Hà Tĩnh: Bài 2 – Cơ quan chức năng và nhân dân đề nghị di chuyển Dự án Nhà máy xử lý rác thải huyện Đức Thọ đến địa điểm khác

Kế Hùng|09/11/2018 01:09
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Lý do ra đời của dự án xử lý rác thải

– Ngày 10/10/2018, Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống – Moitruong.net.vn đăng bài “Người dân hai huyện Đức Thọ và Can Lộc đề nghị hủy bỏ Dự án xây dựng Nhà máy xử lý rác thải Đức Dũng”. Sau khi báo đăng, Tòa soạn đã nhận được sự ủng hộ đồng tình của đông đảo người dân địa phương.  Hy vọng qua nội dung phản ánh của báo chí và dư luận nhân dân, chính quyền và các cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh sẽ cân nhắc  kỹ dự án xây dựng Nhà máy xử lý rác thải tại xã Đức Dũng, huyện Đức Thọ.

>> Hà Tĩnh: Người dân hai huyện Đức Thọ và Can Lộc đề nghị hủy bỏ Dự án xây dựng Nhà máy xử lý rác thải Đức Dũng

>> Hà Tĩnh: Dân kêu trời vì hồ nuôi tôm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng

>> Quận 8, Tp. Hồ Chí Minh: Nhiều doanh nghiệp hoạt động trên đất nông nghiệp, gây ô nhiễm môi trường

>> Huyện Bình Chánh (Tp. Hồ Chí Minh) – Bài 1: Nhà máy bê tông Lê Phan hoạt động gây ô nhiễm môi trường, đổ thải trái phép

Để nắm rõ thêm ý kiến, quan điểm của lãnh đạo địa phương, cơ quan ban ngành có liên quan về nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt của Dự án xây dựng Nhà máy xử lý rác thải tại xã Đức Dũng, mới đây phóng viên đã có buổi làmA việc với ông Thái Sơn Vinh – Trưởng  phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đức Thọ,. Trao đổi với  PV ông Vinh cho biết: “Hiện nay trên địa bàn huyện chỉ có 01 khu xử lý rác Phượng Thành (xã Đức Long và Tùng Ảnh ) với công suất 1000 kg /giờ (tối đa được 24 tấn/ngày/ đêm).  Trong khi đó lượng rác phát sinh trên địa bàn huyện khoảng 60 tấn/ngày đêm nên chưa đáp ứng được nhu cầu xử lý rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn huyện.

Người dân tập trung quanh địa điểm xây Nhà máy xử lý rác thải để phản đối

Vì vậy ngày  09 tháng 7 năm 2018, UBND huyện Đức Thọ đã có công văn số 1788/UBND –TN gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh về việc đề xuất Phương án quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn huyện Đức Thọ. Công văn  có nội dung: “ Thực hiện văn bản số 3281/UBND-XD ngày 07/6/2018 của UBND tỉnh Hà Tĩnh về việc đồng ý chủ trương cho UBND huyện Đức Thọ nghiên cứu lập Dự án đầu tư Lò đốt công suất 3,0 tấn/giờ để thay thế Lò đốt đã đầu tư. Và thực hiện Văn bản số 3709/UBND/XD  ngày 26/6/2018 của UBND tỉnh về việc quản lý chất thải  rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh, trong đó có nội dung giao cho Công ty Cổ phần Tập đoàn T- TECH Việt Nam xây dựng “Phương án quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn huyện Đức Thọ”. Đến nay, Công ty đã xây dựng xong Phương án theo chỉ đạo của UBND tỉnh.

Đơn thư kêu cứu của nhân dân

Qua rà soát kiểm tra và đối chiếu với thực tế rác thải sinh hoạt hiện nay tại địa phương, UBND huyện thống nhất đề nghị UBND tỉnh đồng ý chủ trương cho lập Dự án “Phương án quản  lý chất thải rắn sinh hoạt  trên địa bàn huyện Đức Thọ” như sau: Tên dự án: Đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý rác thải huyện Đức Thọ. Địa điểm đặt tại xã Đức Dũng, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Quy mô đầu tư: Xử lý chất thải rắn sinh hoạt 60 tấn/ngày/đêm. Diện tích sử dụng đất: 34,5 ha. Tổng mức đầu tư: 62.867.020.000 đồng.

Công văn số 1778/UBND – TN ngày 09 tháng 7 năm 2018 của UBND huyện Đức Thọ về việc đề xuất Phương án xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn huyện Đức Thọ

Về quy mô đầu tư,dây chuyền Lò đốt chất thải sinh hoạt công suất 60 tấn/ngày, dây chuyền sản xuất gạch không nung và bê tông định hình công suất 10 ngàn viên/ ngày. Ngoài ra còn có các sản phẩm, dịch vụ của dự án như xử lý rác thải 60 tấn/ ngày, sản xuất hạt nhựa tái chế. Thời gian hoạt động của Dự án 50 năm kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận đầu tư.

Nguy cơ gây ô nhiễm cao

Theo ý kiến của đông đảo người dân trong vùng, đi kèm Đơn kêu cứu gửi  tới tòa soạn Tạp chí Môi trường và Cuộc sống với hàng trăm chữ ký của nhân dân hai xã Đức Dũng, huyện Đức Thọ và Thường Nga, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh thì Dự án Nhà máy xử lý rác thải dự kiến xây dựng ở đầu nguồn nước hồ Khe Lang tại xã Đức Dũng, huyện Đức Thọ tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người dân địa phương hai huyện Đức Thọ và Can Lộc hiện tại và sau này. (Hiện nay 100% hộ dân sử dụng nguồn nước ngầm, chưa có nước máy).

