Hậu Giang sản xuất bền vững nhờ ứng phó hạn, mặn linh hoạt

Phong Anh|31/03/2024 18:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Nhờ ứng phó linh hoạt với hạn, mặn và kinh nghiệm thích ứng với biến đổi khí hậu mà thời gian gần đây người dân Hậu Giang đã chủ động xây dựng được nhiều giải pháp linh hoạt, hiệu quả để sản xuất bền vững.

Tại tỉnh Hậu Giang từ giữa tháng 2 cho đến nay, mặn đã xâm nhập vào nhiều địa phương với nồng độ cao, có thời điểm nồng độ ở mức 9,5‰, trong khi đó nguồn nước ngọt trên sông Hậu chảy vào tỉnh đang thiếu hụt từ 6%-10% so với những năm gần đây. Dù hạn, xâm nhập mặn diễn ra gay gắt, tuy nhiên nhờ chính quyền và người dân trong tỉnh chủ động chung tay phòng, chống nên đến thời điểm này vẫn đảm bảo được nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân.

Điển hình như tại huyện Long Mỹ (Hậu Giang), thời điển này mặc dù  hạn, mặn xâm nhập diễn ra gay gắt nhưng những cánh đồng lúa Đông Xuân vẫn đang chín vàng. Năm nay, bà con nơi đây có nhiều niềm vui khi lúa Đông Xuân được mùa, trúng giá và niềm vui lớn hơn đó là việc những cánh đồng lúa nơi đây vẫn được bảo vệ an toàn trước sự xâm nhập của hạn, mặn

Được biết, đến thời điểm này, bà con trong huyện đã thu hoạch được khoảng 13.000ha lúa, với năng suất đứng thứ hai các địa phương trong tỉnh, đạt hơn 7,9 tấn/ha; diện tích lúa còn lại hơn 4.000ha bà con sẽ thu hoạch dứt điểm trong những ngày tới. Trong khi đó, tại TP Vị Thanh bà con nông dân cũng đã thu hoạch gần dứt điểm hơn 3.900ha lúa Đông Xuân, với năng suất đạt gần 7,4 tấn/ha.

Hàng năm, vào mùa khô, Long Mỹ và TP Vị Thanh là những địa phương bị hạn, mặn xâm nhập khốc liệt nhất tỉnh Hậu Giang và năm nay cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên nhờ sự chung tay của chính quyền các cấp và người dân trong việc triển khai nhiều giải pháp chủ động ứng phó với hạn, mặn mà sản lượng thu hoạch lúa vụ này của người dân vẫn đạt kết quả khả quan.

"Ngay từ đầu khi được dự báo hạn, mặn sẽ diễn ra gay gắt, chính quyền và người dân chúng tôi đã chung tay cùng nhau triển khai nhiều giải pháp chủ động ứng phó. Trong đó việc tu sửa, quản lý, vận hành các cống, đập trữ ngọt, ngăn mặn đã được các địa phương này đặt lên hàng đầu",  ông Phạm Văn Diện, người dân ở xã Hỏa Tiến, TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang cho biết.

Theo người đàn ông này, đơn vị quản lý thủy lợi đã tích cực theo dõi rất chặt chẽ, thường xuyên kiểm tra trước khi mặn xâm nhập. Đặc biệt là tại các cống ngăn mặn, thường xuyên được theo dõi các kẽ hở, không để rò rỉ nước nên mới có mùa màng bội thu như hiện nay.

31-hgiang.png
Nhờ cập nhật các tin tức cảnh báo mặn để kịp thời lấy nước nên ông Phương luôn đủ nước để tưới cho 3ha đất trồng dứa của gia đình

Được biết, để ứng phó hiệu quả trước tình hình hạn, mặn xâm nhập vào 2 địa phương này, ngoài việc vận động người dân chủ động xuống giống sớm vụ Đông Xuân để thu hoạch “né mặn”, từ đầu năm nay, tỉnh Hậu Giang đã đầu tư hơn 2,7 tỷ đồng sửa chữa hệ thống cống trên tuyến đê bao Long Mỹ - Vị Thanh giai đoạn 1, cống Ba Voi, Cống Bà Bét và thổi bùn nâng cấp tuyến đê bao Ô Môn- Xà No.

