Hà Tĩnh: Ngư dân đón Xuân trên biển với niềm tin thắng lợi của một năm bội thu

29/01/2020 03:44
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Những ngày cuối năm, khi không khí của mùa Xuân đang lan tỏa trên từng con đường góc phố, người dân cả nước náo nức chuẩn bị đón Tết cổ truyền dân tộc thì ở nhiều xã vùng biển của tỉnh Hà Tĩnh, hàng ngàn ngư dân lại nhổ neo căng buồm vươn khơi bám biển, sẵn sàng đón Xuân giữa trùng khơi với niềm tin thắng lợi của một năm bội thu. Với ngư dân nơi đây, xa nhà đón Tết trên biển không chỉ là mưu sinh mà trên tất cả đó chính là trách nhiệm với nghề nghiệp, tình yêu với biển, yêu đất nước, là những “cột mốc di động” khẳng định chủ quyền biển đảo quê hương.

Xuân về trên bến cảng

Có mặt tại bến cảng Cửa Sót thuộc địa bàn xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh vào những ngày cuối năm. Ấn tượng trước mắt chúng tôi là tàu thuyền ra vào cảng rất nhộn nhịp, ngư dân hồ hởi phấn khởi với những khoang tàu đầy cá, mực, tôm…thương lái vui mừng với “lộc trời” sau những ngày vươn khơi bám biển của ngư dân. Đa số tàu thuyền sau khi xuất hàng lại tiếp tục chuẩn bị lương thực thực, thực phẩm tiếp tục cho chuyến hành trình tiếp theo. Và hành trình lần này của họ đúng vào dịp cả dân tộc vui Tết đón Xuân, chào đón năm mới, năm Canh Tý. Hàng trăm lao động với thân hình rắn rỏi, làn da rám nắng, nhưng khuôn mặt luôn toát lên niềm kiêu hãnh tự hào của những người con đất Việt dạn dày sương gió, bịn rịn chia tay người thân, gia đình ra khơi bám biển khi Tết cổ truyền đang cận kề. 

Thời tiết những ngày cuối năm trời quang, biển lặng mang điều tốt lành cho ngư dân trong suốt chuyến đi quan trọng lần này, chuyến hành trình “xuyên Tết” trên biển đảo quê hương. Khác với những lần ra khơi khác, lần này chủ tàu cùng ngư dân trước khi ra khơi đã chuẩn bị thêm một ít gạo nếp, lá dong, cây quất, cành đào, và không thể thiếu những chai rượu nếp thơm nồng của các mẹ các chị nấu sẵn cho các anh chung ly rượu tiễn năm cũ đón năm mới trên bầu trời biển đảo quê hương.

Trao đổi với PV Tạp chí Môi trường và Cuộc sống, anh Lê Văn Quyết 32 tuổi chia sẻ “Đây có lẽ là chuyến ra khơi đón Tết trên biển hơn 10 lần của tôi, từ năm 18 tuổi tôi đã theo cha lênh đênh trên trên thuyền đánh cá, những chuyến đi dài ngày cho tôi thêm kinh nghiệm của một ngư dân thực thụ. Nói về nghề đi biển thì nhiều kỷ niệm lắm, buồn có, vui có, nhưng có lẽ nhiều cảm xúc nhất vẫn là những chuyến ra khơi cuối năm đón Tết trên biển. Xa gia đình, xa bạn bè, chỉ có mấy anh em trên một con tàu, thời khắc thiêng liêng đón năm mới, tiễn năm cũ nhớ nhà nhớ quê lắm, nhưng vì yêu biển, yêu nghề và hơn tất cả là yêu đất nước, trời của ta, biển của ta, chủ quyền của ta chính là nhà của ta. Chính vì vậy cha con, anh em động viên nhau cùng vượt qua hoàn cảnh để tiếp tục căng buồm thả lưới đón nhận những mẻ cá đầy khoang. 

