan khí tượng thủy văn nhận định, từ nay đến cuối năm 2020 sẽ có 11-13 cơn bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông; trong đó, 5-6 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền, có khả năng gây mưa lớn trên diện rộng…

Ảnh minh họa

Trước thực trạng trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các tỉnh, thành phố có đập, hồ chứa thủy lợi chỉ đạo các đơn vị liên quan thường xuyên hoặc định kỳ kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình; trực ban tại công trình 24/24 giờ trong thời gian có mưa, lũ để phát hiện và kịp thời xử lý các ẩn họa, hư hỏng, sự cố ngay từ giờ đầu… Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố chủ động bố trí ngân sách địa phương để sửa chữa, nâng cấp bảo đảm an toàn đập, hồ chứa thủy lợi…

Trước đó, Sở NN&PTNT Hà Nội vừa đề nghị các quận, huyện, thị xã, doanh nghiệp thủy lợi thành phố và các đơn vị liên quan tăng cường công tác bảo đảm an toàn công trình thủy lợi trong mùa mưa, lũ năm 2020.

Cụ thể, các chủ đầu tư, đơn vị quản lý dự án thủy lợi… đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy lợi, các hạng mục công trình liên quan nằm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi; đặc biệt là các công trình hồ chứa, trạm bơm, cống và các trục kênh tiêu bảo đảm không ảnh hưởng đến mặt cắt thoát lũ của công trình…

Các chủ đầu tư chỉ đạo nhà thầu kiểm tra, khẩn trương giải tỏa công trình tạm, thanh thải phế thải, vật liệu thừa trên các tuyến sông, trục tiêu bảo đảm an toàn dẫn nước tiêu úng khi xảy ra tình huống mưa, lũ; bổ sung hệ thống biển báo, cảnh báo nguy hiểm trên công trường. Các doanh nghiệp thủy lợi thường xuyên kiểm tra, theo dõi hiện trạng công trình; trường hợp xảy ra sự cố hoặc có nguy cơ xảy ra sự cố phải thực hiện các biện pháp xử lý, báo cáo theo quy định…

Minh Anh (T/h)

   
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Hà Nội: Tăng cường công tác quản lý, bảo đảm an toàn đập, hồ thủy lợi năm 2020
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.