Hà Tĩnh tăng cường bảo vệ rừng đầu nguồn dịp Tết nguyên đán

Lan Hạ|12/01/2024 12:31
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Hà Tĩnh có gần 360.000 ha rừng và đất lâm nghiệp trong đó Vườn Quốc gia Vũ Quang được công nhận là Vườn di sản ASEAN và nhiều diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ với hệ động, thực vật phong phú, đa dạng. Vào dịp Tết nguyên đán, tình trạng săn bắt, buôn bán động vật rừng, khai thác lâm sản trái phép lại tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp, khó lường đòi hỏi sự tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng đầu nguồn của các lực lượng chức năng.

Vùng thượng nguồn sông Ngàn Phố ở huyện Hương Sơn là những khu rừng tự nhiên trải dài hun hút. Sau nhiều năm bảo vệ nghiêm ngặt, các loài gỗ quý như: lim xanh, dỗi, sến, de và cây bản địa đều sinh trưởng, phát triển tốt, nhiều cây cao lớn, 2 người ôm không xuể.

Từ năm 2002, gia đình chị Trần Thị Nga ở xã biên giới Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn nhận giao đất lâm nghiệp với diện tích gần 10 ha. Nhận thức rõ bảo vệ rừng là bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học, chị Nga luôn thực hiện đồng bộ, hiệu quả công tác chăm sóc, bảo vệ rừng, khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh rừng tự nhiên, phục hồi các loài cây bản địa.

“Trước đây nhiều loài gỗ quý trên rừng bị chặt phá, xâm hại không thương tiếc. Hậu quả là nguồn tài nguyên rừng bị sụt giảm, thiên tai, lũ lụt thường xảy ra. Vậy nhưng, sau khi được tuyên truyền, vận động, đặc biệt là được giao rừng, mọi người đều nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ rừng tự nhiên, góp phần làm làm giàu vốn rừng trên địa bàn”, chị Trần Thị Nga chia sẻ.

11-bvrung.jpg
Cán bộ kiểm lâm tỉnh Hà Tĩnh đang tuyên truyền, vận động người dân được giao rừng cần nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ rừng đầu nguồn 

Không riêng gì tại huyện Hương Sơn, công tác quản lý, bảo vệ rừng dịp trước, trong và sau tết Nguyên đán Giáp Thìn được ngành kiểm lâm, các chủ rừng, chính quyền các cấp ở tỉnh Hà Tĩnh triển khai đồng bộ, quyết liệt. Trong đó, tại những khu rừng phòng hộ, rừng đặc dụng đầu nguồn được chú trọng tăng cường hơn nhằm kiểm soát, hạn chế nguy cơ xâm hại rừng.

“Địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền người dân thực hiện nghiêm túc công tác bảo vệ rừng, không lén lút vào rừng chặt phá lâm sản, săn bắt động vật rừng trái phép. Công an xã tiếp tục phối hợp chặt chẽ với lực lượng kiểm lâm, bộ đội biên phòng và các chủ rừng tăng cường tuần tra, kiểm soát, bảo vệ rừng tại gốc”, ông Nguyễn Văn Nhân- Chủ tịch UBND xã Phú Gia, huyện Hương Khê cho biết.

Thực tế cho thấy rằng, mặc dù công tác quản lý bảo vệ rừng đã được các cấp, các ngành liên quan chú trọng. Tuy nhiên, năm 2023 trên địa bàn Hà Tĩnh vẫn xảy ra một số vụ chặt phá rừng, các lực lượng chức năng đã phát hiện, tịch thu hơn 61m3 gỗ các loại, 56 cá thể động vật rừng và nhiều tang vật liên quan; xử phạt hành chính, nộp ngân sách nhà nước hơn 2 tỷ đồng.

Theo Phó hạt Trưởng Hạt Kiểm lâm Hương Sơn Nguyễn Trọng Trà, dịp tết Nguyên đán, nguy cơ xâm hại rừng tiềm ẩn. Vì vậy, cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, đơn vị luôn chủ động phối hợp với các ngành chức năng, chính quyền địa phương, các chủ rừng xây dựng kế hoạch tuần tra, bảo vệ rừng tại gốc.

“Thường xuyên bám sát cơ sở, nắm chắc mọi diễn biến về rừng, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp. Tiếp tục tuyên truyền, tăng cường kiểm tra, nhắc nhở người dân, các chủ nhà hàng không săn bắt, mua bán động vật hoang dã; kịp thời xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp”, ông Nguyễn Trọng Trà cho biết.

Tỉnh Hà Tĩnh hiện có gần 360.000 ha rừng và đất lâm nghiệp. Trên địa bàn có Vườn Quốc gia Vũ Quang được công nhận là Vườn di sản ASEAN và nhiều diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ với hệ động, thực vật phong phú, đa dạng. Những giá trị mà thiên nhiên ban tặng đặt lên vai sứ mệnh, trách nhiệm nặng nề của những người giữ rừng, nhất là trong dịp tết.

“Toàn ngành tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh Hà Tĩnh về việc tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng trước, trong và sau tết Nguyên đán Giáp Thìn; đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng các quy định của Luật Lâm nghiệp; tăng cường tuần tra, kiểm soát bảo vệ rừng tại gốc; tích cực đấu tranh, ngăn chặn săn bắt, mua bán động vật hoang dã, góp phần bảo vệ, phát triển rừng bền vững”, đại diện lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh thông tin.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Tĩnh tăng cường bảo vệ rừng đầu nguồn dịp Tết nguyên đán