Không giống như nhiều ngành nghề khác, với nghề làm muối, trời nắng nóng sẽ tạo điều kiện để hạt muối nhanh kết tinh, nắng càng to thì độ kết tinh càng cao. Cũng bởi sự oái oăm đó nên hễ lúc nào nắng như đổ lửa thì người dân lại lao ra ruộng để cào, để xúc, nhanh chóng loại bỏ tạp chất trước khi muối đóng thành viên.
Người dân cào muối thành từng đống nhỏ. ẢNh: Báo Hà Tĩnh
Nghề muối rất vất vả, phụ thuộc nhiều vào thời tiết, nên với bà con diêm dân, số lượng ngày nắng càng nhiều thì họ càng vui mừng vì sản xuất muối hiệu quả.
Với các hộ làm muối tại xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh), những ngày này bận bịu hơn bao giờ hết. Mặc cho cái nắng hè như thiêu như đốt, các diêm dân vẫn cần mẫn, phơi cát, đo nồng độ mặn của nước, đổ nước vào ruộng, cào muối…
Hiện nay, thanh niên ở các xã làm muối không mặn mà gắn với nghiệp diêm dân mà hầu hết đều đi làm ăn xa, bởi nghề muối quá đỗi vất vả, thu nhập lại không cao. Trên các cánh đồng muối giờ đây chỉ còn bóng dáng những diêm dân lớn tuổi, hoặc lứa tuổi nhỏ ngoài giờ học theo bố mẹ ra đồng.
Đồng muối chỉ còn những lao động lớn tuổi. Gắn bó với nghề làm muối từ nhỏ, năm nay 70 tuổi, bà Vượng vẫn ra đồng làm muối kể cả trong những ngày nắng nóng đỉnh điểm. Bà cho biết, nhà có 2 sào ruộng muối, nếu nắng to, làm cật lực thì được hơn 1,5 tạ… Với giá muối 150 nghìn đồng/1 tạ, mỗi ngày hai mẹ con bà thu nhập được hơn 200 nghìn đồng.
Vựa muối của diêm dân. Ảnh: Báo Hà Tĩnh
Mùa muối chính vụ ở đây bắt đầu từ tháng 5 cho tới tháng 8 (dương lịch), cao điểm nhất là vào tháng 6 đến tháng 7 – khi nền nhiệt độ trung bình từ 39 – 41 độ C.
Muối năm nay được đánh giá là cao hơn các năm trước, mỗi tạ muối có giá khoảng 150 nghìn đồng.
Ngọc Ánh (t/h)