Phát triển nông nghiệp xanh tại Việt Nam - Bài 4: Cần giảm thiểu chất thải nhựa trong sản xuất

Hoàng Thơ|19/08/2024 08:54
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Được liệt vào danh sách “rác thải nguy hại” nhưng gần 50% chất thải nhựa phát sinh từ trồng trọt không được thu gom, xử lý theo đúng quy định. Phần lớn vứt bỏ ngoài đồng ruộng, vườn cây, vứt lẫn vào rác thải thông thường hay bỏ trôi xuống sông, suối.

45% không được thu gom, xử lý

Đi dọc nhiều cánh đồng, bờ ruộng, ao hồ… đặt chân đến nhiều khu vực chăn nuôi, trồng trọt hiện nay, không khó để bắt gặp hình ảnh tràn lan rác thải nhựa. Các chuyên gia về môi trường cảnh báo, nếu các quốc gia không sớm có những giải pháp quyết liệt và hiệu quả để xử lý chất thải nhựa thì viễn cảnh xảy ra một “thảm họa môi trường” là khó tránh khỏi.

rac-thai-nhua.jpg
Hàng năm mỗi địa phương thải ra khoảng từ 50-100 tấn rác thải nhựa.

Hàng năm mỗi địa phương thải ra khoảng từ 50-100 tấn rác thải nhựa. Trong đó, mỗi ha lúa/vụ, nông dân xả thải ra môi trường khoảng 1-1,5kg bao bì; còn trồng hoa màu, cây công nghiệp thì việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) gấp 2-3 lần trồng lúa.

Qua thống kê của cơ quan chức năng, tổng lượng chất thải rắn (bao gồm chất thải nhựa) phát sinh từ trồng trọt khoảng 661,5 nghìn tấn/năm (gồm 550 nghìn tấn ni-lông, 77,49 nghìn tấn vỏ bao bì phân bón và 33,98 nghìn tấn vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật).

Chất thải rắn phát sinh từ hoạt động chăn nuôi khoảng 67,93 triệu tấn; 77 nghìn tấn chất thải nhựa vỏ bao bì thức ăn. Hoạt động nuôi trồng thủy sản phát sinh khoảng 880 nghìn tấn bùn thải, 273 nghìn tấn chất thải từ bao bì thức ăn, vỏ thuốc thú y và các loại chất rắn khác. Chăn nuôi, canh tác đã thải ra môi trường những chất thải nguy hại mà không thông qua bất cứ quy trình xử lý nào.

Theo ngành chức năng, hiện có 45% rác thải nông thôn được thu gom, chưa được xử lý mà đổ thẳng ra các bãi rác không hợp vệ sinh, trong đó có một tỷ trọng rất lớn đổ ra kênh, mương.

rac-thai-nhua-3.jpg
Đối với ngành khai thác và nuôi trồng thủy sản thì vừa là thủ phạm vừa là nạn nhân của rác thải nhựa.

Đối với ngành khai thác và nuôi trồng thủy sản thì vừa là thủ phạm vừa là nạn nhân của rác thải nhựa. Chất thải nhựa có kích thước lớn như lưới, ngư cụ, phao xốp để làm lồng bè… của người dân đều thải trên biển. Có những mẻ lưới gần bờ 4 phần cá thì 1 phần rác thải trong đó phần lớn là rác thải nhựa.

Đây là những con số thống kê tạo lo ngại đến mức báo động về lượng rác thải nhựa trong nông nghiệp thải ra mỗi năm. Không thể phủ nhận độ tiện lợi mà đồ nhựa mang lại cho cuộc sống của chúng ta hay cụ thể hơn là đối với ngành nông nghiệp. Quan sát ngoài đồng ruộng, người nông dân chẳng mất đến 1 phút đồng hồ để xé vỏ gói thuốc bảo vệ thực vật rồi đổ vào bình bơm bằng nhựa. Vỏ thuốc BVTV sau khi sử dụng nằm chỏng chơ trên bờ ruộng hoặc “may mắn” hơn thì được thả trôi theo dòng nước. Nhờ sự tiện lợi “tiện đâu vứt đấy” đã gây ra vấn đề “lợi bất cập hại”.

Rác thải nhựa – Nguồn nguy hại kéo dài hàng trăm năm

Rác thải từ vỏ bao bì phân bón, thuốc bảo vệ thực vật chưa được thu gom và xử lý triệt để, chỉ được xếp vào danh sách “rác thải nguy hại” và thu gom, xử lý theo quy định về rác thải nguy hại của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Thực tế hiện nay, lượng rác thải nhựa thải ra môi trường ngày càng nhiều, dù đã được cảnh báo nhiều lần nhưng đó vẫn là một trong những vấn đề khiến các chuyên gia phải “đau đầu” tìm phương án giải quyết.

