Trong buổi thảo luận về chất lượng không khí Việt Nam chiều 3/5, bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc điều hành Trung tâm Sáng tạo xanh (GreenID) cho biết: Trong quý I năm nay, chất lượng không khí tại Hà Nội được cải thiện so với cùng kỳ năm 2016. Tuy nhiên, số ngày chất lượng không khí ở mức “rất có hại cho sức khỏe” tại Hà Nội lại gia tăng.
Đỉnh điểm, ngày 15/2, chỉ số PM 2,5 trung bình đạt 234 μg/m3, vượt quá gần 5 lần quy chuẩn quốc gia và gấp 10 lần theo hướng dẫn của WHO.
Tại TP.HCM, mặc dù ô nhiễm không khí không nghiêm trọng như Hà Nội nhưng so với cùng kỳ năm 2016, chất lượng không khí có xu hướng kém đi.
Theo thống kê của GreenID, trong 3 tháng đầu năm, chỉ số AQI (cấp độ không khí) trung bình ở TP.HCM là 101 điểm, 78 ngày vượt quá quy chuẩn WHO. Tại Việt Nam, chỉ số PM10/ngày là 150 μg/m3, cao gấp 3 lần so với chuẩn châu Âu và chuẩn WHO (50 μg/m3).
Theo nghiên cứu, những nguồn thải gây ô nhiễm không khí bao gồm phát thải tự nhiên; phương tiện giao thông; ô nhiễm không khí từ công nghiệp, xây dựng; nguồn thải từ các nhà máy nhiệt điện than; đốt chất thải trong nông nghiệp và nguồn ô nhiễm xuyên biên giới do gió chuyển tới. Đặc biệt, từ phía đông Hà Nội, do có các nhà máy công nghiệp và nhiệt điện tập trung nhiều.
Ô nhiễm không khí ảnh hưởng rất lớn đến hệ hô hấp của con người. Những hạt bụi nhỏ có thể đi sâu vào cơ thể gây khó thở, thậm chí tắc nghẽn mạch máu, đột quỵ. Người cao tuổi, phụ nữ có thai và trẻ em là những trường hợp dễ bị ảnh hưởng nhất.
Văn Chương