Về phía huyện Long Mỹ và TP Vị Thanh cũng đã tiến hành tu bổ, nâng cấp, vận hành tổng cộng gần 120 cống hở và cống tròn. Khi những khu vực nào có nồng độ mặn vượt mức 1,5‰, các địa phương này tiến hành đóng các cống hở và cống tròn để ngăn nước mặn xâm nhập vào nội đồng, không làm ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống người dân.

Trong khi chính quyền các địa phương trong tỉnh Hậu Giang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để ứng phó với hạn, mặn xâm nhập hiệu quả, người dân ở tỉnh này rút kinh nghiệm từ các đợt hạn, mặn lịch sử trước đó cũng đã có những cách phòng chống riêng như đào mương sâu, đắp đập trữ nước ngọt, cập nhật thông tin về nồng độ mặn hàng ngày để chủ động có nguồn nước ngọt đảm bảo phục vụ sinh hoạt, sản xuất.

Ông Lê Minh Phương ở ấp Bình Hòa, xã Phương Phú, huyện Phụng Hiệp cho biết, khu vực ông sinh sống và sản xuất còn nhiễm phèn nặng nên không thể trữ nước trong các mương nội đồng, mà phải sử dụng nguồn nước trực tiếp từ tuyến kênh tạo nguồn. Do đó từ đầu mùa khô đến nay, ngoài việc cập nhật các tin tức cảnh báo mặn, ông đều quan sát màu nước trên sông, cẩn thận thử nước trước khi bơm tưới cho gần 3ha cây dứa MD2. Khi nồng độ mặn giảm ông mở cống riêng lấy nước từ kênh tạo nguồn tưới cây dứa, khi nồng độ mặn tăng cao ông đóng cống ngăn mặn lại.

“Người dân ở đây cũng đã có nhiều kinh nghiệm chống mặn vì chỉ nhìn màu nước là biết độ mặn bao nhiêu. Khi thấy mặn xuất hiện người dân khẩn trương đóng cống lại”, ông Phương cho biết.

Trước dự báo của ngành chức năng sẽ thiếu hụt nguồn nước ngọt khi hạn, xâm nhập mặn diễn ra gay gắt, ông Nguyễn Tuấn Kiệt ở xã Thuận Hưng, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang đã chủ động nạo vét mương, trữ nước ngọt để phục vụ gần 1ha mít và hạnh (quất). Ông còn trồng cỏ để giữ ẩm cho cây và lắp hệ thống tưới nước tiết kiệm. Ông Kiệt cho biết, dù cống ngăn mặn đóng 3 tháng, ông vẫn có đủ nguồn nước ngọt tưới cho khu vườn của mình. “Hệ thống trữ nước rất thích hợp cho nông dân khi mặn xâm nhập bởi nó rất tiết kiệm. Nước tưới tuy là nhỏ giọt nhưng độ ẩm được giữ rất lâu, không hao nước so với tưới truyền thống”, ông Kiệt thông tin.

Hậu Giang là tỉnh chịu ảnh hưởng từ triều biển Tây và biển Đông nên tình hình hạn, mặn diễn biến phức tạp. Theo dự báo, trong mùa khô năm nay vùng nguy cơ hạn, ảnh hưởng mặn xâm nhập trên địa bàn tỉnh này ước tính khoảng 90.000- 110.000ha; Vùng nguy cơ xâm nhập mặn, ảnh hưởng hạn có tổng diện tích ước tính khoảng 50.000-60.000ha. Tuy nhiên, nhờ kinh nghiệm từ những mùa hạn, mặn trước, chính quyền và người dân ở địa phương này đã chung tay chủ động xây dựng được nhiều giải pháp linh hoạt, hiệu quả để sản xuất bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hậu Giang sản xuất bền vững nhờ ứng phó hạn, mặn linh hoạt