sapo-copy(1).png

Năm nay, tôi rất may mắn được tham gia cùng đoàn công tác số 9 gồm hơn 250 thành viên từ Quân khu 7 và các đoàn đại biểu thuộc nhiều bộ ngành ở Trung ương, địa phương và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. Đoàn công tác do Chuẩn đô đốc Lương Việt Hùng, Phó tư lệnh Quân chủng Hải quân làm trưởng đoàn.

Trong hải trình ngắn, chỉ 6 ngày 5 đêm (từ 05/5 – 10/5) với khoảng cách gần 1.000 hải lý (gần 2.000km đường biển), tàu KN-290 thuộc Chi đội Kiểm ngư số 2, Bộ Tư lệnh vùng 2 Hải quân đã đưa đoàn công tác đến thăm cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân trên các đảo Len Đao, Sinh Tồn Đông, Đá Tây C, Trường Sa và Nhà giàn DK1/11 (Tư Chính).

anh-1-copy.png

Trước khi thực hiện chuyến hải trình, Đoàn công tác đã dâng hương tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ “Đoàn tàu không số” trong khuôn viên Lữ đoàn 125, quân chủng Hải quân.

Trên tàu, thật sự chúng tôi không thể diễn tả tâm trạng chờ đợi để được đến với các hòn đảo nơi đầu sóng ngọn gió, mà chúng tôi chưa một lần được đặt chân đến, mới chỉ được biết qua các phương tiện truyền thông.

title-1-copy(2).png

Sau 02 ngày lênh đênh trên biển từ cảng Lữ đoàn 125, tàu KN-290 đã đưa chúng tôi đến Đảo Len Đao. Từ xa trên boong tàu, đảo Len Đao xuất hiện hiên ngang giữa biển khơi, như lá chắn thép khẳng định chủ quyền của Tổ quốc.

Trước khi lên đảo, đoàn đã tổ chức lễ viếng các cán bộ chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam anh dũng hy sinh chống lại kẻ thù xâm lược, để bảo vệ chủ quyền biển, đảo thân yêu của Tổ quốc tại vùng biển khu vực Len Đao – Cô Lin – Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa. Lúc này trời đang nắng chang chang, tuy nhiên khi Trưởng đoàn công tác Chuẩn đô đốc Lương Việt Hùng – Phó Tư lệnh quân chủng Hải Quân thắp nén nhang tưởng nhớ các anh, mây kéo đến và trời đổ mưa. Tuy trời mưa to, nhưng tất cả mọi người trong đoàn đều đứng trang nghiêm tưởng niệm các anh. Khi nghe đọc diễn văn tưởng nhớ các anh, mọi người đã lặng đi, rưng rưng nước mắt, cảm phục sự can trường, hy sinh anh dũng của các anh để bảo vệ lãnh thổ, thềm lục địa, chủ quyền của đất nước. Mọi người trong đoàn công tác ai cũng tin rằng, các anh đã về chứng giám cho lòng thành kính của đoàn. Ngoài lễ vật được sắp ở mâm lễ chính, mỗi người trong đoàn cầm nén hương thơm, hoa tươi và hạc giấy gửi vào lòng biển cả, dâng lên các anh, với cầu mong các anh sẽ yên nghỉ và phù hộ, độ trì cho đoàn công tác và đất nước được hoà bình, thịnh vượng và bình an.

Với lòng thành kính biết ơn và tiếc thương vô hạn, toàn thể Đoàn công tác số 9 chúng tôi thầm cảm ơn những người con trung kiên, dũng cảm của đất mẹ Việt Nam đã chiến đấu hy sinh, cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc ta và nguyện mãi tiếp bước lý tưởng của các thế hệ đi trước. Mỗi người dù ở mỗi cương vị khác nhau, nhưng nguyện đem hết sức mình đồng hành với các lực lượng giữ biển, cống hiến nhiều hơn cho sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.

title-2-copy(2).png

Ngay sau lễ tưởng niệm kết thúc, chúng tôi xuống cano đi lên đảo Len Đao. Khoảng cách giữa tàu và đảo cũng phải mất khoảng 500m, sóng biển bồng bềnh, khiến những người lần đầu tiên được đi lên đảo như chúng tôi cũng gặp đôi chút khó khăn, nhưng nhờ sự hướng dẫn, giúp đỡ tận tình của đội tàu nên chúng tôi đã lên đảo an toàn.