Rác thải nhựa trong nông nghiệp rất đa dạng: Các loại chai lọ, bao bì, túi nilon chứa thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, chất tẩy rửa, phân bón... Hầu hết các rác thải này sau khi sử dụng không được thu gom, xử lý theo đúng quy trình. Đặc biệt ở những nơi chưa có bể thu gom chai lọ, bao bì phân bón và thuốc BVTV thì người dân bỏ lại góc ruộng, sau đó trôi nổi tự do ngoài môi trường.

thuoc-2.jpg
Mỗi bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng thường có khoảng 5-7% lượng hóa chất tồn dư

TS. Nguyễn Văn Liêm – Viện trưởng Viện Bảo vệ thực vật cho biết, mỗi bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng thường có khoảng 5-7% lượng hóa chất tồn dư. Với 77,49 nghìn tấn vỏ bao bì phân bón và 33,98 nghìn tấn vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật như hiện nay thì lượng hóa chất tồn dư thải ra môi trường là cực kì nguy hại.

Hơn nữa, quy mô sản xuất nông nghiệp Việt Nam vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ đã khiến vấn đề rác thải nhựa trở nên nghiêm trọng hơn. Ví dụ, nếu như các cánh đồng mẫu lớn như Đồng bằng sông Cửu Long sử dụng 1 chai lớn thuốc BVTV cho 1ha thì tại khu vực Đồng bằng sông Hồng phải sử dụng tới 20 túi nhỏ do có nhiều thửa đất nhỏ, lẻ khác nhau. Sự khác biệt nhỏ này cũng ảnh hưởng rất lớn đến môi trường.

Về mức độ nguy hại, chỉ bằng cảm quan, mọi người có thể dễ dàng nhận biết sự ảnh hưởng nặng nề của rác thải nhựa nông nghiệp lâu đến môi trường và sức khỏe con người.

Với mỗi một vỏ bao vì thuốc BVTV bị thải bỏ, xử lý không đúng cách, lượng hóa chất này sẽ lan truyền ra trong đất và nước, xâm nhập lại cơ thể sinh vật thông qua thức ăn. Chất độc trong bao bì khi xâm nhập vào đất sẽ tiêu diệt nhiều loài sinh vật có ích cho đất, làm cho môi trường đất bị giảm tính đa dạng sinh học và phát sinh nhiều sâu bọ phá hoại cây trồng. Hóa chất này khi ngấm vào nước hoặc theo mưa trôi xuống sông, hồ, gây suy giảm chất lượng nguồn nước, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân lẫn sản xuất nông nghiệp.

Hiện nay, các hãng thuốc đã sản xuất các loại thuốc tiên tiến hơn, thời gian cách ly ngắn hơn. Tuy nhiên, đa số những loại thuốc BVTV đều có thời gian phân hủy rất lâu, đặc biệt là thuốc diệt cỏ sẽ mất đến mấy chục năm để có thể tự tiêu trong môi trường tự nhiên.

“Nói một cách khác, bao bì hóa chất BVTV phát sinh từ hoạt động trồng trọt, chăn nuôi, sau sử dụng nếu không được thu gom, xử lý bảo đảm kỹ thuật và vệ sinh môi trường sẽ trở thành hiểm họa cho môi trường đất và nước nếu vứt bừa bãi”, TS. Nguyễn Văn Liêm nhấn mạnh.

dot-rac.jpg
Nếu ở ngoài môi trường chất thải nhựa nylon khi đốt sẽ tạo ra khí thải chứa Dioxin và Furan, là những chất kịch độc, tồn tại lại lâu dài trong môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.

Để giảm thiểu rác thải nhựa trong sản xuất nông nghiệp, tại một số địa phương đã tiến hành thu gom và xử lý rác thải này bằng hình thức đem đốt tại các lò đốt chuyên dụng của một số đơn vị được cấp giấy phép xử lý chất thải nguy hại. Tuy nhiên lượng rác được thu gom và xử lý chiếm tỷ lệ rất thấp so với lượng rác xả thải ra và tồn đọng trong đồng ruộng. Ngay như tỉnh Đồng Nai mới xử lý được khoảng trên 18 tấn trong khi hàng năm xả thải ra khoảng trên 100 tấn rác thải.

