Nhà máy điện mặt trời nổi lớn nhất thế giới vừa được khánh thành tháng 7 vừa qua tại Singapore. Nhà máy này có khả năng sản xuất tới 60 megawatt điện, giúp giảm khoảng 32 tấn khí thải mỗi năm. Singapore đặt mục tiêu, năng lượng mặt trời sẽ cung cấp khoảng 3% tổng lượng điện tiêu thụ khi nước này tăng gấp 4 lần công suất năng lượng mặt trời lên 1,5 gigawatt (GWp) vào năm 2025 và đạt 2 GWp vào năm 2030.
Cô Jen Tan, Phó Chủ tịch phụ trách Đông Nam Á Tập đoàn năng lượng mặt trờiSembcorp, cho biết: “Chúng tôi không có đủ gió ở đây để sản xuất điện gió. Vì vậy, để phát triển bền vững, năng lượng mặt trời là một trong những tiềm năng cao nhất”.
Nhà máy điện mặt trời nổi lớn nhất thế giới ở Singapore. (Ảnh: Euronews)
Tại châu Âu, Hà Lan là một trong các quốc gia đi đầu trong phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió. Nước này là quốc gia đầu tiên trên thế giới có toàn bộ hệ thống tàu hỏa, xe điện công cộng chạy bằng năng lượng gió. Trên toàn lãnh thổ Hà Lan hiện có tổng cộng hơn 2.200 turbine điện gió. Mục tiêu của Hà Lan là đến năm 2030, công suất điện gió ngoài khơi có thể đạt 11,5 GWp, đáp ứng tới 40% nhu cầu điện hiện tại. Kinh nghiệm phát triển điện gió của Hà Lan cũng được chia sẻ cho nhiều quốc gia trên thế giới như Pháp, Việt Nam…
Tại nhiều quốc gia khác trên thế giới, những mô hình phát triển năng lượng tái tạo đã được triển khai. Anh, Mỹ, Indonesia thực hiện các dự án nhà máy điện địa nhiệt, trong khi Nhật Bản mới đây đã thử nghiệm hệ thống tạo năng lượng từ sức gió của các cơn bão.
Thùy Minh (T/h)