Hà Nội vẫn còn 11 điểm ngập úng nghiêm trọng

Hồng Trang|08/04/2021 13:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Với 11 điểm ngập úng này, Hà Nội sẽ thực hiện nạo vét hệ thống dẫn truyền tại các trục tiêu thoát nước chính nhằm đảm bảo hệ thống thoát nước.

Theo thống kê của Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, cuối mùa mưa năm 2020, Hà Nội đã giảm được 5/16 điểm trọng điểm về ngập úng. Dự kiến, trong năm 2021, Hà Nội sẽ tiếp tục còn tồn đọng 11 trọng điểm về ngập úng.

Trong đó, 11 trọng điểm về ngập úng gồm: Phố Nguyễn Khuyến, khu vực cổng trường Lý Thường Kiệt; phố Hoa Bằng, đoạn từ số nhà 91 đến số 97 và từ số nhà 54 đến 56; Ngã tư Phan Bội Châu – Lý Thường Kiệt; Ngã năm Đường Thành – Bát Đàn – Nhà Hỏa; phố Cao Bá Quát, đoạn trước cửa Công ty Môi trường Đô thị; phố Thụy Khuê, đoạn dốc La Pho; Phố Minh Khai, đoạn chân cầu Vĩnh Tuy; phố Nguyễn Chính, đoạn từ ngõ 74 đến cống hóa mương Tân Mai; Đại lộ Thăng Long, đoạn ngã ba Lê Trọng Tấn, hầm chui số 3, 5, 6, km9 + 656, nút giao An Khánh; Đường Ngọc Lâm, từ ngã ba Long Biên 1 đến Xí nghiệp Môi trường Đô thị Gia Lâm; Đường Hoàng Như Tiếp, đoạn từ trường tiểu học Ngọc Lâm đến ngã 3 Hoàng Như Tiếp – Ái Mộ.

Ảnh minh họa

Theo Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, để đảm bảo thông thoáng thoát nước trong mùa mưa, đơn vị đang thực hiện nạo vét hệ thống truyền dẫn là cống, mương, kênh, sông… tại các trục tiêu thoát nước chính để khơi dòng chảy. Đồng thời sẽ tập trung sửa chữa, bảo dưỡng các trạm bơm, đập điều tiết. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành hệ thống thoát nước, cảnh báo điểm ngập úng mỗi khi trời mưa… Tổ chức đóng cọc, căng dây, lắp đặt lan can cảnh báo nguy hiểm dọc bờ mương; vận hành ổn định, đảm bảo chất lượng nước đầu ra đạt tiêu chuẩn 2 trạm xử lý nước thải Kim Liên, Trúc Bạch…

Dự báo thiên tai trên phạm vi toàn quốc sẽ tiếp tục diễn biến cực đoan, khó lường… Để chủ động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục kịp thời, hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai, sự cố gây ra… UBND TP.Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 09/CT-UBND về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2021.

Theo đó, Chủ tịch UBND thành phố chỉ thị các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố nghiêm túc quán triệt, tiếp tục rà soát, hoàn thiện kế hoạch và tổ chức thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 42-CT/TƯ ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; Chương trình số 05 của Thành ủy Hà Nội về “Đẩy mạnh công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, ứng phó biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2025”…

Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cũng chỉ thị các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố tập trung xây dựng kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2021 cụ thể, sát thực tế của địa phương, đơn vị; triển khai công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”…

Bên cạnh đó, tập trung kiểm tra, rà soát các khu vực nguy hiểm, các trọng điểm xung yếu, nhất là các khu vực có nguy cơ cao về sạt lở, lũ quét, ngập lụt ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn dân cư để chủ động sơ tán, di dời khi xảy ra thiên tai. Thường xuyên tổ chức kiểm tra, đánh giá hiện trạng đê, kè, cống, hồ đập và các công trình phòng, chống thiên tai để kịp thời phát hiện hư hỏng, chủ động sửa chữa, khắc phục bảo đảm an toàn công trình…

Hồng Trang

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Hà Nội vẫn còn 11 điểm ngập úng nghiêm trọng
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.