Ngoài ra, các tỉnh khác chưa đầu tư công nghệ xử lý thì mới thu gom vào các hố rác và nông dân đốt ở nhiệt độ chỉ vài trăm độ C thì sẽ không phân hủy hết mà thừa lại tàn dư bên ngoài môi trường (nguyên tắc, bao bì, chai lọ thuốc phải được đốt ở nhiệt độ 1.500 độ C mới tiêu hủy hết). Nếu ở ngoài môi trường chất thải nhựa nylon khi đốt sẽ tạo ra khí thải chứa Dioxin và Furan, là những chất kịch độc, tồn tại lại lâu dài trong môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.

Luật Bảo vệ môi trường quy định: Chất thải nhựa phát sinh từ hoạt động nuôi trồng và khai thác thủy sản phải được thu gom, lưu giữ và chuyển giao cho cơ sở có chức năng tái chế và xử lý. Thế nhưng, khâu thu gom, xử lý rác thải nhựa trong ngành nông nghiệp đang gặp nhiều khó khăn và chưa được xử lý triệt để. Thậm chí, 30% bao bì thuốc bảo vệ thực vật chưa được thu gom. Số bể chứa ngoài đồng ruộng chỉ đáp ứng 20% nhu cầu thu gom rác thải nhựa.

TS. Nguyễn Văn Liêm – Viện trưởng Viện Bảo vệ thực vật cho biết thêm, hiện nay, có rất nhiều chương trình khuyến khích sử dụng các biện pháp sinh học thay thế cho các biện pháp hóa học. Tuy nhiên, cần biết rằng các biện pháp sinh học cần có thời gian, có độ trễ và hiệu lực khác với thuốc hóa học. Chính vì vậy, nếu không có biện pháp khuyến khích sử dụng biện pháp sinh học thì người nông dân sẽ bị thiệt thòi. Căn cứ thực tế, hiện nay chưa có chính sách cụ thể nào để thúc đẩy tiến trình sử dụng biện pháp sinh học song song với việc bảo vệ quyền lợi của người nông dân.

luoi-ca.jpg
Lưới cá cũng là một trong những nguồn rác thải nhựa gây ô nhiễm môi trường.

Do tính chất khó phân hủy nên ngay cả khi được chôn lấp, rác thải nhựa vẫn tồn tại hàng trăm năm gây ô nhiễm môi trường đất, ảnh hưởng đến sự phát triển của cây trồng. Việc xả thải rác thải nhựa tràn lan trên biển đang phá hủy nghiêm trọng hệ sinh thái biển và suy giảm đa dạng sinh học biển.

Trong khi đó, nhiều địa phương chưa thực sự quan tâm đến hoạt động quản lý chất thải nhựa, thiếu cơ chế kinh tế khuyến khích người sử dụng chủ động thu gom rác thải nhựa, sử dụng bao bì có thể tái sử dụng nhiều lần; giảm thiểu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, áp dụng công nghệ sản xuất sinh thái...

Nếu không có sự quan tâm, những giải pháp cấp bách, để giảm thiểu, xử lý rác thải nhựa, ngành nông nghiệp sẽ phải đối mặt với những vấn đề khủng hoảng môi trường lớn trong tương lai không xa.

Quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước ta trong suốt nhiều năm qua là: Việt Nam luôn coi bảo vệ môi trường sống và sức khỏe của nhân dân là mục tiêu hàng đầu; “Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá”.

Hành động để đẩy lùi rác thải nhựa trong sản xuất nông nghiệp

Sức ảnh hưởng của rác thải nhựa được ví như “ kẻ gieo cái chết thầm lặng” cho cuộc sống và sức khỏe con người. Chính vì vậy, nhiều địa phương đã triển khai những giải pháp thiết thực và hiệu quả giúp giảm tới mức thấp nhất lượng chất thải nhựa trong sản xuất nông nghiệp. Những hành động này đã tạo sức lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng, đóng góp quan trọng vào mục tiêu phát triển nông nghiệp xanh tại Việt Nam.

binh-dinh-3.jpg
Bình Định trở thành địa phương đi đầu trong công tác quản lý chất thải nhựa từ hoạt động khai thác thủy sản.

Là địa phương có phần đông người dân sống bằng nghề chài lưới, bám biển quanh năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Định đã ban hành Quyết định 89/QĐ-SNN vào ngày 28/02/2024 về quy trình kiểm soát, quản lý đối rác thải nhựa tàu cá và trở thành địa phương đi đầu trong công tác quản lý chất thải nhựa từ hoạt động khai thác thủy sản.