Hồ Khe Lang có trữ lượng nước ngọt lớn, hàng năm nước ở hồ được dẫn theo sông Linh Cảm về cung cấp cho hai huyện Đức Thọ và Can Lộc. Hồ được nâng cấp năm 2009, giáp ranh với giớ 3 xã Nga Lộc, Phú Lộc và Đức Dũng.  Đây là nguồn nước tưới tiêu 2/3 đồng ruộng của dân, khi nguồn nước đó bị ô nhiễm bởi nước rỉ rác thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống và sức khỏe người dân.

Không chỉ người dân kêu cứu, mà lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hà Tĩnh cũng lo lắng về vấn đề này. Trong công văn số 1512/SNN – KL về việc ý kiến đối với Dự án Nhà máy xử lý rác thải huyện Đức Thọ của Công ty CP tập đoàn Công nghệ T-TECH Việt Nam ngày 13/8 năm 2018 gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Tĩnh,  Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định: “Theo hồ sơ đề xuất thực hiện Dự án Nhà máy xử lý rác thải huyện Đức Thọ của Công ty CP Tập đoàn Công nghệ T-TECH Việt Nam, vị trí dự kiến xây dựng nhà máy nằm trong lưu vực của hồ chứa nước Bình Hà (Hồ Khe Lang ) thuộc xã Đức Dũng (huyện Đức Thọ ) xã Thường Nga (huyện Can Lộc). Theo Quy hoạch cấp nước sinh hoạt nông thôn tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020 và định hướng đến 2030 đã được phê duyệt tại Quyết định số 2866 QĐ-UBND ngày 01/10/2014 của UBND tỉnh. Đây là hồ chứa nước có nhiệm vụ cung cấp nước sinh hoạt cho người dân trong vùng. Việc đầu tư xây dựng Dự án Nhà máy xử lý rác nêu trên có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước hồ Bình Hà cấp nước sinh hoạt.”

Công văn số 4933/UBND – KL ngày 20/8/2018 của UBND tỉnh Hà Tĩnh về việc đầu tư Nhà máy xử lý rác thải tại xã Đức Dũng, huyện Đức Thọ

Công  văn số 4933/ UBND  – XD của UBND tỉnh Hà Tĩnh ngày 20/8 năm 2018 gửi các Sở, ban ngành có liên quan, UBND huyện Đức Thọ và UBND xã Đức Dũng;  Công ty CP tập đoàn công nghệ T – TECH Việt Nam về việc đầu tư  nhà  máy xử lý rác  thải tại xã Đức Dũng, huyện Đức Thọ cũng chỉ rõ: “Trường hợp đầu  tư nhà máy tại vị trí đề xuất hiện nay có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước hồ và không khả thi, thì giao cho UBND huyện Đức Thọ chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan hỗ trợ Nhà đầu tư khảo sát, tìm vị trí khác phù hợp hơn”.

Trước sự phản đối quyết liệt của người dân địa phương, phóng viên Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống đã nêu câu hỏi với ông Vinh: “Dự án xử lý rác thải đặt ở đầu nguồn nước có nguy cơ gây ô nhiễm cao cho nguồn nước hồ sinh hoạt của nhân dân, vậy UBND huyện Đức Thọ có kế hoạch khảo sát chuyển địa điểm đến vị trí khác không ?”. Ông Vinh trả lời: “Nói thật với anh, chúng tôi cũng khảo sát nhiều địa điểm rồi, nhưng không tìm ra, được tiêu chuẩn này thì lại mất tiêu chuẩn kia. Ví dụ: Địa điểm cách xa nguồn nước thì đường giao thông lại khó khăn…”

Cũng liên quan về vấn dề này, ông Phạm Trọng Thiện – Chủ tịch UBND xã Đức Dũng khẳng định: “Nếu dự án  xây dựng Nhà máy xử lý rác thải không vướng phải  hồ nước Khe Lang là nguồn nước sinh hoạt của nhân dân địa phương thì chúng tôi hoàn toàn nhất trí với chủ trương của cấp trên.”

Xây dựng Nhà máy xử lý rác thải là cần thiết để bảo đảm vệ sinh môi trường cho nhân dân. Tuy nhiên, địa điểm xây dựng đặt trên khu vực rất gần với nguồn nước sinh hoạt của nhân dân là hồ Khe Lang  gây nguy cơ ô nhiễm cao. Mà giả sử nhà máy không gây ô nhiễm trầm trọng thì  cũng rất phản cảm. Vì vậy đề nghị UBND tỉnh Hà Tĩnh và các Sở, ban ngành, địa phương cần xem xét cân nhắc đến phương án chuyển địa điểm xây dựng Nhà máy xử lý rác thải đến một vị trí khác thích hợp hơn.

Tòa soạn Môi trường và Cuộc sống – Moitruong.net.vn sẽ tiếp tục thông tin vụ việc đến bạn đọc.

Kế Hùng


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Hà Tĩnh: Bài 2 – Cơ quan chức năng và nhân dân đề nghị di chuyển Dự án Nhà máy xử lý rác thải huyện Đức Thọ đến địa điểm khác
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.