Hãi hùng với những “dải lụa đen” trong lòng Thủ đô

Vi Hậu|30/10/2017 07:32
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Sông Đáy, đoạn chảy qua cầu Mai Lĩnh, Hà Đông ô nhiễm nhiều năm nay

(Moitruong.net.vn) – Thủ đô Hà Nội được bao bọc bởi hệ thống các con sông lớn như sông Kim Ngưu, sông Tô Lịch, sông Sét, sông Nhuệ, sông Lừ…Tuy nhiên do tốc độ đô thị hóa nhanh, việc xả thải từ sinh hoạt người dân cũng như các công ty xây dựng gần kề khiến hệ thống sông này đang bị bức tử vì ô nhiễm nghiêm trọng…

Ám ảnh sông chết

Theo ghi nhận khảo sát thực tế của PV tạp chí Môi trường và Cuộc sống tại một số điểm trên sông Tô Lịch cho thấy con sông này gần như đã chết vì nguồn rác hàng ngày của người dân vứt xuống cũng như do các hoạt động xả nước thải không qua xử lý. Vào những tháng không mưa lượng nước sông Tô Lịch xuống thấp khả năng lưu thông dòng chảy yếu khiến cả con sông có nước màu đen kịt, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Trên mặt sông, rác thải kết thành mảng nổi lềnh bềnh. Ven bờ, các ống cống từ khu dân cư thải nước đen ngòm ra sông.

Ông Ngô Đình Chuẩn, trú quận Hoàng Mai, cho biết mỗi sáng, ông đều thấy công nhân môi trường đi thuyền ra vớt rác thải nhưng đến tối, rác lại nổi đầy mặt sông Tô Lịch. “Thời gian gần đây, trời ít mưa, mực nước xuống thấp, mùi hôi thối càng trở nên trầm trọng. Nhiều người già sinh sống ở dọc bờ sông than phiền nhức đầu vì mùi hôi thối. Các nhà hàng, quán ăn mất khách bởi có mở cửa cũng không mấy người vào ăn”.

Khảo sát tại nhiều khúc sông của sông Nhuệ cũng cho thấy: Với chiều dài gần 20 km chảy qua địa bàn thủ đô (điểm đầu ở Q.Bắc Từ Liêm, điểm cuối tại H.Phú Xuyên), nhiều khúc của sông này nước đen kịt, đặc quánh, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc và gần như không còn xuất hiện sự sống dưới lòng sông.

Các điểm ô nhiễm nặng nề nhất trên sông Nhuệ là khu vực Cầu Trắng của Q.Hà Đông, khu vực Cầu Tây thuộc P.Trung Văn, Q.Nam Từ Liêm. Tại đây, có những thời điểm lòng sông gần như cạn khô, xác các loài động vật trương phình, thối rữa, bốc mùi cực kỳ khó chịu…

Theo các hộ dân sinh sống dọc hai bên bờ, thực trạng ô nhiễm trên sông diễn ra đã lâu và ngày một tăng theo sự xuất hiện của hàng loạt những khu đô thị, khu chung cư. Ông Trần Bình Nguyên ( P.Đại Mỗ, Q.Nam Từ Liêm) cho hay: “Chỉ khoảng hơn chục năm trước, người dân chúng tôi vẫn thả lưới, đánh dậm… để kiếm con tôm, con cá. Không những thế, nước sông Nhuệ còn được các hộ làm nông dùng để cấy hái, trồng cây cảnh, sản xuất hoa màu. Nhưng những năm gần đây, nước sông ngày càng ô nhiễm. Không những tôm cá không sống nổi, mà người lội sông còn bị mẩn ngứa, mắc đủ thứ bệnh ngoài da”.

Mương Yên Hòa chạy vòng vèo quanh mấy tòa nhà của Khu đô thị mới Dịch Vọng, quận Cầu Giấy. Đây là tuyến mương thoát nước quan trọng của khu vực, dẫn nước thải từ các khu dân cư ra sông Tô Lịch và đảm trách việc tiêu nước khi có mưa lớn. Thế nhưng đã từ lâu, con mương này gần như không còn dòng chảy. Rác nhiều quá. Rác ngập tràn mặt nước, rác bám vào chân cọc, gầm cầu, không trôi đi được. Dòng nước của mương Yên Hòa “ngậm” rác trở nên đen ngòm, nồng nặc hôi tanh.

