– Trong những năm gần đây đã xảy ra rất nhiều các vụ học sinh nói riêng và trẻ em nói chung bị đuối nước tại các ao, giếng, hồ chứa nước chống hạn.
>>> 3 cách để văn phòng làm việc luôn ngập tràn thiên nhiên
>>> Mùa mưa 2019: Hà Nội còn 13 trọng điểm ngập úng
Hiểm họa khó lường từ các giếng nước, ao, hồ chứa
Ví dụ như, trong những tháng đầu mùa khô năm nay tại tỉnh Gia Lai liên tiếp xảy ra các vụ học sinh bị đuối nước tại các ao, hồ chứa, công trình thủy lợi. Ngày 25/3/2019, một nhóm bảy học sinh học lớp 6, 7, 8 tại trường Trung học cơ sở Đak Ta Ley đến thôn Nhơn Tân chơi. Do trời nắng nóng, hai em Đặng Ngọc Hải (SN 2006, học sinh lớp 7A) và Trần Minh Vũ (SN 2007, học sinh lớp 6A) đã xuống ao tưới cà phê của người dân để tắm và không may bị trượt chân vào khu vực nước sâu. Phát hiện sự việc, các em ở trên bờ liền hô hoán và chạy đi tìm người đến cứu nhưng đã quá muộn, hai nạn nhân đã tử vong sau khi được vớt lên.
Trước đó, khoảng 13 giờ 45 phút ngày 11/3/2019, sau khi đi học về, một nhóm học sinh cùng trú làng Greo Pết xã Dun (huyện Chư Sê, Gia Lai) rủ nhau đi tắm tại một ao chứa nước trong làng.
Tại đây, trong lúc tắm thì hai anh em song sinh là Siu Lan Quyết và Siu Lan Quý (cùng SN 2014, hiện là học sinh Trường mẫu giáo Bằng Lăng) bị đuối nước. Thấy vậy, em Siu Nội (SN 2012, học sinh Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Ngô Quyền) lao ra cứu nhưng bất thành. Hậu quả, cả ba em đều bị chết đuối.
Cũng phải kể tới vụ đuối nước thương tâm nữa, xảy ra vào ngày 6/3/2019 cũng tại tỉnh Gia Lai, khi các cháu nhỏ từ 7 đến 9 tuổi ở làng Ia HBoong (xã Al Bá, huyện Chư Sê) rủ nhau đi tắm hồ tại làng. Cháu Đinh Hương (SN 2012) một mình lội ra xa bờ để tắm thì bị đuối nước dẫn đến tử vong.
Từ liên tiếp các vụ đuối nước thương tâm nêu trên xảy ra ở Gia Lai mới đây,cũng như vô số các vụ trẻ đuối nước từng xảy ra ở các năm trước, tôi mới chợt nhận ra rằng, ở các địa bàn thuộc các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung Bộ, khi bước vào mùa khô thường xảy ra tình trạng cây trồng bị khô héo, thiếu nước tưới, và để chủ động được nguồn nước tưới tiêu người dân thường có phong trào đào rất nhiều giếng, ao, hồ, vũng… để làm chỗ chứa đựng nước dành tưới tiêu cho cây trồng, vật nuôi trong mấy tháng mùa khô.
Hồ chứa nước sâu nhưng không có rào chắn bao quanh
Tích trữ nước chống hạn hán liệu có an toàn?
Phương án tích trữ nước để chống hạn bằng kiểu đào giếng, ao, hồ… là một kiểu làm rất tốt, rất hợp lý khi mỗi gia đình tự chủ động được nguồn nước để tưới tiêu, đảm bảo cho cây trồng mùa màng không bị thất bát vì thiếu nước.
Tuy nhiên, khi có dịp đi qua những địa phương có phong trào đào giếng, ao, hồ để tích trữ nước chống hạn hán như: Gia Lai, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Lắk, Lâm Đồng… tôi quan sát thấy nguy hiểm luôn trực chờ từ chính những cái giếng, ao, hồ trữ nước chống hạn ấy, khi đại đa số chúng không được rào chắn, che đậy, hoặc là cắm biển, bảng với nội dung cảnh báo sự nguy hiểm để người dân, nhất là trẻ em tránh xa.
