Hành vi đổ trộm chất thải có thể bị truy tố hình sự và phạt tiền đến 2 tỉ đồng

Hoàng Thơ|21/08/2024 10:42
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Hành vi đổ trộm chất thải ra môi trường bị pháp luật nghiêm cấm. Các cá nhân, tổ chức cố tình vi phạm sẽ bị truy tố hình sự và xử phạt hành chính đến 2 tỉ đồng.

Công an quận Tây Hồ cho biết, đơn vị này đang lập hồ sơ xử lý lái xe P.V.P (sinh năm 2003, trú tại quận Tây Hồ) về hành vi đổ trộm chất thải xây dựng ra môi trường.

phe-1.jpg
Xe ôtô đổ trộm phế thải vật liệu xây dựng tại địa bàn phường Xuân La. Ảnh: Công an Tây Hồ

Trước đó, khoảng 16 giờ 30 ngày 13/8, tổ công tác Đội Cảnh sát kinh tế, Công an quận Tây Hồ tuần tra, phát hiện xe ôtô mang biển số 30T-142... chở phế thải xây dựng, đang nâng ben đổ trộm phế thải vật liệu xây dựng tại địa bàn phường Xuân La.

Tổ công tác đã lập biên bản, yêu cầu lái xe đưa phương tiện về trụ sở Công an để giải quyết.

Theo khai nhận ban đầu, lái xe khai, được chủ một công trình thuê chở phế thải đi đổ. Lợi dụng khu vực vắng người tại phường Xuân La, lái xe đã nâng ben đổ trộm chất thải.

Việc tập kết, đổ xả trái phép và đốt rác không đúng quy định tại nhiều khu vực đang gây ra những vấn đề nghiêm trọng về môi trường và mỹ quan đô thị.

Tình trạng này không chỉ làm giảm giá trị cảnh quan của các khu vực đô thị, mà còn trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe của cư dân xung quanh do khói bụi và ô nhiễm từ việc đốt rác.

Theo quy định, hành vi xả thải chất bẩn ra môi trường bị pháp luật nghiêm cấm theo quy định tại Điều 7 của Luật Bảo vệ môi trường 2020. Theo khoản 18, Điều 3 của Luật này, chất thải được định nghĩa là vật chất ở dạng rắn, lỏng, khí hoặc ở dạng khác được thải ra từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, sinh hoạt hoặc các hoạt động khác.

Để xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, Điều 4 của Nghị định 155/2016/NĐ-CP quy định các mức xử phạt hành chính, bao gồm cảnh cáo hoặc phạt vi phạm hành chính tối đa lên đến 1 tỉ đồng đối với cá nhân và 2 tỉ đồng đối với tổ chức vi phạm.

Các hình phạt bổ sung có thể bao gồm việc tước quyền sử dụng giấy phép xử lý chất thải, tịch thu tang vật và phương tiện vi phạm, cũng như tạm đình chỉ hoạt động của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp vi phạm còn có thể phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả, bao gồm việc khôi phục lại tình trạng ban đầu.

Đặc biệt, trong trường hợp hành vi đổ chất thải ra môi trường có mức độ nghiêm trọng, người vi phạm có thể bị truy tố về tội "Gây ô nhiễm môi trường" theo quy định tại Điều 235 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017. Tùy thuộc vào tính chất và khối lượng chất thải gây ô nhiễm, mức phạt có thể lên đến 3 tỉ đồng và hình phạt tù từ 3 tháng đến 7 năm.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Hành vi đổ trộm chất thải có thể bị truy tố hình sự và phạt tiền đến 2 tỉ đồng