Sau khi được nghe báo cáo của chỉ huy đảo, chúng tôi thấy các cán bộ, chiến sĩ nơi đây thật kiên cường, mặc dù đôi lúc còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn, thời tiết khắc nghiệt nhưng các anh vẫn quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Đại uý Bùi Quỳnh Lâm – Chỉ huy trưởng đảo Len Đao chia sẻ: Những năm qua, nhờ sự quan tâm thường xuyên của Đảng, Nhà nước và đồng bào, nhân dân cả nước, đời sống của các cán bộ chiến sĩ nơi đây được đảm bảo tốt nhất, không thiếu thốn thứ gì. Đảo được đầu tư ti vi, loa đài, hệ thống nghe nhạc đẩy đủ. Ngoài ra, Đảo còn được đầu tư các dụng cụ thể thao như bóng bàn, bóng đá, cầu lông… Đó là niềm động viên để các chiến sĩ yên tâm công tác, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, bảo vệ, gìn giữ toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.

anh-3.jpg

Đúng như lời Đại uý Lâm chia sẻ, qua đi thực tế, cơ sở vật chất trên đảo rất khang trang kiên cố, khu thể thao đa năng được đầu tư bài bản, điện nước đầy đủ cho sinh hoạt, ngoài ra đảo còn bố trí khu vực để trồng rau xanh, tăng gia chăn nuôi nhằm cải thiện bữa ăn cho các cán bộ, chiến sĩ.

Do thời gian có hạn, nên đoàn Công tác phải chia tay cán bộ, chiến sĩ trên đảo Len Đao để lên tàu di chuyển đến đảo Sinh Tồn Đông.

anh-11(1).jpg

Theo kế hoạch, tất cả các đại biểu trên tàu sẽ được lên thăm đảo Sinh Tồn Đông, tuy nhiên do điều kiện thời tiết bất lợi, nước xuống nhanh, mưa gió to, sóng lớn nên Ban Chỉ huy tàu thông báo chỉ có trưởng đoàn của các đoàn đại biểu, thủ trưởng, đoàn văn công, báo, đài được xuống cano đi vào đảo. Đoàn công tác của Liên hiệp Hội cũng lên đảo để trao tặng quà cho cán bộ, chiến sĩ trên đảo, ngoài ra, đoàn còn trao tặng cho nhà chùa trên đảo Sinh Tồn Đông 01 cây bồ đề.

anh-4.jpg

Đảo Sinh Tồn Đông được nhà nước quan tâm, đầu tư xây dựng các công trình kiên cố, lắp đặt trang thiết bị đầy đủ, hiện đại. Trung tá Nguyễn Kỳ Hợp – Chỉ huy đảo Sinh Tồn Đông chia sẻ: Những năm qua, được sự quan tâm của đồng bào, chiến sĩ cả nước và cả nước luôn hướng về Trường Sa thân yêu, chúng tôi, những người cán bộ, chiến sĩ đang thực hiện nhiệm vụ canh giữ các đảo tiền tiêu bảo vệ chủ quyền biển đảo đã khắc phục điều kiện khó khăn. Cán bộ, chiến sĩ trên đảo luôn luôn quan tâm, động viên, giúp đỡ lẫn nhau để thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao, đặc biệt là nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, chấp nhận hy sinh để bảo vệ vững chắc chủ quyền, biển, hải đảo, thềm lục địa. Ngoài ra, chúng tôi còn thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn, giúp đỡ ngư dân. Hưởng ứng phong trào Hải quân Nhân dân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi bám biển. Thời gian qua, chúng tôi đã cấp cứu, chữa bệnh cho nhiều ngư dân vào đảo. Các tàu đánh cá các tỉnh Quảng Ngãi, Khánh Hoà... thường xuyên đến khu vực đảo và chúng tôi ủng hộ lương thực, khám và chăm sóc sức khoẻ để đồng bào tiếp tục vươn khơi bám biển. Ngoài ra, cán bộ chiến sĩ trên đảo cũng chủ động được nguồn nước ngọt và rau xanh, tăng gia chăn nuôi để cải thiện bữa ăn.

