Thực hiện công tác quản lý, giám sát chất lượng an toàn thực phẩm nông sản, Sở NN&PTNT Hà Nội đã tiến hành lấy mẫu, giám sát chỉ tiêu tại các vùng rau xanh.
Để quản lý chất lượng rau an toàn, hằng năm, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội đều mở lớp tập huấn nâng cao trình độ cho người dân trong việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc sinh học. Đến nay, tỷ lệ sử dụng thuốc thảo mộc, sinh học đạt khoảng 60%. Ngoài ra, mỗi năm, Chi cục đều lấy 300-1.000 mẫu rau xét nghiệm, kết quả, chỉ có khoảng 1-2% mẫu vượt dư lượng thuốc bảo vệ thực vật…
Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất rau an toàn còn gặp một số khó khăn. Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương cho biết: Mặc dù thành phố có chính sách đầu tư hạ tầng cho các vùng rau an toàn tập trung nhưng chưa phát huy hiệu quả sau đầu tư; quản lý sản xuất rau an toàn còn bất cập do số hộ trồng rau xanh quá lớn (hơn 200.000 hộ). Ngoài ra, trên địa bàn thành phố vẫn còn khoảng 7.000ha rau chưa được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Mặc dù còn những khó khăn nhất định, nhưng thành phố vẫn đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, duy trì 5.100ha trồng rau an toàn, hiệu quả kinh tế đạt từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng/ha/năm; đồng thời, phát triển thêm 3.000 – 4.000ha rau được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm; bảo đảm 100% sản phẩm rau xanh được truy xuất nguồn gốc và an toàn thực phẩm… Để đạt mục tiêu này, theo Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương, thời gian tới, Chi cục tiếp tục chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật về phòng trừ sâu bệnh theo hướng giảm thiểu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật như: Che phủ ni lông, nhà lưới trồng rau trái vụ, sử dụng bẫy dẫn dụ côn trùng; phát triển chuỗi sản xuất, tiêu thụ rau an toàn truy xuất nguồn gốc đến từng hộ gắn với hệ thống bảo đảm có sự tham gia của người sản xuất, người kinh doanh và người tiêu dùng.
Ngoài ra, chính quyền địa phương cần tăng cường hơn nữa trách nhiệm quản lý nhà nước về chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm; tuyên truyền vận động người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng đúng cách, đúng thời gian cách ly để sản phẩm bảo đảm chất lượng khi đưa ra thị trường.