Hà Nội: Thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội

Hải An|06/02/2023 13:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Mới đây, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký ban hành Chương trình hành động số 02/CTr-UBND về thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh năm 2023.

thu-do-ha-noi.jpg
Ảnh minh họa.

Theo đó, chương trình xác định 22 chỉ tiêu, nhóm chỉ tiêu chủ yếu, trong đó: Tăng trưởng Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) khoảng 7%; GRDP/người khoảng 150 triệu đồng/người/năm; vốn đầu tư xã hội thực hiện tăng 10,5%; kim ngạch xuất khẩu tăng 6%; kiểm soát Chỉ số giá tiêu dùng dưới 4,5%; giảm 30% số hộ nghèo so với cuối năm 2022...

Căn cứ các chỉ tiêu, nhóm chỉ tiêu trên, thành phố tiếp tục thực hiện chủ đề năm 2023 “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển” và chỉ đạo, điều hành tập trung vào 6 trọng tâm. Trong đó, bám sát Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố và 10 chương trình công tác toàn khóa của Thành ủy Hà Nội (khóa XVII), các kết luận của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, các nghị quyết của HĐND thành phố, các chương trình hành động thực hiện các nghị quyết của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương... để tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 đã đề ra. Giữ vững ổn định và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng.

Bên cạnh đó, thực hiện kỷ luật, kỷ cương trong Kế hoạch đầu tư công năm 2023 và giai đoạn 2021-2025; giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công theo kế hoạch; xử lý dứt điểm, hiệu quả các vấn đề tồn đọng trong đầu tư ngoài ngân sách, nhất là các dự án đầu tư chậm tiến độ. Phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, giáo dục. Đẩy mạnh tiến độ thực hiện kế hoạch đầu tư xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích. Kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Thành phố cũng đẩy nhanh công tác quy hoạch; phát triển kết cấu hạ tầng, đô thị, nông thôn; quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường; đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, các hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp; triển khai thực hiện hiệu quả phân cấp quản lý nhà nước trong từng ngành, lĩnh vực bảo đảm đồng bộ; tiếp tục cải cách hành chính, sắp xếp bộ máy, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu...

Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của thành phố Hà Nội đạt 17,1 tỷ USD, tăng 10,3% so với năm 2021 (năm 2021 tăng 2,2%). Một số nhóm hàng có kết quả ấn tượng gồm hàng dệt, may đạt 2.570 triệu USD, tăng 15,7%; máy vi tính, hàng điện tử và linh kiện đạt 2,525 tỷ USD, tăng 16,3%; gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 883 triệu USD, tăng 17,5%; nông sản đạt 871 triệu USD, tăng 12,2% so với năm trước.

Ngoài ra, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn Hà Nội năm 2022 thực hiện đạt 333 nghìn tỷ đồng, đạt 106,8% dự toán pháp lệnh năm và tăng 2,7% so với năm 2021.

Toàn thành phố đã thu hút 1,692 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, tăng 10,3% so với năm 2021. Đây là nguồn lực bổ sung mới, hỗ trợ đắc lực cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế thời gian tới. Hà Nội đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 29,6 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 23% so với năm 2021; tổng số vốn đăng ký mới đạt 328,4 nghìn tỷ đồng, giảm 5%. Bên cạnh 3.600 doanh nghiệp giải thể, 16.400 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động thì cũng có 9.800 doanh nghiệp đã hoạt động trở lại.

Các kết quả tích cực trên đã thể hiện sự quyết tâm, năng động của Đảng bộ và chính quyền thành phố cũng như nỗ lực, cố gắng của cộng đồng doanh nghiệp và người dân trên địa bàn Thủ đô.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Hà Nội: Thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội