Hạn, mặn đe dọa việc sản xuất vụ Đông Xuân

Mai Anh (T/h)|12/10/2019 01:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh, lũ xuống nhanh báo hiệu nguy cơ thiếu nước và hạn mặn ảnh hưởng đến sản xuất vụ ĐX 2019-2020.

Ngày 11/10, Bộ NN&PTNT đã chủ trì tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch và giải pháp sản xuất Đông Xuân 2019 – 2020 tại các tỉnh phía Nam ở Tiền Giang.

Hạn mặn sẽ nghiêm trọng

Thay vì Cục Trồng trọt báo cáo tình hình chung như thông lệ, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh đã đề nghị hội nghị lần này chú trọng ngay từ đầu tình hình khí tượng, thủy văn vụ Thu – Đông vừa qua, và dự báo tác động của hạn mặn cho vụ mới.

Sản xuất vụ ĐX 2019-2020 có nguy cơ bị hạn, mặn đe dọa

Ông Nguyễn Kiệt – Trưởng phòng Dự báo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ cho biết, mùa khô năm nay, miền Nam hầu như không có mưa trái mùa, lượng mưa không đều trên toàn khu vực.

Nắng nóng không kéo dài trên diện rộng, nền nhiệt độ trung bình cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN). Mực nước đầu nguồn sông Cửu Long trong những tháng đầu năm ở mức cao hơn TBNN.

Sang những ngày cuối tháng 6 và tháng 7, do mưa ít, cộng với việc vận hành của các hồ đập trên lưu vực, mực nước sông Mê Kông xuống mức thấp kỷ lục. Ở khu vực trung, hạ Lào và Campuchia, mực nước xuống thấp đạt các giá trị lịch sử.

Theo quy luật nhiều năm, từ khoảng giữa tháng 6, dòng chảy sông Mê Kông bắt đầu tăng mạnh. Từ cuối tháng 7 đến nay, do các đợt mưa trên lưu vực, mực nước có tăng lên nhưng ở vùng trung và thượng lưu sông Mê Kông, dòng chảy đều duy trì ở mức rất thấp. Tổng lượng dòng chảy trên dòng chính sông Mê Kông từ đầu mùa lũ thấp hơn từ 20 – 25% so với TBNN cùng kỳ.

Dung tích trữ nước từ Biển Hồ (Campuchia) – yếu tố ảnh hưởng lớn đến nguy cơ xâm nhập mặn ở ĐBSCL trong mùa khô – đến nay đạt gần 38 tỷ m3, thấp hơn TBNN cùng kỳ là 13 tỷ m3.

Cùng với hiện tượng ENSO đã chuyển sang trạng thái trung tính từ tháng 8/2019 và kéo dài đến đầu năm 2020 nhưng nghiêng về pha nóng, ông Kiệt dự kiến tình hình sản xuất và dân sinh sẽ chịu nhiều ảnh hưởng.

Tại các vùng chuyên canh tác lúa, với khả năng cấp nước hiện có của các công trình thùy lợi và ở thời điểm cao nhất, xâm nhập mặn khả năng ảnh hưởng đến 5 tỉnh ven biển với tổng diện tích canh tác nông nghiệp khỏang 102.000 ha.

Đối với vùng canh tác lúa – tôm ở những nơi xa nguồn nước mặt sông Mê Kông, nếu mưa khu vực kết thúc sớm, dự báo khả năng thiếu nước ngọt cho khoáng 115.800 ha.

Sản xuất vụ Đông Xuân gặp nhiều khó khăn

Mùa mưa năm 2019 xuất hiện rất muộn trên lưu vực sông Mê Công, lượng mưa bị thiếu hụt từ đầu năm đến khoảng giữa tháng 8/2019, nhưng từ cuối tháng 8/2019 đến nay đã được cải thiện đáng kể do ảnh hưởng của các cơn bão số 3, 4 trên biển Đông, làm dòng chảy sông Mê Kông về ĐBSCL tăng nhanh. Tuy vậy, tổng lượng dòng chảy vẫn ở mức thấp và có khả năng xảy ra xâm nhập mặn cao hơn so với trung bình nhiều năm TBNN, nguy cơ ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và dân sinh ở ĐBSCL.

Đỉnh lũ năm ở đầu nguồn sông Cửu Long khả năng đạt trên mức BĐ1. Thời gian xuất hiện mực nước đỉnh lũ xảy ra vào cuối tháng 9 và nửa đầu tháng 10/2019.