Theo ông Trần Văn Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định, việc thể chế hóa quy định quản lý chất thải nhựa tàu cá sẽ giúp thực thi hiệu quả công tác thu gom rác thải nhựa trong ngành thủy sản nói chung và tàu cá nói riêng tại các tỉnh, thành phố, cùng việc kết nối các bên để tạo chuỗi giá trị phế liệu nhựa và các hướng dẫn triển khai cụ thể cho cảng cá và tàu cá. Qua đó, địa phương sẽ giúp quốc gia đạt được mục tiêu về giảm thiểu rác thải nhựa đại dương và thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong ngành nhựa.

Trước đó, vào năm 2020, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đã triển khai dự án “Nhân rộng mô hình cộng đồng quản lý chất thải sinh hoạt và nhựa tại 5 thành phố” tại các tỉnh và thành phố ven biển của Việt Nam. Tại Bình Định, UNDP đã thực hiện thí điểm mô hình “Tàu cá mang rác nhựa về bờ” tại Cảng cá Quy Nhơn, theo hướng kinh tế tuần hoàn.

Kết quả khảo sát cho thấy, chỉ tính riêng lượng tàu cá khai thác về cập bến tại cảng cá Quy Nhơn trong 1 tháng đã xả thải ra đại dương hơn 4,1 tấn rác thải nhựa và 0,8 tấn rác thải nhôm (vỏ lon bia) và khi vào bờ xả ra hơn 1,7 tấn bì nhựa dùng bảo quản sản phẩm thủy sản. Lượng rác thải này được gom bán cho các cơ sở phế liệu sẽ tạo ra hơn 33 triệu đồng, vừa mang lại kinh tế, đồng thời góp phần làm giảm bớt sức tải về môi trường mà đại dương phải gánh chịu bởi rác thải nhựa.

quang-ninh.jpg
Quảng Ninh đã chuyển đổi phao xốp trong NTTS sang phao nhựa HDPE thân thiện với môi trường đạt 99,5%.

Hay tại Quảng Ninh, thực tế thời gian qua, tình trạng chất thải nhựa sử dụng trong nuôi trồng thủy sản đã gây tác động xấu tới môi trường ở một số địa phương. Tình trạng phao xốp bị thải loại trôi nổi trên biển trong quá trình nuôi thủy sản đã gây tác động xấu tới môi trường biển và cảnh quan vịnh Hạ Long.

Trước thực trạng trên, Quảng Ninh đã áp dụng mô hình chuyển đổi phao xốp trong nuôi trồng thủy sản sang vật liệu nổi theo quy chuẩn QCĐP 08:2020/QN giúp thay thế dần vật liệu nhựa dùng một lần, khó thu gom và tái sử dụng bằng vật liệu có thể tái chế, thân thiện với môi trường.

Còn tại một trong hai vựa lúa lớn nhất miền Bắc - tỉnh Thái Bình, chỉ tính riêng hoạt động sản xuất lúa trên địa bàn tỉnh, trung bình thải ra khoảng 1-1,5kg chất thải nhựa/ha/năm, còn đối với rau màu thì lượng chất thải nhựa từ vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật cao hơn, gấp 2-3 lần trồng lúa.

Để giảm chất thải nhựa ra ngoài môi trường, tỉnh Thái Bình đã thực hiện và nhân rộng mô hình “Cánh đồng sạch-thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật” ở hầu hết các xã, thị trấn. Trên địa bàn tỉnh đã xây dựng tổng số hơn 4.500 bể chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật và đưa vào hoạt động trên các cánh đồng nhằm phân loại rác thải nhựa tại nguồn và thu gom, xử lý theo quy định. Sau đó thuê đơn vị có chức năng xử lý nguồn rác thải này.

Đồng thời, các huyện trong tỉnh Thái Bình đều được cấp kinh phí dùng thuốc diệt chuột đồng loạt để bảo vệ mùa màng với mục tiêu cụ thể không dùng nilon để quây quanh ruộng lúa nhằm giảm lượng rác, chất thải nhựa. Ngoài ra, đối với khâu thu hoạch lúa, ngành nông nghiệp cũng khuyến cáo bà con nông dân hạn chế sử dụng bao bì nilon để đựng lúa.

quang-binh.jpg
Các tàu cá xa bờ của tỉnh Quảng Bình hưởng ứng và tiếp tục duy trì mô hình thu gom rác thải.