Tại đảo Đá Tây C, các cán bộ chiến sĩ nơi đây rất cảm động khi nhận được sự quan tâm, động viên của các thủ trưởng, các vị đại biểu trong đoàn công tác. Thiếu tá Nguyễn Văn Lý, chỉ huy đảo Đá Tây A phấn khởi chia sẻ: Được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, cuộc sống của anh em trên đảo ngày càng được cải thiện, vui tươi, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau để cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ. Hằng năm có những đoàn công tác ra thăm đảo như thế này là niềm động viên rất lớn cho cán bộ chiến sĩ trên đảo. Anh em cảm thấy ấm lòng, quyết tâm khắc phục mọi khó khăn về thời tiết và vật chất để bảo vệ toàn vẹn chủ quyền, lãnh thổ, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.

anh-9.jpg

Được Thiếu tá Lý dẫn đi tham quan nơi ăn, chốn ở của cán bộ chiến sĩ trên đảo mới thấy nghị lực phi thường của các anh, mọi khó khăn tưởng như khó vượt qua nhưng không làm các anh nản lòng. Chúng tôi rất ấn tượng khi được chứng kiến các vườn rau xanh mơn mởn trên đảo, anh Lý còn mang 1 quả đu đủ to vừa hái trên cây ra khoe với đoàn công tác, đây là thành quả của cả một quá trình chăm sóc rất kỳ công giữa thời tiết khắc nghiệt. Hơn chục loại rau được cán bộ, chiến sĩ trên đảo trồng, chăm sóc rất xanh tốt.

Chia tay cán bộ, chiến sĩ đảo Đá Tây C, Đoàn tiếp tục hành trình tới đảo Trường Sa Lớn (trái tim của huyện đảo Trường Sa).

anh-10.jpg

Lần đầu tiên được ra thăm đảo Trường Sa, chúng tôi rất ngỡ ngàng trước sự phát triển của đảo: Những công trình được xây dựng với các khối bê tông to lớn vững chãi ôm lấy bờ đất, hệ thống cánh quạt gió rất hiện đại vươn lên đầy sức sống, ẩn dưới những tán lá xanh, màu ngói đỏ nhấp nhô, cả khu đảo nhìn từ xa có dáng dấp của một khu đô thị đặc trưng vùng biển đảo đang trong thời kỳ đầu dựng xây đầy triển vọng. Công trình kiến trúc được xây dựng trên đảo tuy không gây sự chú ý về quy mô và kiểu dáng, nhưng tất cả để lại cho chúng tôi nhiều ấn tượng sâu sắc. Này là Tháp Chủ quyền biên giới hải đảo sừng sững uy nghi giữa đất trời; Kia là Đài tưởng niệm được tạo nên từ những khối đá với nét chạm khắc thật tinh tế; Khu trạm xá với trang thiết bị rất hiện đại đảm bảo việc chăm sóc sức khỏe cho cư dân trên đảo và sẵn sàng ứng cứu mọi ngư dân trong các tình huống khẩn cấp; Trường học được đầu tư xây dựng từ quỹ học bổng Vừ A Dính, dù chỉ vỏn vẹn có 11 em học sinh nhưng ngôi trường với mái ngói tường xanh và luôn rộn ràng tiếng ê a của các em nhỏ. Cư dân trên đảo là những cặp vợ chồng vẫn còn trong độ tuổi thanh xuân, tình nguyện ra đây lập xóm. Khu xóm là những dãy nhà liền kề được xây dựng kiên cố, đường trên đảo với hàng cây bàng thẳng tắp. Họ sống trong ngôi nhà được thiết kế theo lối kiến trúc nông thôn nhưng khá tiện nghi, nhà có 2 gian, gian dành để ở, gian dành để sinh hoạt, tiếp khách và thờ cúng, khu trồng rau và nuôi gia cầm. Khi chúng tôi đến thăm, chủ nhà đã chuẩn bị rất chu đáo trà nước, kẹo bánh, ai cũng hồ hởi ra tận cổng đón khách đến chơi; Bầy trẻ xúm xít, đến chú vện thấy khách lạ cũng quẫy đuôi liên hồi. Cứ thế, những câu chuyện kể về cuộc sống thường nhật, những nếp sinh hoạt xen lẫn nỗi đau đáu về quê nhà làm cho không khí cuộc trò chuyện khi sôi nổi, lúc lại trở nên trầm lắng.