Sản xuất vụ Đông Xuân gặp nhiều khó khăn do thời tiết, thiên tai và xâm nhập mặn, Ảnh minh họa

Tình hình khí tượng thủy văn trên lưu vực sông Mê Công, vùng ĐBSCL còn diễn biến phức tạp. Nhận định đỉnh lũ năm ở đầu nguồn sông Cửu Long thấp hơn TBNN, nguy cơ về xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2019- 2020 vẫn ở mức cao.

Ông Tăng Văn Thắng, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam cho biết: Theo nhận định của Tổng cục Khí tượng thủy văn và của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam – Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, xâm nhập mặn mùa khô năm 2019-2020 ở mức sớm và nặng hơn so với trung bình nhiều năm, nhưng nhẹ hơn so với năm xâm nhập mặn lịch sử 2015-2016. Mặn có khả năng xuất hiện sớm hơn so với năm 2019 khoảng 10-15 ngày, so TBNN khoảng 1-2 tháng (tùy vùng).

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt khuyến cáo các địa phương cần cứ vào thực tế sản xuất vụ Thu Đông năm 2019 và việc sắp xếp thời vụ sản xuất lúa của năm 2020. Cũng như thời gian cung cấp nước ngọt, lượng nước có khả năng phục vụ tưới cho sản xuất lúa.

Theo đó, các địa phương chỉ nên bố trí sản xuất lúa Đông Xuân 2019-2020 ở những vùng còn đủ 3 tháng cung cấp nước ngọt, tối thiểu phải đủ 2,5 tháng nước ngọt cho đến lúc lúa ngậm sữa. Phải có đủ nước ngọt cung cấp cho lúa vào gia đoạn cuối, tối thiểu 1 nghìn m3 nước ngọt/ha từ giai đoạn trổ đến chín.

Bố trí xuống giống lúa cách khoảng giữa các vùng sử dụng chung nguồn nước từ kênh trục: Vùng tứ giác Long Xuyên: An Giang – Kiên Giang; Vùng Quản lộ – Phụng Hiệp: Hậu Giang – Sóc Trăng – Bạc Liêu; Vùng Bảo Định: Long An – Tiền Giang; Vùng Nam Măng Thít: Vĩnh Long – Trà Vinh.

Bên cạnh đó, cần căn cứ vào dự báo tình hình phát sinh, phát triển của các loại dịch hại ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất lúa để bố trí lịch thời vụ cho phù hợp.

Theo thông báo các đợt rầy nâu di trú của cục BVTV và việc bố trí xuống giống tập trung né rầy vào các khoảng thời gian: Đợt 1: 18/10 – 28/10 (20/9 – 01/10 ÂL , Đợt 2: 17/11 – 27/11 (21/10 – 02/11 ÂL , Đợt 3: 20/12 – 30/12 (25/11 – 05/12 ÂL ; theo đó đợt 1 trùng với con nước kém vùng ven biển, lịch xuống giống hài hòa giữa nguồn nước và lịch di trú rầy, đợt 2 và 3 có khoảng thời gian nước rong do vậy lưu ý tình hình triều để xuống giống kết hợp với các biện pháp quản lý rầy nâu đầu vụ lúa.

Kế hoạch vụ ĐX 2019-2020 Nam Bộ sẽ xuống giống khoảng 1,55 triệu ha. Cục Trồng trọt đề nghị giảm khoảng 54,5 nghìn ha lúa ĐX để tránh bị hạn mặn ảnh hưởng. Tuy nhiên, nhiều địa phương được dự báo có hạn mặn ảnh hưởng vẫn đề xuất không giảm diện tích gieo sạ. Như tại Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu các tỉnh báo cáo đã chủ động tuyên truyền người dân phòng chống hạn, mặn. Bên cạnh đó, các tỉnh cũng thực hiện nhiều giải pháp chủ động dự trữ nước, phóng chống xâm nhập mặn phục vụ sản xuất.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhận định: Lũ xuống nhanh, nguy cơ hạn mặn cũng đã báo hiệu. Đề nghị các tỉnh phải có giải pháp hạn chế thiệt hại do hạn mặn trên cơ sở kinh nghiệm năm 2016. Đối với hai phương án gieo sạ của Cục Trồng trọt đề xuất, cần rà soát lại kỹ càng từng phương án để tránh thiệt hại.

Mai Anh (T/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hạn, mặn đe dọa việc sản xuất vụ Đông Xuân