Hiệu quả từ các mô hình phân loại rác ở Phú Thọ

Huyền Trang|17/03/2024 09:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Toàn tỉnh Phú Thọ hiện có 225/225 cơ sở hội xây dựng mô hình tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường, mô hình sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu hiệu quả, qua đó nâng cao ý thức của người dân trong việc phân loại rác và bảo vệ môi trường.

Thành phố Việt Trì là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hoá của tỉnh Phú Thọ, có nhiều cơ sở kinh doanh ẩm thực, ngoài lượng rác thải sinh hoạt của người dân, rác thải từ các cơ sở kinh doanh trên địa bàn cũng khá lớn. Xuất phát từ nhu cầu thực tế, cùng với cụ thể hóa Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, năm 2013, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Việt Trì đã cho ra mắt mô hình “Tiết kiệm phế liệu” tại Chi hội phụ nữ khu 2B, phường Nông Trang.

Hàng ngày, mỗi hộ sẽ tự thu gom, phân loại rác thải sinh hoạt của gia đình mình, chia làm ba loại: Các loại rác thải hữu cơ như lá cây, gốc rau củ, quả, vỏ các loại trái cây, thức ăn thừa sẽ được gom vào một góc vườn ủ để trồng rau, trồng cây; các loại rác không tái chế được sẽ cho vào túi nilon để thu gom rác mang đi; đối với phế liệu là bìa carton, vỏ bia, chai nhựa... mỗi tuần một lần mang đến nơi tập kết theo quy định của nhóm để gây quỹ. Đến nay, nhóm “Tiết kiệm phế liệu” khu 2B- Nông Trang đã có 154 hội viên tham gia.

phan-loai-rac-thai.jpg
Mô hình “Biến rác thành tiền” của Trường Tiểu học Tiên Lương (huyện Cẩm Khê, Phú Thọ) giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho học sinh

Chị Trần Thị Minh Thành - Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ khu 2B cho biết: “Ngày trước, những vật thải như: Chai, lọ, túi nilon, gốc rau củ... được người dân vứt ra ngoài mà không có sự phân loại, vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa lãng phí. Từ khi mô hình được triển khai, các hội viên đều tự giác phân loại rác thải theo đúng quy định. Cùng với số tiền tiết kiệm từ việc bán phế liệu, điều quan trọng là sau khi tham gia vào nhóm, chị em đã có thêm kiến thức về phân loại rác thải và hình thành thói quen cơ bản là xử ký rác thải tại gia đình. Từ đó dần thay đổi ý thức của mỗi hội viên phụ nữ nói riêng cũng như từng người dân nói chung trong vấn đề bảo vệ môi trường sống”. Hiện nay, toàn thành phố đã có 81 nhóm “Tiết kiệm phế liệu” với 4.615 hội viên tại 13/23 cơ sở Hội trực thuộc.

Với phương châm bảo vệ môi trường từ những hành động nhỏ, các cấp hội phụ nữ đã chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể cùng cấp triển khai nhiều mô hình hay, cách làm mới, sáng tạo trong công tác giữ gìn và bảo vệ môi trường. Từ đường làng, ngõ xóm đến gian bếp, nếp nhà được chăm sóc sạch đẹp đã từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống mỗi gia đình.

Toàn tỉnh Phú Thọ hiện có 225/225 cơ sở hội xây dựng mô hình tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường, mô hình sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu hiệu quả như: HTX thu gom xử lý rác thải Ngọc Lập, HTX nông nghiệp và môi trường Xuân Viên; các mô hình: “Thùng rác tự quản”, “Lò xử lý rác thải”, “Hố rác nội đồng”, “Thu gom, xử lý rác thải hộ gia đình”, “Phụ nữ nói không với túi nilon và sản phẩm nhựa dùng một lần”, “Tuyến phố văn minh”, “Nhà sạch - Vườn xanh”, “Thắp sáng đường quê”, “Chạn bát hợp vệ sinh”, “Phụ nữ xách làn đi chợ”, “Sạch đồng. Sạch quầy. Sạch bếp”, “Nhà tiêu hợp vệ sinh”, “Thùng rác thải nhựa gây quỹ từ thiện”, “Ngôi nhà xanh gây quỹ từ rác thải tái chế”, “Xử lý rác thải thành phân hữu cơ”, “Lò xử lý rác thải mini tại hộ gia đình”, “Sáng từ ngõ, đẹp từ nhà”, “Ruộng lúa bờ hoa”...

Bà Phạm Thị Kim Loan - TUV, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Phú Thọ cho biết: “Các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh đã phát huy tốt vai trò nòng cốt trong vận động phụ nữ tham gia hoạt động bảo vệ môi trường, phòng chống rác thải nhựa, xây dựng nếp sống văn minh gắn với thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, rõ nét nhất là tiêu chí 3 sạch: Sạch bếp, sạch nhà, sạch đồng ruộng. Cùng với đó, các cấp hội còn quản lý trên 11.000km “Con đường hoa” không rác thải. Sức lan tỏa của mô hình đã giúp mỗi đường làng, ngõ xóm, mỗi khu dân cư ngày càng sạch sẽ hơn, môi trường sống được cải thiện”.

