Hạn mặn khốc liệt ở ĐBSCL - Bài 3: Những giải pháp tình thế

Lam Trinh |23/04/2024 18:05
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Xâm nhập mặn ở ĐBSCL vào mùa khô đã trở thành đặc tính của vùng, năm nào cũng xảy ra.  Để gỡ khó cho người dân vùng hạn mặn, các tỉnh, thành phố trong vùng đã thực hiện một số biện pháp như cơ cấu lại giống cây trồng, thay đổi thời gian sản xuất, ngăn mặn, trữ ngọt,… Tuy chỉ là giải pháp tình thế song bước đầu có tín hiệu tích cực.

Đảm bảo đủ nước sinh hoạt vì lên phương án, kịch bản từ sớm

Là một trong 8 tỉnh chịu ảnh hưởng nặng về hạn mặn song nhờ chủ động thực hiện nhiều giải pháp từ đầu năm nên khi thời tiết khô hạn, xâm nhập mặn cao điểm, Trà Vinh vẫn đảm bảo cung cấp đủ nguồn nước sạch sinh hoạt cho người dân nông thôn trong tỉnh.

Ông Bùi Văn Mừng, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Trà Vinh, cho biết đơn vị thường xuyên cập nhật dự báo từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia về diễn biến thời tiết khô hạn, xâm nhập mặn của mùa khô năm 2024, từ đó chủ động triển khai các giải pháp trữ nguồn nước ngọt và nâng cao năng lực toàn bộ hệ thống trạm cấp nước sạch sinh hoạt khu vực vùng nông thôn, đặc biệt là đối với các khu vực dân cư xa nguồn cung cấp nước sạch sinh hoạt.

13-travinh.png
Kiểm tra đường ống nước tại Nhà máy nước Long Vĩnh tại huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh

“Toàn tỉnh có 112 công trình trạm cấp nước sạch sinh hoạt với hơn 4,6 triệu mét ống dẫn nước do Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh quản lý. Để đảm bảo cho người dân nông thôn không thiếu nguồn nước sạch sinh hoạt trước thời tiết cực đoan, ngay từ cuối năm 2023, đơn vị xây dựng kế hoạch và hoàn thành nhanh việc nâng cao công suất, năng lực cung cấp nước”, ông Mừng cho biết.

Theo ông Mừng thì ngay từ đầu năm, đơn vị đã duy tu, sửa chữa xong 12 trạm cấp nước để đảm bảo phục vụ đúng công suất thiết kế; mở rộng hơn 116km đường ống dẫn có đường kính các loại, với nguồn kinh phí đầu tư gần 6,8 tỷ đồng; nâng cấp công suất lọc của 3 trạm cấp nước nhỏ tăng lên mức 1.200m3/ngày/đêm; nâng cấp đường kính hệ thống ống một số khu vực có áp lực cung cấp nước yếu, để đảm bảo lưu lượng.

Đối với các trạm cấp nước sạch sinh hoạt vùng nông thôn sử dụng nguồn nước mặt (nước sông) xử lý để cung cấp nằm trên địa bàn thuộc huyện Càng Long, xã Nguyệt Hóa (huyện Châu Thành), xã Long Đức (thành phố Trà Vinh), Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tăng cường nhân viên quản lý trạm theo dõi chặt chẽ diễn biến độ mặn trên nhánh sông Cổ Chiên để bơm nước ngọt dự trữ, vận hành hợp lý việc cung cấp nước sinh hoạt cho người dân.

Nhờ chủ động thực hiện nhiều giải pháp nên khi thời tiết khô hạn, xâm nhập mặn cao điểm, đơn vị hoàn thành đúng theo kế hoạch, đảm bảo cung cấp đủ nguồn nước sạch sinh hoạt cho người dân nông thôn trong tỉnh.

Trong sản xuất nông nghiệp, tỉnh Trà Vinh cũng khuyến cáo người dân không canh tác lúa theo phương pháp “trầm thủy” như trước đây mà ứng dụng “tưới ngập, khô xen kẽ” vừa phù hợp với từng chu kỳ sinh trưởng của lúa, vừa đem lại hiệu quả sử dụng nguồn nước mà còn góp phần nâng cao ý thức cộng đồng trong sản xuất giảm phát thải thấp.

Với khu vực động cát, triền giồng như Huyền Đức, Bào Mốt, Sóc Mới, Ô Răng…địa chất chỉ phù hợp với trồng màu, chính quyền địa phương khuyến khích người dân sử dụng giếng khoan ở tầng thấp (độ sâu từ 07 - 10m) vừa đủ nước sử dụng vừa tránh nguy cơ sụt lún đất.

