Hầu hết quốc gia lỡ hẹn nộp mục tiêu mới về cắt giảm khí thải carbon
Liên hợp quốc cho biết hầu hết các quốc gia, bao gồm nhiều nền kinh tế lớn, đã lỡ hạn nộp mục tiêu khí hậu mới, làm dấy lên lo ngại về cam kết giảm phát thải trước COP30.
Theo Liên hợp quốc, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều bỏ lỡ thời hạn đệ trình các mục tiêu mới về cắt giảm khí thải carbon, trong đó có cả những nền kinh tế lớn vốn đang chịu áp lực sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Cụ thể, Liên hợp quốc cho biết chỉ có 10 trong số 200 quốc gia tham gia Hiệp định Paris đã đưa ra kế hoạch khí hậu mới đúng hạn là vào trước ngày 10/2.
Các nước nộp mục tiêu đúng hạn còn có Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE), Ecuador, Saint Lucia, New Zealand, Andorra, Thụy Sĩ và Uruguay.
![khi-thai-carbon-6878-1608002076.jpg](https://mtcs.1cdn.vn/2025/02/11/khi-thai-carbon-6878-1608002076.jpg)
Trước đó, theo Thỏa thuận Paris, mỗi quốc gia tham gia phải đề ra mục tiêu cao hơn trong việc cắt giảm lượng khí thải nhà kính tới năm 2035 và kế hoạch chi tiết về cách đạt được điều này.
Thư ký điều hành Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu Simon Stiell đã gọi vòng cam kết quốc gia mới nhất này là "tài liệu chính sách quan trọng nhất của thế kỷ này".
Tuy nhiên, lại không có hình phạt cho việc trễ hạn nhưng các mục tiêu, được gọi là Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), được xem như bằng chứng cho sự nghiêm túc của các quốc gia trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Simon Stiell cho biết, hành động khẩn cấp là cực kỳ quan trọng, vì lượng khí thải toàn cầu đang tiếp tục tăng mạnh trong khi đáng lẽ phải giảm một nửa vào cuối thập kỷ này để giữ tình trạng nóng lên toàn cầu trong ngưỡng an toàn.
Trong số các quốc gia "lỡ hẹn" nộp mục tiêu khí hậu mới có những nước gây ô nhiễm lớn như Trung Quốc, Ấn Độ và Liên minh châu Âu (EU).
Giới phân tích hy vọng Trung Quốc, quốc gia phát thải lớn nhất thế giới và cũng là một nhà đầu tư năng lượng tái tạo lớn, sẽ công bố kế hoạch khí hậu cập nhật vào cuối năm nay.
Ngoài ra, hầu hết các nền kinh tế trong Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) cũng "vắng mặt" trong đợt hẹn lần này, ngoại trừ Mỹ, Anh và Brazil.
Tuy nhiên, cam kết của Mỹ chỉ mang tính biểu tượng do được đưa ra trước khi Tổng thống Donald Trump quyết định rút nước này khỏi Hiệp định khí hậu Paris.
Bà Ebony Holland từ Viện Môi trường và Phát triển Quốc tế cho rằng sự rút lui của Mỹ là một bước lùi và những thay đổi địa chính trị sâu sắc đang làm phức tạp thêm hợp tác toàn cầu về hành động ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tuần trước, ông Stiell cho biết Liên hợp quốc đã đặt ra thời hạn mới vào tháng 9 để các quốc gia nộp mục tiêu khí hậu sửa đổi nhằm có được báo cáo chuẩn xác trước khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 30 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu (COP30) tại Brazil vào tháng 11.