Phú Thọ là một trong những địa phương trên cả nước có tốc độ đô thị hóa nhanh, bên cạnh những lợi ích về kinh tế, địa phương đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường do lượng rác thải rắn, rác thải sinh hoạt phát sinh chưa được thu gom, xử lý triệt để. Đến nay, tỷ lệ thu gom rác thải đạt trên 75% số khu dân cư tập trung ở khu vực nông thôn và trên 97,2% ở khu vực đô thị.

Tại thành phố Việt Trì, thị xã Phú Thọ, thị trấn Phong Châu (huyện Phù Ninh), thị trấn Lâm Thao, thị trấn Hùng Sơn (huyện Lâm Thao), thị trấn Hưng Hóa (huyện Tam Nông) và thị trấn Đoan Hùng (huyện Đoan Hùng), rác thải được thu gom, vận chuyển về Nhà máy chế biến phế thải đô thị Việt Trì xử lý. Tại đây, rác hữu cơ được chế biến thành phân compost theo công nghệ hiếu khí phục vụ cho việc phát triển nông lâm nghiệp; ni lông được rửa sạch tái chế làm nguyên liệu sản xuất hạt nhựa; nhựa không tái chế, cao su... và rác thải trơ khác được chôn lấp; gạch đá, sạn sỏi, thủy tinh và các vật vô cơ khác xử lý bằng nghiền sàng, hóa rắn sản phẩm thu hồi gạch không nung phục vụ cho xây dựng.

Tại các thị trấn Thanh Ba và Thanh Thủy, rác thải được thu gom, vận chuyển, sau đó xử lý bằng lò đốt cỡ nhỏ. Các thị trấn còn lại, rác thải đang thực hiện chôn lấp tạm thời tại các bãi chôn lấp của địa phương.

Rác thải ở khu vực đô thị cơ bản đã có biện pháp xử lý. Tuy nhiên, các biện pháp xử lý hiện không đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường. Nhà máy chế biến phế thải đô thị Việt Trì đang hoạt động vượt công suất trong khi nhà xưởng, trang thiết bị xuống cấp, bãi chôn lấp chất thải trơ tại Vân Phú đã đầy, hết khả năng lưu chứa; bãi chôn lấp tại các huyện chưa được đầu tư đồng bộ, các lò đốt rác chưa đáp ứng yêu cầu quy chuẩn cho phép đang là các tác nhân gây ô nhiễm môi trường trong khu vực, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của nhân dân.

Bên cạnh đó, mạng lưới thu gom rác thải ở khu vực nông thôn đã tổ chức thu gom ở hầu hết các khu dân cư, chủ yếu ở khu vực đồng bằng, khu ven đô thị và khu vực trung tâm xã. Các khu dân cư còn lại, rác thải được nhân dân tự xử lý bằng hố chôn lấp tại gia đình, bằng các bể chứa rác đặt ven đường theo hướng dẫn của chính quyền địa phương hoặc tự phát.

Người dân tập kết rác thải ven trục đường chính, định kỳ hợp tác xã, tổ vệ sinh đi thu gom về điểm tập kết của khu, xã. Đa phần hoạt động thu gom, vận chuyển được thực hiện bằng xe chuyên dụng đã được đầu tư, ngoài ra còn kết hợp sử dụng các loại xe tải, xe thô sơ khác.

Trên thực tế, việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số khó khăn: Chưa hoàn thành xây dựng nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tập trung và các lò đốt rác thải sinh hoạt đảm bảo quy chuẩn. Khu vực các lò đốt rác thải đang hoạt động chưa đáp ứng đủ yêu cầu về bảo vệ môi trường... Biện pháp chôn lấp rác thải không hợp vệ sinh đang diễn ra phổ biến trên địa bàn các huyện miền núi. Mạng lưới thu gom, cơ sở hạ tầng thiết yếu cho xử lý rác thải theo quy hoạch chưa được đầu tư đồng bộ. Công tác tuyên truyền về thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt và bảo vệ môi trường còn hạn chế... Để từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, UBND tỉnh đã xây dựng Đề án Thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, xây dựng cơ sở hạ tầng phụ trợ Khu liên hợp xử lý chất thải Trạm Thản; hoàn thành mạng lưới điểm tập kết rác thải tại các huyện, thành, thị để thu gom rác thải sinh hoạt về nơi xử lý tập trung. Thực hiện tốt việc xử lý rác thải hiện hữu; xóa bỏ những lò đốt. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao ý thức trách nhiệm cho người dân trong việc thu gom, phân loại rác thải.

Cùng với nỗ lực của chính quyền, mỗi người dân cần thay đổi thói quen và thực hiện phân loại rác ngay từ trong mỗi gia đình, thiết thực chung tay xây dựng môi trường sống xanh, sạch, đẹp.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiệu quả từ các mô hình phân loại rác ở Phú Thọ