Ngoài ra, tỉnh Trà Vinh còn triển khai dự án hạ tầng hồ chứa nước ngọt dọc bờ sông Láng Thé nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước tại các huyện Châu Thành, Càng Long và thành phố Trà Vinh.

Cũng nhằm đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân vùng hạn mặn trong thời điểm tại ĐBSCL liên tiếp xảy ra các đợt xâm nhập mặn và nắng nóng kéo dài, tỉnh Vĩnh Long đã có một số giải pháp phù hợp với từng khu vực, đảm bảo cho người dân có nguồn nước an toàn cho sinh hoạt trong mùa hạn, mặn.

Theo khảo sát của các đơn vị cấp nước nông thôn tại Vĩnh Long cho thấy, nguồn nước thô (nước mặt) ở một số trạm cấp nước biến động đáng kể trong đó phát sinh ô nhiễm vật chất hữu cơ, nước xả từ trên đồng ruộng đổ vào kinh nội đồng rồi đổ ra các sông, rạch lớn, làm cho nước có độ màu cao hơn tiêu chuẩn cho phép, việc này tác động tiêu cực đến chất lượng nước sau xử lý của các trạm cấp nước nông thôn. Ở các huyện thường xuyên bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn như Vũng Liêm, Trà Ôn, mặc dù ở các xã đều có trạm, liên trạm cấp nước sinh hoạt, nhưng khi nguồn nước máy bị nhiễm mặn cục bộ trong khoảng thời gian do nước sông, bị nhiễm mặn, thì nhiều hộ quay sang sử dụng nước ngầm từ những giếng đơn lẻ.

Để đảm bảo cho người dân có nước sinh hoạt và cũng là nhằm giảm nguy cơ dẫn đến sụt lún đất, xâm nhập mặn… và các hệ lụy khác từ việc sử dụng nước ngầm không kiểm soát, chính quyền các huyện bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn đã theo dõi sát dự báo thời tiết của trung tâm khí tượng thủy văn, quan sát sự lên xuống của thủy triều để thông báo cho người dân thực hiện khai thác nước mặt, lấy nước theo thủy triều và thực hiện trữ nước ngọt trong hệ thống kinh, rạch, ao, hồ, bể, bạt..

Đối với các địa phương có nguồn nước ngầm, nước mặt đều bị nhiễm mặn, thì xây dựng công trình cấp nước tập trung quy mô lớn khai thác nước mặt từ xa cấp cho cả đô thị và nông thôn, cấp liên huyện, liên xã. Nguồn nước và vị trí lấy nước lựa chọn trên các sông chính có chất lượng tốt, quanh năm không bị nhiễm mặn.

Đối với những vùng có nguồn nước mặt chất lượng tốt thì ưu tiên khai thác nguồn nước mặt cấp nước tập trung quy mô vừa và lớn, gìn giữ nguồn nước ngầm; tăng cường cấp nước tập trung lấy nước từ xa cấp nước liên xã liên vùng; phát triển cấp nước hộ gia đình đối với khu dân cư ở phân tán; và tăng cường thu trữ và điều hòa nước ngọt đảm bảo cấp nước trong mùa khô khi nguồn nước bị nhiễm mặn.

Đối với các trạm cấp nước thuộc vùng bị ảnh hưởng biến đổi khí hậu- xâm nhập mặn vào mùa khô do điều kiện địa lý không thể hỗ trợ cung cấp nước từ các trạm cấp nước liên xã, liên vùng được như các xã cù lao Dài (Vũng Liêm), cù lao Mây (Trà Ôn), cù lao Minh (Long Hồ)... thì áp dụng giải pháp hồ chứa dự trữ nước ngọt (nước thô cho trạm cấp nước) hoặc mô hình xử lý nước mặn bằng công nghệ xử lý thẩm thấu ngược (RO) cho trạm cấp nước để cấp nước sạch cho cụm dân cư, hoặc thiết bị lọc nước mặn (hộ gia đình) cung cấp nước ăn uống cho hộ dân cư nông thôn sống phân tán. Các thiết bị lọc nước quy mô hộ và cụm hộ gia đình phù hợp với các nguồn nước vùng nông thôn.

