(Moitruong.net.vn) – Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: Hăng hái làm điện than, Việt Nam đi ngược với thế giới về phát triển bền vững, bảo vệ môi trường.
Không đồng tình việc cơ quan thống kê không báo cáo được các chỉ tiêu phát triển bền vững ở nhiều bộ ngành; thừa nhận thực tế phát triển bền vững đang đi sau, chạy theo các kế hoạch phát triển ngắn hạn, trung hạn, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan dẫn ví dụ về nhiệt điện than tại Việt Nam.
Hiện Việt Nam có hơn 20.000 quy hoạch, tuy nhiên, nhiều quy hoạch vẫn chưa xét đến phát triển bền vững, chưa đưa lồng ghép bền vững vào phát triển. Do đó, theo bà Lan, cái nào không có yếu tố bền vững, không phù hợp với phát triển bền vững thì phải kiên quyết cắt đi.
Bà Lan dẫn ví dụ trong tổng sơ đồ điện 6 và điện 7, điện than đang chiếm 45% nguồn điện Việt Nam. Điều này khiến Việt Nam đang đi ngược thế giới khi các nước đang tập trung phát triển năng lượng tái tạo và đây đang là xu hướng thế giới với chi phí và giá thành điện tái tạo đang giảm. “Tại sao Việt Nam lại “khăng khăng” phát triển điện than?”, bà Lan đặt câu hỏi.
Theo bà Lan, đối với Việt Nam, phát triển bền vững là vấn đề hiện hữu và tác động của phát triển thiếu bền vững đã không còn là vấn đề của tương lai. Năm 2016, mối họa môi trường từ Formosa, vấn đề thiếu nước, hạn mặn của Đồng bằng Sông Cửu Long… cho thấy đã đến lúc không thể chần chừ được nữa và đã đến lúc cần bàn tay kiên quyết của Chính phủ.
Bà Lan cho rằng: “Nếu tiếp tục cho phát triển điện than thì không lâu, nó sẽ gây hậu quả lớn. Người dân đang rất lo lắng nhưng dường như Nhà nước đang bỏ qua”.
Tại điểm số 5 trong báo cáo chỉ tiêu Phát triển bền vững mà Tổng cục Thống kê thông báo, có nói rõ các chỉ tiêu phát triển bền vững chưa thể áp dụng được ở trong các lĩnh vực: Bảo vệ tài nguyên, môi trường, nông nghiệp và nông thôn. “Tôi giật mình bởi đây là các lĩnh vực nổi cộm về phát triển thiếu bền vững và nhiều hiểm họa môi trường xảy ra”, bà Lan nói.
Theo chuyên gia Lan, các vấn đề môi trường đã và đang có những tác hại vô cùng to lớn. Các chi phí về sửa chữa tác hại còn lớn hơn rất nhiều so với chi phí hiện nay chúng ta đưa ra. Tuy nhiên, ngay trong cơ chế quản lý và thực tế, Việt Nam đang có nhiều thách thức.
“Ngay cả ở chỉ đạo, Bộ ngành và Chính phủ vẫn yêu cầu mục tiêu tăng trưởng phải bằng con số trong ngắn hạn. Tuy nhiên, nếu không đặt vấn đề để tăng trưởng dài hạn thì không thể bền vững được”, bà Lan nói
Chuyên gia Lan nói thêm: “Chúng ta cái gì cũng nói công việc của hệ thống, ngay các chỉ tiêu phát triển bền vững hiện nay cũng là nhiệm vụ của 22 bộ ngành. Nhưng khi phân chia ra thì cũng không phân rõ trách nhiệm giải trình và phân chia trách nhiệm thực hiện. Điều này sẽ dẫn đến thực hiện kém hiệu quả, kém hiệu lực”.
Theo bà Lan, phát triển bền vững hiện là công việc trọng tâm ở 3 bộ ngành. Bộ KH&ĐT phải là cơ quan đứng đầu thay mặt Chính phủ rà soát, đánh giá hiệu lực, hiệu quả. Bộ Công Thương, nơi có nhiều ngành công nghiệp phát triển đang xấu chứ không phải xanh. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, nơi có nhiều đối tượng là nông dân đã và đang gánh chịu những tác động của phát triển thiếu bền vững.
Theo Nguyễn Tuyền (Dân trí)