song nhueSông Nhuệ chảy qua XaLa (Hà Đông) bị ô nhiễm nặng

Cần có một dự án trọng điểm

Trước thực trạng sông hồ Hà Nội trong tình trạng ô nhiễm nặng nề Hà Nội cũng đã có các phương án nhằm cứu nguy cho các con sông.Theo UBND TP Hà Nội, không thể kéo dài mãi tình trạng ô nhiễm mà phải có biện pháp quyết liệt để hồi sinh những con sông. Nằm trong chương trình cải tạo chất lượng sông hồ tại Hà Nội, mới đây, UBND TP đã khởi công xây dựng Nhà máy Xử lý nước thải Yên Xá (xã Thịnh Liệt, huyện Thanh Trì). Nhà máy này được lãnh đạo TP và người dân kỳ vọng khi kết hợp với Nhà máy Xử lý nước thải Yên Sở (quận Hoàng Mai, đưa vào sử dụng năm 2013) sẽ làm “sống lại” nhiều sông, hồ tại thủ đô.

Trong một cuộc họp mới đây, Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cho biết từ trước đến nay, nước thải của TP được thu gom bởi hệ thống cống, kênh mương rồi xả ra các hồ và 4 con sông thoát nước chính là Kim Ngưu, Sét, Tô Lịch, Lừ. Do đó, Nhà máy Xử lý nước thải Yên Xá có ý nghĩa vô cùng to lớn trong việc cải tạo môi trường, giúp hồi sinh các con sông.

Ngoài ra, UBND TP Hà Nội còn giao các quận – huyện tổ chức quản lý, thu gom rác thải để chấm dứt tình trạng đổ rác bừa bãi xuống sông. TP cũng sẽ lập quy hoạch toàn tuyến sông Tô Lịch để tách nguồn nước thải sinh hoạt đổ trực tiếp vào sông đưa về các nhà máy xử lý.

Theo số liệu quan trắc của Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN-MT Hà Nội), chất lượng nước trên các dòng sông nội đô như sông Kim Ngưu, sông Tô Lịch, sông Sét, sông Nhuệ, sông Lừ… thì các hàm lượng amoni, coliform, phosphat… đều vượt quy chuẩn của Bộ TN&MT.

Để xử lý tình trạng này, từ năm 2013, TP Hà Nội đã đưa vào hoạt động Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở (quận Hoàng Mai). Nhà máy này có công suất 200.000m3/ngày đêm, có nhiệm vụ thu gom, xử lý nước thải của sông Sét và sông Kim Ngưu, khi qua xử lý nước sẽ bảo đảm các tiêu chuẩn xả nước ra môi trường. Công suất hoạt động hiện nay (mùa khô) khoảng 130.000m3/ngày đêm; mùa mưa dao động từ 190.000 đến 200.000m3/ngày đêm…

Đầu tháng 10/2016, Hà Nội cũng đã khởi công xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá (Thanh Trì) với tổng vốn đầu tư 16.200 tỉ đồng. Nhà máy có công suất 270.000m3/ngày đêm, dự kiến hoàn thành vào năm 2019, sẽ xử lý nước thải sinh hoạt ở các quận, huyện Ba Đình, Đống Đa, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông, Cầu Giấy và Thanh Trì.

Theo PGS-TS Trần Đức Hạ – Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu cấp thoát nước và môi trường thuộc Hội Cấp thoát nước VN, hiện nguồn nước ngầm của Hà Nội đang có nguy cơ bị ô nhiễm nặng. Nguyên nhân là do lượng nước thải chưa qua xử lý xả thẳng ra môi trường quá lớn. Chỉ tính riêng trong khu vực nội đô, mỗi ngày lượng nước thải xả thẳng ra hệ thống sông hồ vào khoảng 650.000 m3/ngày/đêm. Tuy nhiên, hiện tại mới chỉ có 3 nhà máy xử lý nước thải đi vào hoạt động với tổng công suất chỉ trên 206.000 m3/ngày/đêm. Do vậy gần phần lớn lượng nước thải ở khu vực nội đô vẫn chưa được xử lý triệt để.

PGS-TS Hạ cảnh báo, nước thải chưa qua xử lý xả thẳng ra sông hồ sẽ gây ô nhiễm môi trường trầm trọng, ảnh hưởng tới đời sống, sức khỏe cộng đồng người dân. Đặc biệt đáng lo ngại là hiện nhiều khu vực ở Hà Nội nước ngầm bị nhiễm các độc tố chính như măng gan, sắt, asen và amoni… Riêng độc tố amoni, khi đi vào cơ thể người sẽ làm thay đổi hồng cầu, gây ra một số bệnh nan y.

Vi Hậu 


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Hãi hùng với những “dải lụa đen” trong lòng Thủ đô
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.