20-nc-tra-vinh.png
Để phát huy hiệu quả nguồn nước ngọt trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt trên cây lúa trước tình hình BĐKH, khô hạn, mặn xâm nhập… ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh khuyến cáo người sản xuất lúa ứng dụng phương pháp “tưới ngập, khô xen kẽ”

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long, hiện trên địa bàn các xã cù lao trong tỉnh có 11 máy lọc nước mặn thành nước ngọt, xử lý nước mặn bằng công nghệ xử lý thẩm thấu ngược (RO) có công suất cấp 300-1.000 lít/giờ/máy, được các tổ chức trong và ngoài tỉnh hỗ trợ từ sau năm hạn mặn kỷ lục 2016, 2020. Nước ngọt sau xử lý cấp miễn phí cho dân theo kiểu “máy ATM”.

Còn thiết bị lọc nước hộ gia đình có thể xử lý đối với nguồn nước đầu vào là nước mặt, nước ngầm và nước mưa. Việc sử dụng thiết bị lọc nước tại các hộ gia đình góp phần chủ động về mặt cấp nước sạch cho sinh hoạt, mang lại nhiều lợi ích về sức khỏe, giảm áp lực lên các công trình cấp nước tập trung.

Ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn trong mùa khô 2024, tỉnh Bạc Liêu đã chủ động triển khai các giải pháp đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho người dân.

Theo đó, tỉnh đã chủ động xây dựng 3 kịch bản phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn với 3 cấp độ khác nhau đồng thời, cơ cấu lại lịch mùa vụ, vận hành điều tiết nước phục vụ sản xuất lúa và nuôi tôm đối với từng vùng sản xuất.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu, vụ lúa Đông Xuân năm 2023 - 2024, tỉnh Bạc Liêu xuống giống hơn 45.000 ha, tập trung tại các huyện Vĩnh Lợi, Hồng Dân, Phước Long và thị xã Giá Rai. Đến thời điểm này nước ngọt cơ bản đủ phục vụ cho sản xuất vụ lúa Đông Xuân và nước mặn đủ phục vụ cho nuôi trồng thủy sản.

Để đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất cho người dân, từ trước Tết Nguyên đán ngành chức năng đã cho mở toàn bộ hệ thống cống từ Giá Rai đến Láng Trâm (sổ nước một chiều) nhằm rút nước mặn ra biển Đông để lấy nước ngọt về. Đồng thời, cho mở cống Âu thuyền Ninh Quới làm mực nước dâng lên từ 20 – 30 cm để bà con nông dân bơm nước về ruộng.

Đối với vùng ngọt, do tỉnh Sóc Trăng xuống giống vụ lúa Hè Thu (từ đầu đến giữa tháng 4) sẽ bơm nước vào ruộng nhiều nên người dân cần tranh thủ bơm nước không trùng lấp với tỉnh Sóc Trăng vì sẽ làm lượng nước chảy về không kịp…

Bên cạnh các giải pháp về nguồn nước phục vụ sản xuất, tỉnh Bạc Liêu còn thực hiện nhiều phương án nhằm đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho người dân như kiểm tra an toàn, duy tu sửa chữa, nâng cấp, đấu nối hòa mạng, kéo dài mở rộng tuyến ống và khoan bổ sung giếng nước bảo đảm vận hành 115 hệ thống cấp nước tập trung bền vững, phục vụ 82.080 hộ dân và một số cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, tỉnh Bạc Liêu cũng thực hiện thi công xây dựng mới các công trình cấp nước sạch tập trung theo kế hoạch và tiếp tục triển khai các dự án đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025, ưu tiên đầu tư công trình ở những khu vực được đánh giá khó khăn về nước sạch, những xã tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch thấp…Đặc biệt là đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng để mọi người dân nắm rõ diễn biến thời tiết trong mùa khô, từ đó chủ động phòng tránh các tác hại đến sản xuất và đời sống, chủ động ứng phó với hạn hán và xâm nhập mặn, hạn chế đến mức thấp nhất các thiệt hại có thể xảy ra.

Cấp miễn phí, giảm giá nước để chia sẻ với bà con

Tại tỉnh Tiền Giang, do nắng nóng kéo dài khiến một số khu vực cuối nguồn các huyện Gò Công Đông, Gò Công Tây, Tân Phú Đông và thị xã Gò Công thiếu nước. Tính đến thời điểm này, Công ty TNHH MTV Cấp nước tỉnh Tiền Giang đã mở 114 vòi nước công cộng, cung cấp nước miễn phí cho người dân khu vực này.

