Hà Nội thí điểm phân loại rác tại nguồn

Ngọc Ánh|20/06/2024 16:37
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Bắt đầu từ tháng 6 này, 5 quận nội thành của Hà Nội là Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Nam Từ Liêm sẽ lần lượt tổ chức thí điểm phân loại rác. Hoạt động này nằm trong lộ trình thực hiện Luật Bảo vệ môi trường về phân loại rác thải tại nguồn của thành phố. Vậy tại những địa bàn thực hiện thí điểm đã chuẩn bị ra sao để việc thực hiện phân loại rác được đồng bộ?

Hà Nội thí điểm phân loại rác tại nguồn

Hà Nội bắt đầu thí điểm phân loại rác tại nguồn giai đoạn một đến quý I/2025. Quận Hai Bà Trưng và Ba Đình đã sẵn sàng về địa điểm, công tác tổ chức thu gom 4 loại rác theo quy định. Bắt đầu từ việc tuyên truyền, hướng dẫn người dân về cách phân loại rác, xây dựng kế hoạch, phương án thu gom và lựa chọn địa điểm để tiếp nhận đối với rác cồng kềnh, rác nguy hại. Phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng là nơi triển khai sớm nhất trong đợt thí điểm này.

1-ha-noi-bat-dau-thi-diem-phan-loai-rac-tai-nguon.jpg
Hà Nội bắt đầu thí điểm phân loại rác tại nguồn
2-phuong-pham-dinh-ho-quan-hai-ba-trung-la-noi-trien-khai-som-nhat-trong-dot-thi-diem-phan-loai-rac-tai-nguon.jpg
Phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng là nơi triển khai sớm nhất trong đợt thí điểm phân loại rác tại nguồn

Ông Nguyễn Đắc Sự, một người dân sinh sống tại phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội chia sẻ: “Bây giờ mình phải thực hiện thôi, chấp hành theo quy định của Nhà nước về phân loại rác thải tại nguồn.”

Theo Ông Trịnh Quang Huy - Chủ tịch Hội Người cao tuổi, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội: “Nhân dân cũng rất hưởng ứng công tác phân loại rác này, vì nó không chỉ có lợi cho sức khỏe của mình mà còn có lợi đối với môi trường… Tôi mong muốn cả con và các cháu cùng hưởng ứng công tác phân rác trong toàn phường.” 

Trên toàn quận Hai Bà Trưng, lượng rác thải phát sinh mỗi ngày khoảng 360 tấn. Trong đó, ước tính lượng rác có thể tái chế là 2%. Để thu  được 2% này, mỗi công nhân vệ sinh môi trường khi đi thu gom sẽ có thêm một túi đựng rác tái chế riêng.

3-tren-toan-quan-hai-ba-trung-luong-rac-thai-phat-sinh-moi-ngay-khoang-360-tan.jpg
Trên toàn quận Hai Bà Trưng, lượng rác thải phát sinh mỗi ngày khoảng 360 tấn
4-moi-cong-nhan-ve-sinh-moi-truong-khi-di-thu-gom-se-co-them-1-tui-dung-rac-tai-che-rieng.jpg
Mỗi công nhân vệ sinh môi trường khi đi thu gom sẽ có thêm 1 túi đựng rác tái chế riêng

Là một trong những công nhân vệ sinh tiến hành thu gom rác thải sinh hoạt, bà Nguyễn Thị Thu - Tổ trưởng Tổ môi trường số 3, Công ty Môi trường đô thị Hà Nội cho biết: “Trước kia một ca chúng tôi làm 15 xe rác là người dân chưa phân loại rác. Từ 1/6 này, chúng tôi đã thực hiện công tác tuyên truyền tới người dân về phân loại rác tại nguồn. Trên mỗi xe rác, chúng tôi đã trang bị một túi để đựng rác tái chế của người dân đã phân loại mang ra.”

Hà Nội là đô thị lớn thứ hai trên cả nước (sau TP. Hồ Chí Minh), quy mô dân số ước tính khoảng hơn 9 triệu người. Với lượng chất thải rắn sinh hoạt cần xử lý vào khoảng 7.000 tấn mỗi ngày, vấn đề xử lý chất thải rắn sinh hoạt không chỉ là thách thức mà còn là vấn đề sống còn đối với sự phát triển bền vững của Thủ đô ở hiện tại và trong tương lai.

5-ha-noi-la-do-thi-lon-thu-hai-tren-ca-nuoc-voi-luong-chat-thai-ran-sinh-hoat-can-xu-ly-vao-khoang-7.000-tan-moi-ngay.jpg
Hà Nội là đô thị lớn thứ hai trên cả nước với lượng chất thải rắn sinh hoạt cần xử lý vào khoảng 7.000 tấn mỗi ngày

Trao đổi với phóng viên Moitruong.net.vn, ông Ngô Thế Anh - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết: “Chúng tôi đã thống nhất lựa chọn địa điểm số 9 Hòa Mã là điểm thực hiện tiếp nhận chất thải có khả năng tái sử dụng. Với diện tích 200m2, chúng tôi đánh giá trước mắt địa điểm này khá phù hợp, đủ điều kiện để thực hiện tốt thí điểm.”

“Sau khi thực hiện việc tuyên truyền cũng như phổ biến pháp luật đến những hộ dân thì chúng tôi cũng đã quán triệt trong hệ thống chính trị kế hoạch, đồng thời nhấn mạnh sẽ kiên quyết xử phạt các hộ đã được tuyên truyền về phân loại và đã ký cam kết.” – Ông Trần Đức Quyền - Phó Chủ tịch UBND phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết.

6-du-kien-sau-khi-5-quan-noi-thanh-thuc-hien-thi-diem-va-rut-kinh-nghiem-quy-dinh-phan-loai-rac-se-duoc-trien-khai-dong-bo-tren-toan-dia-ban-tp-ha-noi.jpg
Dự kiến, sau khi 5 quận nội thành thực hiện thí điểm và rút kinh nghiệm, quy định phân loại rác sẽ được triển khai đồng bộ trên toàn địa bàn TP Hà Nội

Hiện nhiều phường ở Hà Nội có mật độ dân cư đông đúc, hạ tầng kỹ thuật đã được hoàn thiện, ổn định, vì vậy, để lựa chọn được một điểm tập kết đối với rác cồng kềnh là điều không dễ dàng. Dự kiến, sau khi 5 quận nội thành thực hiện thí điểm và rút kinh nghiệm, quy định phân loại rác sẽ được triển khai đồng bộ trên toàn địa bàn TP Hà Nội.

Bài liên quan
  • Khó khăn trong phân loại rác tại chung cư
    Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định, đến ngày 1/1/2025 sẽ phải thực hiện việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt. Sẽ có chế tài xử phạt nếu người dân không phân loại rác. Thế nhưng việc thay đổi thói quen của người dân là điều không hề đơn giản. Không chỉ nhà mặt đất, mà việc giám sát, kiểm soát thói quen phân loại rác của cư dân tại các chung cư cao tầng cũng là bài toán khó.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Hà Nội thí điểm phân loại rác tại nguồn
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.