Những con tàu “xuyên Tết” tại cảng Cửa Sót, Lộc Hà, Hà Tĩnh đang chuẩn bị sẵn sàng ra khơi bám biển

Trước giờ phút ra khơi, anh Phan Trọng Bình 48 tuổi, tâm sự “Nói về vui Xuân đón Tết trên biển đối với tôi cũng không thể nhớ hết đây là lần thứ mấy tôi xa gia đình ra khơi khi Tết đang về. Đón Tết trên biển cũng nhiều niềm vui lắm! Thời khắc đón năm mới, anh em ngư dân chúng tôi thường quy tụ lại, trước khi ra khơi chúng tôi đã chuẩn bị gạo nếp, lá dong đưa ra đây cùng gói bánh, cũng có cây quất cành đào, những cành hoa giấy trang trí bàn thờ Bác Hồ, mặc dầu nho nhỏ những cũng không kém phần trang trọng. Thời khắc giao thừa chúng tôi ngồi cùng nhau, chia sẻ cho nhau từng miếng bánh chưng, từng lát giò mỏng, những ly rượu thơm nồng, cùng chia cho nhau đặc sản của mỗi vùng miền, từ đó thêm gắn kết tình anh em, tình đồng bào trên biển. Bên ly rượu đón Xuân, chúng tôi cùng tâm sự với nhau về những mong ước trong năm mới, và có lẽ một điểm chung của tất cả ngư dân là mong sao cho một năm trời yên biển lặng, mưa thuận gió hòa, cá tôm đầy khoang, anh em ngư dân luôn mạnh khỏe, cùng nhau bám biển”.

Đón Tết giữa con nước trùng khơi

Xác định chuyến ra khơi lần này là chuyến đi rất đặc biệt, vì vậy hầu như các chị, các mẹ ở nhà đã chuẩn bị cho chồng, cho con trai nhiều lương thực, thực phẩm ngon hơn, nhiều sản vật mang hương vị Tết đặc trưng của vùng miền, và đặc biệt không thể thiếu là mâm cúng giao thừa, chân dung chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ngư dân Nguyễn Trung Hiếu, 29 tuổi cho hay: Những chuyến đi biển cuối năm này chúng tôi thường chuẩn bị chu đáo hơn, thậm chí chúng tôi còn đưa lên tàu chú gà trống và nuôi nó đến lúc giao thừa để làm cỗ cúng, tuy đón Tết xa gia đình nhưng có tình cảm anh em cùng sát cánh, có cặp bánh chưng, chai rượu nếp vợ ở nhà chuẩn bị cho mình mang theo, thế là cũng có không khí Xuân rồi. 

Anh vừa cười vừa nói đùa “ai cũng có nhiệm vụ riêng, nếu như bộ đội, công an canh gác giữ bình yên cho nhân dân vui Tết đón Xuân, thì anh em ngư dân chúng tôi không chỉ ra khơi đánh bắt hải sản về phục vụ bà con trong năm mới mà còn là nhiệm vụ thiêng liêng bám biển làm “cột mốc di động” khẳng định chủ quyền trên biển”.

Ngư dân trúng đậm, thương lái thu mua hải sản của bà con ngư dân tại cảng những ngày cuối năm

Anh Lê Phan Trung, 50 tuổi, người được xem là có thâm niên trong việc đón Tết trên biển vui vẻ tâm sự “Tết đến Xuân về, bản thân ai cũng mong muốn được bên cạnh vợ con gia đình, cả năm đi biền biệt, ăn sóng nói gió, đến cái Tết cũng không bên cạnh vợ con, thiệt thòi cho mình và cũng thiệt thòi cho vợ con lắm chứ, nhưng mà có lẽ cũng quen rồi cô ạ! Với những người dân miền biển, việc ngày Tết vắng tiếng đàn ông trong nhà là bình thường, việc thờ cúng tổ tiên, mâm cơm đón Tết do phụ nữ phụ trách hết. Nếu cô đến nhà thờ của các dòng họ sẻ thấy đa số phụ nữ lo chuyện hương khói tổ tiên những ngày đầu năm cả đấy, tuy nhiên ông trời cũng an bài, chứ cứ dịp này theo con nước đa số tàu thuyền nào ra khơi đều mang về hải sản đầy thuyền đầy khoang, nên ai cũng hồ hởi hi vọng một năm bội thu ấm no hạnh phúc”.