8-nc-tien-giang.jpg
Tính đến thời điểm này, tỉnh Tiền Giang đã mở 114 vòi nước công cộng, cung cấp nước miễn phí cho người dân khu vực thiếu nước  các huyện Gò Công Đông, Gò Công Tây, Tân Phú Đông và thị xã Gò Công

Ngoài các vòi nước “ATM”, đơn vị còn vận chuyển các bồn chứa nước cấp nước miễn phí cho Nhân dân tại một số khu vực thiếu nước cuối nguồn (40 điểm). Hiện đơn vị đã và đang phối hợp với UBND các huyện, thị phía Đông tiếp tục mở vòi nước công cộng tại các khu vực khó khăn về nguồn nước để phục vụ nước sinh hoạt cho người dân. Trong thời gian tới, nếu tình hình hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài Công ty sẽ thực hiện cấp nước theo ngày, theo khu vực để đáp ứng nhu cầu sử dụng nước cho người dân. Ngoài ra, những ngày qua, các nhà hảo tâm cũng vận chuyển nước miễn phí về địa bàn một số xã cung cấp cho người dân.

Theo Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang, đơn vị đã có phương án mở 114 vòi nước công cộng, cung cấp nước miễn phí cho người dân các huyện, thị xã phía Đông dự kiến đến ngày 15/5/2024, trong đó huyện Gò Công Đông mở 81 vòi, huyện Tân Phú Đông mở 7 vòi, huyện Gò Công Tây mở 11 vòi, thị xã Gò Công mở 15 vòi.

Đến nay, lượng nước cấp qua các vòi nước công cộng phục vụ nhân dân lên đến hàng chục nghìn mét khối.

Còn tại tỉnh Long An, nhiều chuyến xe chở nước miễn phí của các tổ chức từ thiện xã hội và quân đội đã đến với bà con vùng hạ của tỉnh.

Thông tin về tình hình thiếu nước trong mùa khô 2024, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An Nguyễn Thanh Truyền cho biết: khoảng 5.000 hộ dân, chủ yếu ở các xã vùng hạ thiếu nước sinh hoạt trong đó chủ yếu ở 5 xã của huyện Cần Giuộc. Nguyên nhân do nguồn nước mặt không đủ để Công ty Cổ phần Nước Biwase - Long An hoạt động.

Trước tình trạng nắng nóng tiếp tục kéo dài, làm cạn kiệt nguồn nước tưới phục vụ sản xuất cũng như nước sinh hoạt, chính quyền các địa phương đã chủ động triển khai nhiều giải pháp cấp bách, giải quyết tình trạng thiếu nước phục vụ sinh hoạt cho người dân như liên hệ với các đơn vị cấp nước để điều tiết nước về vùng thiếu, tổ chức chở nước đến cấp cho những hộ ở vùng sâu,…. Nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân đã mang nguồn nước ngọt về giúp đỡ cho bà con. Trong đó phải kể đến sự tham gia của lực lượng vũ trang tỉnh Long An, đoàn thanh niên tỉnh và các đội tình nguyện như nhóm Bạn hữu đường xa “Tân An Long An”, Bạn hữu đường xa “Châu Thành Long An” và Team R-H cùng các nhà hảo tâm thực hiện chương trình “Giọt nước nghĩa tình” tại huyện Cần Giuộc.

Tại tỉnh Bến Tre, theo ghi nhận của Sở Nông nghiệp nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, do nước mặn đã xâm nhập sâu vào đất liền khoảng 70 km, các cửa sông đều có độ mặn cao, gây thiếu nước phục vụ sản xuất cây giống, cây ăn trái với diện tích khoảng 4.000 ha của huyện Chợ Lách và ảnh hưởng đến nguồn lấy nước của các nhà máy làm khoảng 25.000 hộ dân trên địa bàn có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt.

Để giúp người dân thích ứng trong sản xuất và sinh hoạt, tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chia sẻ thông tin về tình hình nguồn nước, xâm nhập mặn trên báo, đài, cổng thông tin của tỉnh, mạng xã hội như Zalo, Facebook,.. xây dựng tài liệu khuyến cáo và phổ biến rộng rãi để người dân kịp thời nắm bắt các thông tin. Đồng thời giảm 10% giá tiêu thụ nước sạch cho tất cả mục đích sử dụng nước của khách hàng trong thời gian 2 tháng.

Các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh nước sinh hoạt trên địa bàn cũng nỗ lực tìm nguồn nước ngọt cấp bổ cho dân như dùng sà lan vận chuyển hàng ngàn mét khối nước ngọt từ thượng nguồn sông Tiền; tăng cường hoạt động các nhà máy có hệ thống lọc RO; trao đổi với các nhà máy có nước ngọt,…để người dân có đủ nước ngọt sinh hoạt.

