Hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn quận 1, TP Hồ Chí Minh không phân loại rác sẽ bị phạt tiền từ 500.000 - 1 triệu đồng

Minh Châu|14/04/2024 13:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Theo kế hoạch, đến ngày 1/1/2025, hộ gia đình, cá nhân không phân loại rác thải sinh hoạt theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng theo quy định.

Tại buổi tiếp xúc, đối thoại với doanh nghiệp có chuyên đề "Luật bảo vệ môi trường 2024 và các quy định pháp luật về quản lý chất thải rắn" năm 2024 do UBND quận 1, TP.HCM tổ chức vào ngày 11/4, ông Nguyễn Thanh Nguyên, Phó trưởng phòng TN&MT quận 1, cho biết thời gian qua quận đã triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến lĩnh vực bảo vệ môi trường và tài nguyên nước cấp độ 3, 4 đối với các hồ sơ cấp giấy phép môi trường, đảm bảo 100% hồ sơ được giải quyết đúng quy định, không có hồ sơ trễ hạn.

Riêng về lộ trình thực hiện phân loại, thu gom và vận chuyển rác sinh hoạt sau phân loại theo quy định của Luật bảo vệ môi trường năm 2020, quận đã đề ra kế hoạch cụ thể.

rac-thai.jpg
Ảnh minh họa.

Theo đó, từ ngày 1/7 sẽ triển khai thực hiện tuyên truyền, vận động đến tất cả các hộ gia đình kinh doanh dịch vụ ăn uống, các tổ chức, đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ trên địa bàn quận ký cam kết thực hiện phân loại riêng chất thải thực phẩm.

Đến ngày 30/9, 100% các hộ gia đình kinh doanh dịch vụ ăn uống, các tổ chức, đơn vị, các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ trên địa bàn quận ký cam kết thực hiện chuyển giao chất thải thực phẩm cho các đơn vị thu mua làm thức ăn gia súc hoặc tận dụng làm phân bón hữu cơ.

Từ ngày 1/10, toàn quận triển khai thí điểm thực hiện phân loại, thu gom và vận chuyển chất thải sinh hoạt sau phân loại theo quy định của Luật bảo vệ môi trường năm 2020.

Ngày 31/12, toàn quận triển khai chính thức thực hiện phân loại, thu gom và vận chuyển rác sinh hoạt sau phân loại theo quy định.

Kế hoạch đến ngày 1/1/2025, hộ gia đình, cá nhân không phân loại rác thải sinh hoạt theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng theo quy định.

Theo Điều 75 Luật Bảo vệ Môi trường 2020, chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân sẽ được phân loại theo nguyên tắc như sau: chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác. Đồng thời, nội dung trên được quy định thực hiện chậm nhất vào ngày 31/12/2024 tại Điều 79 của Luật này.

Tương tự như đối với một hành vi vi phạm hành chính mà theo quy định có lộ trình thực hiện như: lắp đặt thiết bị quan trắc tự động, liên tục; trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất; các quy định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô dôn… Nghị định số 45 đã quy định đầy đủ chế tài để đảm bảo đồng bộ với quy định pháp luật hiện hành.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn quận 1, TP Hồ Chí Minh không phân loại rác sẽ bị phạt tiền từ 500.000 - 1 triệu đồng