Thực ra thì không phải đợi tới khi nhiều vụ đuối nước mà nạn nhân là các cháu bé xảy đến thì người dân mới… “giật mình” và lo ngại cho tình trạng nguy hiểm từ những nơi chốn chứa nước chống hạn, mà thực tế thì một số gia đình cũng đã từng nghĩ tới các biện pháp để làm sao đấy giữ sự an toàn cho các thành viên trong gia đình họ, cũng như các gia đình hàng xóm.
Bà Lê Thị Hân (xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, Tỉnh Ninh Thuận), sống gần ngay sát nhà một cháu bé 12 tuổi, từng bị chết đuối tại hồ chứa nước của gia đình xảy ra năm 2016, và gia đình bà cũng có một cái ao chứa nước chống hạn kể rằng: “Các ao, hồ, giếng đào để trữ nước đều rất sâu, có khi sâu tới cả dăm, bảy mét, vì vậy mới có thể chứa được một lượng nước đủ nhiều để dùng dần cho việc tưới tiêu trong mấy tháng mùa khô.
Ngay như nhà tôi, lúc mới đào cái ao, tôi cũng đã nói với con trai là phải thiết lập hàng rào xung quanh để ngăn ngừa mấy đứa trẻ ra chơi gần bị xa xuống đó, nhưng con trai tôi vâng, dạ nhưng vẫn để đó chưa làm. Khi thằng nhỏ hàng xóm chết đuối, không chỉ nhà tôi mà nhiều nhà khác trong làng, trong xã, thậm chí cả trong huyện cũng đều phải nhanh chóng lo mà tìm cách làm rào chắn ao, hồ để đảm bảo sự an toàn, chứ không thì quá nguy hiểm….”.
Vâng, quả là nhìn những cái ao, hồ chứa nước chống hạn sâu hoắm, với chiều sâu mấy mét như vậy thì khi người lớn không biết bơi mà trượt chân rơi xuống cũng chết đuối như thường, huống hồ là con trẻ với sức yếu, tay mềm…
Thiết nghĩ, việc người dân, nhất là người nông dân ở những vùng cao, vùng thường xuyên bị cảnh hạn hán đe dọa mùa màng, vật nuôi là điều cần thiết, là phương châm tốt…, nhưng khi đã tạo nên những cái ao, hồ, giếng trữ nước rồi thì cũng cần phải làm sao đó đảm bảo sự an toàn tính mạng cho mọi người, tránh những vụ đuối nước đáng tiếc xảy ra khi bị trượt chân ngã xuống. Nên dựng hàng rào kiên cố xung quanh ao, hồ chứa nước và có trổ cổng xuống nơi lấy nước.
Với chiếc cổng trổ xuống ao, hồ đó cũng cần phải có khóa cần thẩn và nó chỉ có thể được mở ra khi có nhu cầu, còn luôn phải khóa kín để tránh trẻ ra chơi rồi tự ý mở cổng xuống ao, hồ nghịch nước. Với những ao, hồ chứa nước chống hạn chưa có điều kiện để làm được các hàng rào kiên cố thì các gia đình cũng nên rào tạm bằng tre, nứa xung quanh; hoặc cắm những tấm bảng, biển với nội dung “cấm tắm”, “cấm lại gần”… vì hồ, ao sâu, nguy hiểm để mọi người từ chủ động phòng ngừa hiểm họa.
Đối với những gia đình có giếng nước sâu trữ nước thì cũng phải thiết kế thành miệng giếng cao, đồng thời có nắp che đậy cẩn thận để tránh trẻ nhỏ lộn cổ ngã xuống bên dưới giếng…
Với các trưởng hợp trẻ bị chết đuối khi tự ý đi tắm sông, hồ, suối, kênh rạch… ngoài môi trường tự nhiên thì chúng ta còn quá “đau đầu” trong việc ngăn ngừa, hạn chế tối đa những cái chết thương tâm, nhưng tôi nghĩ với những cái ao, hồ, giếng được đào với công năng để trữ nước thì chỉ cẩn mỗi gia đình nghiêm túc và cẩn thận hơn chút xíu là sẽ hạn chế tối đa được những vụ chết thương tâm, nhất là đối với trẻ em…
Thạch Bích Ngọc (ĐHQG-TP.HCM)