Ngoài ra, tỉnh còn tăng cường đào tạo, tập huấn kỹ thuật hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp cho nông dân và tuyên truyền các mô hình trữ nước ngọt trong thời gian qua để giúp người dân nâng cao năng lực thích ứng với xâm nhập mặn.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn GS.TS Vũ Trọng Hồng cho rằng, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino và tình trạng gia tăng khai thác nước ở thượng nguồn sông Mê Công, trong khi Việt Nam nằm ở hạ du dẫn đến việc nguồn nước về Đồng bằng sông Cửu Long thiếu hụt. Bên cạnh đó, tổng lượng mưa mùa khô năm nay thấp hơn trung bình nhiều năm, nhiều nơi cả tháng không có mưa như tại các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bạc Liêu, khiến cho tình trạng xâm nhập mặn tiến sâu vào đất liền hơn (tại Bến Tre là hơn 70km).

gs.ts-vu-trong-hong-nguyen-thu-truong-bo-nn-ptnt.jpg
GS.TS Vũ Trọng Hồng - nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Đề cập đến những thiệt hại do hạn mặn gây ra, Phó Cục trưởng Cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lương Văn Anh cho biết mặc dù mùa khô năm nay, tại các cửa sông, xâm nhập mặn vào sâu hơn trung bình nhiều năm nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với 2 năm cao điểm ( năm 2015 và năm 2019).

“Hiện toàn vùng ĐBSCL có khoảng 300 ha lúa bị ảnh hưởng xâm nhập mặn, có nguy cơ giảm năng suất; trong đó, Sóc Trăng khoảng 250 ha, Bến Tre có 50 ha. Ngoài ra, đã có 43 ha lúa tại tỉnh Sóc Trăng bị mất trắng. Tuy nhiên, đây là các diện tích người dân xuống giống tự phát, không theo khuyến cáo khoanh vùng sản xuất an toàn”, ông Lương Văn Anh cho biết.

Theo ông Văn Anh thì ngoài ảnh hưởng của hiện tượng El Nino và xâm nhập mặn đến sản xuất lúa, cây ăn trái, nước sinh hoạt của người dân thì việc người dân chủ quan trong tích trữ nước sinh hoạt, không tuân thủ theo khuyến cáo của cơ quan chức năng đã làm tăng số hộ dân thiếu nước sinh hoạt.

“Trong tháng 4, có 2 đợt xâm nhập mặn từ ngày 7 - 11/4 và ngày 23 - 27/4. Cơ quan chức năng đã khuyến cáo các đơn vị quản lý vận hành khai thác nhà máy nước phải vận hành tích trữ nước trước mỗi lần cao điểm xâm nhập mặn. Đồng thời, khuyến cáo người dân chủ động tích trữ để sử dụng trong những ngày cao điểm đó. Trong đợt xâm nhập mặn tháng 4, nếu tuân thủ khuyến cáo thì số hộ bị thiếu nước sinh hoạt cũng sẽ giảm”, ông Lương Văn Anh cho hay.

Được biết các tỉnh vùng ĐBSCL đều đang rất nỗ lực tìm mọi biện pháp nhằm đảm bảo người dân có nước sinh hoạt sử dụng. Nhiều sáng kiến hay, giải pháp hữu hiệu đã cho kết quả khả quan. Tuy nhiên, đó mới chỉ là giải pháp mang tính tình thế, khi mà những năm gần đây việc xâm nhập mặn đã làm thay đổi quy luật, gây khó khăn lớn cho công tác dự báo, dẫn đến bị động trong việc điều tiết nguồn nước. Xu hướng vẫn là cần phải có một giải pháp căn cơ, đồng bộ để công tác vận hành công trình thủy lợi, điều tiết nguồn nước được tốt hơn, từ đó công tác cơ cấu sản xuất, nuôi trồng thủy sản đỡ bị động.

Bài liên quan
  • Tiền Giang không để dân khát, thiếu nước trong kỳ hạn mặn
    Để giúp người dân vùng cù lao, vùng ven biển tỉnh Tiền Giang đang 'khát nước', những ngày này, các cấp chính quyền, ngành chức năng, tổ chức xã hội, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh đang tập trung vận chuyển nước, đưa nước ngọt về cho người dân vượt qua kỳ hạn mặn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hạn mặn khốc liệt ở ĐBSCL - Bài 3: Những giải pháp tình thế