Hà Tĩnh: Cả làng 20 năm bảo vệ đàn cò

Phương Nhy (T/h)|28/01/2020 13:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – 5.000 con cò được dân thôn Trại Lê, xã Quang Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh xem như “báu vật”, bảo vệ khỏi những kẻ săn bắn suốt 20 năm qua.

Đầm Bù, thôn Trại Lê rộng 2 ha, mực nước sâu hơn 1 m, xung quanh mọc nhiều cây đước bần và lộc vừng, là nơi trú ngụ của hàng nghìn con cò. Buổi sáng đàn chim đi kiếm ăn, chiều muộn từng đàn bay rợp trời về đậu trên các cành cây, hót vang cả vùng.

Chiều muộn mỗi ngày, đàn cò bay từ ngoài đồng về đầm Bù. Ảnh: Đức Hùng

Trong ký ức ông Nguyễn Văn Lâm, trưởng thôn trại Lê, cò bắt đầu bay về đầm Bù khoảng năm 2000, theo thời gian số lượng tăng dần, đến nay là 5.000 con. Mùa trú ngụ của cò từ tháng 5 năm trước đến tháng 8 năm sau. Mùa sinh sản, cò bay đi khoảng 2 tháng thì quay lại.

Năm 2000 đến 2003, khi thấy cò về đầm Bù, nhiều thợ săn đã đặt bẫy bắt, đem về chế biến món ăn hoặc bán kiếm lời. Việc này khiến chim chỉ về rải rác, chưa đến mùa sinh sản thì chúng đã bay đi chỗ khác. Thôn sau đó họp bàn, đưa việc bảo vệ đàn cò vào hương ước, nhắc nhở người dân chấm dứt nạn săn bắn.

Theo ông Lâm, từ năm 2005 đến nay, tình trạng săn bắt cò gần như chấm dứt. Thỉnh thoảng, thợ săn từ huyện khác đến săn bắn. Nghe tiếng súng nổ, thấy bẫy ngoài ruộng, dân làng lập tức tiếp cận, nhắc nhở. Thợ săn nghe xong tự gom đồ nghề rời đi.

Thôn Trại Lê có 220 hộ với trên 1.000 nhân khẩu, đây là vùng trung du của xã Quang Lộc, người dân chủ yếu làm ruộng, thanh niên lớn lên thường đi xuất khẩu lao động. Miền đất này có khí hậu ôn hòa, trước đây có nhiều cây xanh như tre, nứa, song hiện cũng đã được chặt bỏ nhiều để làm hạ tầng nông thôn mới.

Anh Nguyễn Văn Tạo (trú thôn Trại Lê) nói, dù môi trường tự nhiên tại đầm Bù thay đổi từng năm, song rất may đàn cò vẫn “lưu luyến” ở lại. Năm ngoái, bèo tây phủ kín đầm, đàn cò hơn một tuần không quay về. Thôn đã huy động mỗi gia đình cử một thành viên ra dọn bèo, làm sạch bờ hết bốn ngày, vài hôm sau chim trời trở lại.

Mỗi khi có cò bị thương vì nạn săn bắn, người dân lại mang chúng về chăm sóc, chữa lành vết thương rồi thả về tự nhiên.

Những con cò chao lượn tìm chỗ ngủ sau một ngày đi kiếm ăn. Ảnh: Đức Hùng

“Đầm Bù nằm sát đường liên xã, lượng người qua lại đông. 5 năm trước, bà con đã góp tiền xây một bờ rào dài hơn 50 m sát đường để hạn chế người lạ xâm nhập, tạo sự yên tĩnh cho đàn cò trú ngụ”, anh Tạo kể.

Ông Trần Tam (70 tuổi) cho hay, hình ảnh đàn cò trắng sà xuống cánh đồng Trại Lê săn mồi vào buổi sáng, rồi chao lượn trên bầu trời mỗi lúc chiều muộn đã đi vào tiềm thức người dân thôn. “Cứ mỗi chiều, chưa thấy chúng trở về là tôi lại đứng ngoài sân trông ngóng”, ông nói.

Ông Đặng Hồng Kiệm, Phó bí thư Đảng ủy xã Quang Lộc cho biết, đàn cò ở thôn Trại Lê trở nên “nổi tiếng” trong những năm qua, khi nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh về đây săn hình.

“Chính quyền ủng hộ và đồng hành với người dân trong việc bảo vệ môi trường sinh thái bền vững, để đầm Bù luôn là vùng đất lành với chim trời. Bà con thôn Trại Lê ai cũng vui khi được cùng chăm sóc đàn cò. Chưa thấy ai phàn nàn hay phản ánh việc bị chúng phá hoại mùa màng”, ông Kiệm nói.

Phương Nhy (T/h)

Bài liên quan
  • Gói bánh Chưng ngày Tết – Nét văn hóa lâu đời của người Việt
    Moitruong.net.vn – Bánh chưng xuất hiện từ rất lâu đời trong văn hóa đời sống của người Việt Nam từ hàng nghìn năm trước. Bánh chưng đóng một vai trò quan trọng không thể thiếu trong tập tục sống của người Việt. Mỗi dịp Tết, trên những mâm cỗ cúng gia tiên nhất định không thể thiếu vắng bóng dáng của bánh chưng xanh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Tĩnh: Cả làng 20 năm bảo vệ đàn cò