Thủy điện “ăn” rừng
Tại Hội thảo “Đánh giá thực trạng và đề xuất các giải pháp bảo vệ môi trường các dự án thủy điện một số tỉnh miền núi phía Bắc”, các chuyên gia cho rằng một số dự án thủy điện đã tác động đến đất sản xuất nông nghiệp và rừng; một số dự án xây dựng trên dòng chính ảnh hưởng tới môi trường, làm gia tăng rủi ro thiên tai đồng thời đặt ra vấn đề an toàn đập và vùng hạ du… Vì vậy, cần có giải pháp hạn chế tác động tiêu cực của dự án thủy điện đối với môi trường.
Những khối bê tông mang tên thủy điện thay thế màu xanh của rừng
Thực tế cho thấy, các công trình thủy điện “mọc” lên nhiều khiến trữ lượng rừng ngày càng suy giảm. Theo tính toán, bình quân diện tích rừng mất cho 1MW thủy điện là từ 10 đến 30ha. Chỉ riêng hai dự án Thủy điện Đồng Nai 3 và Đồng Nai 4 trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã có hơn 2.600 ha rừng ven sông Đồng Nai bị xóa sổ. Trong khi đó, việc trồng rừng thay thế chỉ chiếm một phần nhỏ so với diện tích rừng phục vụ thủy điện, thậm chí có nhiều địa phương chưa bố trí được đất để trồng rừng thay thế.
Mặt khác, lợi dụng việc san mặt bằng để thi công thủy điện và các công trình liên quan, nhiều đối tượng lâm tặc đã khai thác rừng bừa bãi, vi phạm nghiêm trọng Luật Bảo vệ và phát triển rừng.
Khi mực nước xuống thấp bên lòng hồ thủy điện Bản Vẽ hiện ra rừng cây chết khô trơ trọi
Ngoài việc phải đánh đổi một phần diện tích rừng, các công trình thủy điện dâng nước đã trực tiếp làm ngập rừng, hệ sinh thái rừng bị hủy hoại. Ví dụ sau khi Nhà máy thủy điện Sơn La được xây dựng và đưa vào hoạt động thì diện tích rừng bị ngập khoảng 2.500 – 3.100 ha (chiếm khoảng 7,02 – 11,2% tổng diện tích đất ngập) hậu quả là độ phì của đất ngập nước bị suy giảm, giảm lượng sinh vật sống trong đất, làm thay đổi đáng kể cảnh quan thiên nhiên khu vực này.
Hậu quả nhãn tiền
Trong quá trình xây dựng thủy điện, hàng loạt diện tích rừng đã bị xâm chiếm khiến cho môi trường mất lớp cây xanh sản xuất oxi, giảm thiểu khí cacbondioxit. Không chỉ thế, mất đi cây xanh khiến cho môi trường mất đi lớp màn bảo vệ trước bụi, đất li ti trong không khí. Đây là một trong những nguyên nhân khiến không khí ngày càng trở nên ô nhiễm và gây hại cho sức khỏe của con người.
Các nhà khoa học cho rằng, nguyên nhân của lũ quét, sạt lở đất có liên quan tới độ dốc lớn về địa hình của khu vực miền núi đi liền với diễn biến mưa lớn phức tạp và sự suy giảm độ che phủ rừng, thảm thực vật. Đặc biệt là các tác động của con người, trong đó trọng tâm là chặt phá rừng và xây dựng các hồ chứa, đập thủy điện.
Phá rừng là nguyên nhân gây lũ quét và sạt lở đất. Ảnh TTXVN
Rừng bị mất đi quá nhiều là nguyên nhân làm cho lũ lụt ngày càng gia tăng. Mưa lớn ở thượng nguồn, nước chảy nhanh xuống không có lớp rừng để giảm sốc tạo thành lũ gây thiệt hại nặng nề. Lũ lụt xảy ra thường xuyên và tàn khốc hơn còn do các nhà máy thủy điện xả lũ vì nguy cơ vỡ đập trong mùa mưa bão.
Các trận lũ từ năm 2009 trở lại đây đã chứng minh điều này. Chẳng hạn, tại Quảng Nam, trong cơn bão lũ tháng 11-2013, huyện Đại Lộc đã phải hứng chịu đồng loạt cả 4 thủy điện đầu nguồn sông Vu Gia – Thu Bồn là A Vương, Đăk Mi 4, Sông Bung 4, Sông Bung 5 xả lũ, khiến cả huyện ngập sâu trong nước.
Bài học nhãn tiền đã có. Vậy để phát triển thủy điện một cách bền vững, hạn chế đến mức thấp nhất những tác động xấu đến đời sống người dân và môi trường, những năm tới Chính phủ và các địa phương cần cân nhắc, đánh giá kỹ càng về giá trị thực mà một dự án mang lại với mục tiêu ít phải đánh đổi diện tích rừng, hướng đến nền kinh tế xanh.
Trung Hiếu