Hà Tĩnh: Xây dựng kế hoạch, phương án phòng ngừa, ứng phó với thiên tai

Hoàng Thơ |17/09/2024 12:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Trước diễn biến phức tạp của thiên tai, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo các đơn vị chủ động rà soát, xây dựng kịch bản ứng phó với thiên tai, kể cả ở mức độ cao nhất.

Thời gian qua, ở các tỉnh phía Bắc nước ta tình hình diễn biến của thiên tai hết sức khốc liệt, khó lường, đặc biệt là bão, lũ, ngập lụt, sạt lở đất đã làm thiệt hại rất nặng nề về người, tài sản của Nhân dân cũng như Nhà nước.

Trước tình hình đó, Hà Tĩnh đã lập, phê duyệt các kế hoạch, phương án phòng chống thiên tai theo quy định, chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện để phòng chống thiên tai.

bao-33.jpg
Bão số 3 và hoàn lưu sau bão có phạm vi ảnh hưởng rất lớn, trải dài ở 26 tỉnh, thành phố miền Bắc và Thanh Hóa; gây ra những hậu quả nặng nề cả về người và tài sản. Ảnh: PLO

Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác phòng chống thiên tai

Rút kinh nghiệm từ công tác phòng chống với bão lũ tại các địa phương phía Bắc, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải yêu cầu các sở, ngành, đơn vị, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, kịp thời, có hiệu quả các phương án ứng phó với thiên tai, phòng ngừa ứng phó với bão mạnh, siêu bão năm 2024 đã được UBND tỉnh phê duyệt.

Theo đó, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong công tác phòng chống thiên tai, đẩy mạnh công tác quán triệt, phổ biến kiến thức về công tác phòng, chống thiên tai cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là những người trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, thực hiện các nhiệm vụ phòng ngừa, ứng phó với thiên tai, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của các cấp, các ngành và mỗi người dân.

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu các địa phương cần đặt ra tình huống thiên tai xảy ra ở cấp độ cao nhất để có sự chuẩn bị tốt nhất, không bị động, lúng túng khi thiên tai xảy ra, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn tỉnh (trong đó cần đặc biệt lưu ý có biện pháp chủ động, quyết liệt trong phòng chống bão, lũ, sạt lở đất, lũ quét để giảm thiệt hại về người).

Cùng với đó, đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng, chống thiên tai; tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, tai nạn lao động; tổ chức trực ban nghiêm túc để chủ động tham mưu, xử lý khi có các tình huống phát sinh trên địa bàn nhằm giảm thiểu thiệt hại.

nha-phao.jpeg
Nhiều hộ dân tại Hà Tĩnh đã xây dựng nhà phao tự nổi ngoài việc bảo đảm an toàn cho các thành viên trong gia đình, còn chứa đồ đạc, tài sản khi mùa lũ về. Ảnh: Báo Dân Việt

Các địa phương lên kế hoạch ứng phó với thiên tai ở mức độ cao nhất

Đối với các địa phương, UBND các huyện, thành phố, thị xã tiếp tục rà soát, cập nhật, xác định những vùng nguy cơ cao về thiên tai đặc biệt là vùng ven sông, ven biển, vùng có nguy cơ ngập sâu, vùng lũ quét, sạt lở đất để bổ sung phương án ứng phó, di dời dân trong trường hợp khẩn cấp nhằm chủ động liên lạc, thông tin cảnh báo và ứng cứu kịp thời; đồng thời phân công rõ trách nhiệm cho tổ chức, cá nhân để đôn đốc, theo dõi, kiểm tra và chỉ đạo kịp thời.

Kiểm tra lực lượng, phương tiện, vật tư, kinh phí để thực hiện có hiệu quả phương châm “4 tại chỗ”, chủ động dự trữ lương thực, nước uống, thuốc chữa bệnh, nhu yếu phẩm... ở những vùng thường xuyên bị chia cắt, khó khăn trong việc đi lại những tháng mùa mưa, lũ năm 2024.

Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân các kỹ năng về phòng chống thiên tai đặc biệt là hướng dẫn cách nhận biết về dấu hiệu, nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét; có hình thức tuyên truyền, hướng dẫn phù hợp, kịp thời đối với người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới.

Kiểm tra, rà soát chặt chẽ công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch; xây dựng, nhất là việc xây dựng nhà cửa, công trình ở khu vực địa hình sườn dốc, ven sông, suối, kênh rạch, ven biển, vùng có nguy cơ xảy ra tai biến địa chất.

Chỉ đạo UBND cấp xã tiếp tục kiện toàn lực lượng xung kích phòng chống thiên tai cấp xã theo đúng quy định; đầu tư mua sắm trang thiết bị cho lực lượng xung kích phòng chống thiên tai để sẵn sàng ứng phó với diễn biến của thiên tai trên địa bàn khi lực lượng từ bên ngoài chưa tiếp cận được.

Ngoài ra, các sở, ngành liên quan theo chức năng quản lý nhà nước và nhiệm vụ được giao chủ động rà soát kịp thời các phương án ứng phó với thiên tai của đơn vị mình phù hợp tình hình diễn biến thiên tai hiện nay để không bị động, lúng túng trong quá trình thực hiện nhằm góp phần hạn chế thiệt hại khi có do thiên tai xảy ra.

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng đề nghị Ủy ban MTQ và các đoàn thể cấp tỉnh chủ trì phối hợp với các sở, ngành, địa phương thực hiện tốt việc vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn cứu trợ của các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm, nguồn đóng góp tự nguyện để hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả nếu có thiên tai gây ra, đảm bảo không để xảy ra tình trạng người dân bị đói, rét, thiếu thuốc điều trị, nhu yếu phẩm thiết yếu.

Giao Sở NN&PTNT (cơ quan thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai tỉnh) theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến thiên tai trong thời gian tới, tham mưu UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai theo quy định của pháp luật về phòng, chống thiên tai và pháp luật có liên quan.

Sở NN&PTNT chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, các chủ quản lý công trình thuỷ lợi, đê điều thực hiện nghiêm công tác đảm bảo an toàn hồ đập, đê điều, đặc biệt là các công trình trọng điểm (hồ Kẻ Gỗ, Sông Rác, Kim Sơn, Ngàn Trươi, đê La Giang...) theo quy định pháp luật hiện hành. Theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các địa phương, đơn vị triển khai thực hiện các nội dung trên; kịp thời tổng hợp báo cáo, tham mưu UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh các nội dung phát sinh, vượt thẩm quyền.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Hà Tĩnh: Xây dựng kế hoạch, phương án phòng ngừa, ứng phó với thiên tai