Hiện nay, tỉnh Quảng Bình cũng đã triển khai mô hình thu gom, xử lý chất thải nhựa với 700 tàu cá xa bờ tham gia. Ước tính việc thu gom chất thải nhựa trên các tàu cá khai thác, đánh bắt xa bờ của tỉnh đạt khoảng 60 tấn/năm, con số này còn rất nhỏ và mới chỉ là bước đầu so với yêu cầu thu gom chất thải nhựa trên biển từ ngư dân. Tuy nhiên, số lượng chất thải nhựa này nếu không được xử lý, thu gom thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến ngành thủy sản, trong đó sẽ ảnh hưởng tới công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Rác thải nhựa nông nghiệp cần phải được giải quyết cả “gốc lẫn ngọn”

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng: Rác thải nhựa là vấn đề lớn mang tính toàn cầu cần phải giải quyết, trong đó có rác thải nhựa trong nông nghiệp. Vì thế, cần thúc đẩy các giải pháp hành động giảm chất thải nhựa ngành nông nghiệp một cách có hệ thống. Đồng thời, huy động nguồn lực của tất cả các bên nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động sản xuất, hướng tới phát triển nền sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Hơn nữa, việc giảm chất thải nhựa không chỉ bảo vệ môi trường trong nông nghiệp mà qua đó còn góp phần nâng cao hình ảnh, uy tín, chất lượng của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

rac-nhua-3.jpg
Rác thải nhựa nông nghiệp cần phải được giải quyết cả “gốc lẫn ngọn”.

Nhằm hạn chế sử dụng chất thải nhựa trong sản xuất nông nghiệp, ngày 18/7/2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có Quyết định số 2711/QĐ-BNN-KHCN ban hành kế hoạch giảm thiểu, thu gom, phân loại, tái sử dụng chất thải nhựa trong ngành nông nghiệp.

Theo đó, mục tiêu đề ra giai đoạn 2022 đến năm 2025 trong trồng trọt giảm sử dụng tối thiểu 15% vật liệu nhựa; thu gom, phân loại được tối thiểu 60% và tái sử dụng được tối thiểu 12% chất thải nhựa. Ở lĩnh vực bảo vệ thực vật giảm sử dụng tối thiểu 20% vật liệu nhựa; thu gom, phân loại được tối thiểu 80% và tái sử dụng được tối thiểu 12% chất thải nhựa. Trong chăn nuôi giảm sử dụng tối thiểu 30% vật liệu nhựa; thu gom, phân loại được tối thiểu 80% và tái sử dụng được tối thiểu 25% chất thải nhựa…

Phấn đấu 100% doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp được cập nhật đầy đủ các quy định, chính sách liên quan đến quản lý vật liệu và chất thải nhựa; 50% cán bộ quản lý ngành nông nghiệp được tập huấn về các quy định, chính sách liên quan đến vật liệu và chất thải nhựa trong sản xuất nông nghiệp; 50% nông dân được tập huấn nâng cao nhận thức về các quy định, chính sách liên quan đến vật liệu và chất thải nhựa.

be-chua-2.jpg
Mô hình bể chứa thuốc bảo vệ thực vật được áp dụng ở nhiều địa phương.

Để đạt mục tiêu nêu trên, các bộ, ngành, địa phương và nhân dân cần ứng dụng vật liệu phân hủy sinh học thay thế dần vật liệu nhựa trong sản xuất; thực hiện các quy trình canh tác trong nông nghiệp nhằm giảm chất thải nhựa, tăng cường tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp thay thế vật liệu nhựa; xây dựng các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh nhằm giảm thiểu chất thải nhựa, sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường trong ngành nông nghiệp; đồng thời thu gom, phân loại, tái sử dụng chất thải nhựa trong sản xuất nông nghiệp.

Đối với bao bì phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y… thực hiện thu gom và xử lý; tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong quản lý, sản xuất, kinh doanh và sử dụng vật liệu nhựa trong sản xuất nông nghiệp; lồng ghép các nội dung truyền thông về quản lý, phòng ngừa, giảm thiểu, thu gom, phân loại, tái sử dụng chất thải nhựa vào các chương trình khuyến nông, lâm, ngư; tuyên truyền nâng cao nhận thức về tác hại của sản phẩm nhựa sử dụng một lần, túi ni-lông khó phân hủy đến hệ sinh thái nông nghiệp, hệ sinh thái biển, đại dương, môi trường và sức khỏe con người…

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Phát triển nông nghiệp xanh tại Việt Nam - Bài 4: Cần giảm thiểu chất thải nhựa trong sản xuất
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.