Trước khi ra khơi, anh Nguyễn Trọng Tuệ treo lại lá cờ đỏ sao vàng còn vương mùi vải mới lên nóc tàu, anh hồ hởi cho biết: “Ngày Tết, trên đất liền nhà nhà treo cờ đỏ sao vàng, trên từng con đường góc phố đều rợp cờ hoa chào đón năm mới. Với ngư dân chúng tôi, có lẽ hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng tung bay trước biển trời bao la mới chính là điều linh thiêng nhất, tàu thuyền có thể phai màu sơn, cơm chúng tôi có thể ăn ít đi một chút, những lá cờ trên nóc tàu lúc nào cũng tươi thắm. Lá cờ Tổ quốc là niềm kiêu hãnh, tự hào, khẳng định đây là ngư trường, là vùng biển của mình, đánh dấu chủ quyền thiêng liêng của quốc gia trên biển. Cuộc đời chúng tôi lấy tàu là nhà biển là quê hương, lênh đênh đầu sóng ngọn gió, nhưng khi nhìn thấy lá cờ đỏ sao vàng chúng tôi thấy ấm lòng hơn, tự hào hơn, như gia đình quê hương đang ở ngay bên cạnh. Đặc biệt trong những ngày Tết cổ truyền, đứng giữa ngàn trùng con nước, được ngắm nhìn cờ Tổ quốc tung bay trên mỗi con tàu, lòng chúng tôi rộn ràng hơn. Ở đất liền, vợ con, người thân chúng tôi cũng đang vui Tết đón Xuân, thời khắc thiêng liêng chuyển giao năm mới họ chắp tay cầu nguyện cho chúng tôi được bình an, thắng lợi. Đã là ngư dân chúng tôi xác định yêu biển, yêu nghề, sắt son bám biển, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.

Vươn khơi bám biển, khẳng định chủ quyền

Ngoài việc mưu sinh, trong chuyến vươn khơi ngày Tết của bà con ngư dân còn có ý nghĩa khẳng định vùng biển chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Sự hiện diện của họ trên biển khơi trong những ngày xuân càng khẳng định thêm vai trò của ngư dân trong việc giữ gìn chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Những ngày cuối năm, hàng trăm chiếc tàu thuyền lại nhổ neo ra khơi mang theo lá cờ Tổ quốc tung bay phấp phới trong sự vẫy chào bịn rịn của người thân. Cầu chúc cho bà con ngư dân ra khơi đánh bắt được nhiều hải sản, mang về kinh tế cho gia đình, phát triển xã hội với những con tàu cá tôm đầy khoang.

Ông Bùi Tuấn Sơn, Giám đốc BQL các cảng cá Hà Tĩnh cho biết: “Việc ngư dân đón Tết trên biển Hoàng Sa, Trường Sa đã không còn xa lạ với ngư dân Hà Tĩnh chúng tôi. Cứ vào dịp cuối năm hàng trăm tàu thuyền của bà con lại vươn khơi bám biển. Xác định đi biển không chỉ là vì mưu sinh phát triển kinh tế gia đình và địa phương, mà việc vươn khơi bám biển còn là nhiệm vụ thiêng liêng của mỗi ngư dân đó chính là “bảo vệ chủ quyền tổ quốc”, nhiệm vụ ấy được mỗi ngư dân khắc cốt ghi tâm, trung kiên hoàn thành. Chúng tôi cắt cử cán bộ thường trực 24/24 giờ tại các trạm bờ, giữ liên lạc thông suốt với ngư dân, sẵn sàng hỗ trợ, hướng dẫn xử lý các tình huống bất trắc có thể xảy ra trên biển.”

Những con tàu ra khơi ngày cuối năm thường được chủ tàu cho sơn lại, cạo hàu, trét keo ở các ụ tàu cho sạch đẹp khang trang. Nghề đi biển muôn đời đều khó nhọc, nhưng phía sau những giọt mồ hôi mặn mòi ấy là sự an toàn của những con tàu và chủ nhân của nó, là niềm kiêu hãnh của mỗi người dân vùng biển. Để những chuyến tàu “xuyên Tết” đón một năm mới thắng lợi bội thu, những con tàu thơm mùi sơn mới rẽ sóng vươn khơi bám biển giữa ngư trường, tung bay lá cờ đỏ sao vàng trên các vùng biển đảo của Tổ quốc. 

Ngọc Trâm

   
Bài liên quan
  • Hà Tĩnh: Cả làng 20 năm bảo vệ đàn cò
    Moitruong.net.vn – 5.000 con cò được dân thôn Trại Lê, xã Quang Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh xem như “báu vật”, bảo vệ khỏi những kẻ săn bắn suốt 20 năm qua.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Hà Tĩnh: Ngư dân đón Xuân trên biển với niềm tin thắng lợi của một năm bội thu
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.