anh-2-copy.png

Điều đặc biệt là trên đảo, dù không quá đông cư dân sinh sống nhưng tín ngưỡng vẫn là một phần không thể thiếu. Ngôi chùa nhỏ được xây dựng ở một nơi rất trang trọng, với vẻ trang nghiêm, trầm mặc ẩn mình sau hàng cây phong ba xanh mướt, tiếng kinh kệ hòa quyện với khói hương trầm mang lại sự bình yên trên đảo đến lạ. Ấn tượng nhất là những gương mặt rám nắng của các chiến sĩ trẻ, nụ cười tươi ẩn chứa bao nỗi niềm: “Cuộc sống ngoài này đủ đầy lắm anh chị ơi, ngoài các ca trực, chúng em được tham gia nhiều hoạt động thể thao, văn nghệ, phong ba bão táp không làm chúng em sờn chí”. Lời tâm sự bộc bạch rất chân thành của một chiến sĩ với chúng tôi.

anh-6-copy.png

Kết thúc chuyến thăm cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên đảo Trường Sa bằng buổi biểu diễn văn nghệ do đoàn văn công Quân khu 7 thực hiện, những bài hát ca ngợi người lính, biển đảo quên hương được các ca sĩ thể hiện đã để lại nhiều cảm xúc sâu sắc cho cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên đảo. Lúc chia tay là lúc bịn rịn nhất, thực sự mọi người muốn ở lại lâu hơn để có thể gặp gỡ, chia sẻ với cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên đảo nhiều hơn. Tất cả cán bộ, chiến sĩ, nhân dân và các cháu nhỏ trên đảo đều ra cầu tầu để vẫy tay chào tạm biệt đoàn công tác. Những bài hát: Nối vòng tay lớn; Khúc quân ca Trường Sa; Bác đang cùng chúng cháu hành quân; Lướt sóng ra khơi… do hơn 300 đại biểu trên tàu KN-290 đồng thanh hát trên boong tàu để chia tay cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên đảo. Giây phút này thực sự rất cảm động, đã có nhiều giọt nước mắt lăn trên má và khoé mắt của các đại biểu, nhiều người thầm nghĩ không biết bao giờ mới có điều kiện được quay lại nơi đây.

Tàu KN-290 tiếp tục xuyên đêm để đưa Đoàn công tác đến thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ tại Nhà giàn DK1/11, đây là điểm cuối cùng của Hải trình mà đoàn đến thăm.

anh-5.jpg

Tới Nhà giàn DK1/11, chúng tôi đã chứng kiến cuộc sống sinh hoạt của chiến sĩ, bắt gặp những hình ảnh rất đời thường, thật bình dị. Đó là những chậu rau cải, rau muống, rau diếp cá, rau ngót, rau mồng tơi xanh mướt; Những con gà, con vịt được bàn tay cán bộ, chiến sĩ chăm, nuôi. Đó là sổ tay chép bài hát cùng cây đàn ghi ta của anh lính trẻ. Những hình ảnh này gợi cho chúng tôi nhiều xúc động, cảm phục trước tinh thần mạnh mẽ, lạc quan, yêu đời của chiến sĩ trên nhà giàn trước muôn trùng sóng gió.

anh-7.jpg

Nhà giàn DK1 nay được đầu tư lắp đặt kiên cố, vững chãi hơn các nhà giàn ngày trước rất nhiều, cuộc sống của các cán bộ, chiến sĩ cũng cải thiện hơn cả về vật chất lẫn tinh thần. Ở đảo xa, cán bộ, chiến sĩ đã có thể gọi điện thoại về nhà để nghe tiếng vợ con, được chia sẻ niềm vui, nỗi buồn với người thân yêu của mình, thay cho những lá thư cả tháng mới tới như ngày trước. Mong những niềm vui nhỏ ấy sẽ góp thêm động lực cho các anh tiếp tục chân cứng đá mềm nơi biển đảo.

anh-8-copy(1).png

Tạm biệt nhà giàn, khi tàu đã rời đi, chúng tôi vẫn dõi nhìn hình ảnh Nhà giàn DK1/11 sừng sững giữa đại dương. Dòng chữ “Nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam” trên nóc nhà giàn như khắc vào tâm trí. Nhà giàn DK1 và các nhà giàn đang hiện diện giữa muôn trùng sóng gió chính là những cột mốc chủ quyền mang hồn thiêng đất nước, nhắc nhở mỗi chúng ta về tình yêu và trách nhiệm đối với biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. (còn nữa)...

line-copy.png
chan-trang-copy.png
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hải trình Trường Sa (Kỳ 2): Mang tình yêu thương đến với Trường Sa, Nhà giàn DK1