Hơn 43ha rừng "biến mất"
Dự án "The Dàlat at 1200" do Công ty TNHH Acteam International làm chủ đầu tư, được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp Giấy chứng nhận đầu tư lần đầu ngày 3.4.2007; Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và cấp lại lần 4 ngày 27/10/2016.
Dự án có mục tiêu xây dựng và kinh doanh du lịch nghỉ dưỡng, khách sạn 5 sao, biệt thự, sân golf từ 18 đến 36 lỗ, du lịch sinh thái, vui chơi giải trí thể thao, dịch vụ du lịch. Diện tích đất dự kiến sử dụng hơn 649ha và diện tích mặt nước 183ha.
Đến năm 2018, hạng mục sân golf 18 lỗ được doanh nghiệp đưa vào hoạt động với tổng vốn đầu tư đã thực hiện khoảng hơn 32,5 triệu USD (khoảng 700 tỉ đồng).
Tuy nhiên, điều bất thường là một diện tích rừng lớn đã bị phá tại sân golf này. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng cho biết, qua kiểm kê so sánh biến động trạng thái rừng giữa 2 lần kiểm kê năm 2007 và năm 2022 trên diện tích đất thuê, thì diện tích đất có rừng giảm hơn 43,2ha (trong đó có hơn 38,2ha rừng tự nhiên).
Trong số này, diện tích rừng bị mất được cơ quan chức năng xử lý (do doanh nghiệp san ủi đất trên diện tích được thuê khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép) hơn 2,77ha; diện tích rừng bị giảm đề xuất không xử lý hơn 2,98ha; còn lại diện tích mất rừng chưa được xử lý trên 37,5ha.
Trong số 37,5ha, có trên 7,1ha đã có quyết định chuyển mục đích sử dụng đất, hơn 30,4ha là đất có rừng thuộc hạng mục quản lý bảo vệ rừng (gồm: 18,74ha rừng ngoài lâm nghiệp; 11,53ha rừng phòng hộ và 0,13ha rừng sản xuất).
Trước thực trạng trên, các cơ quan chức năng của tỉnh Lâm Đồng đã có nhiều buổi làm việc để xem xét hướng xử lý đối với diện tích rừng bị giảm xảy ra trong quá trình thực hiện dự án sân golf The DaLat At 1.200.
Trong kiến nghị của mình, Công ty TNHH Acteam International cũng thừa nhận thiếu sót do không đảm bảo thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng theo quy định trên phần diện tích hơn 7,1ha, còn phần diện tích hơn 30,4ha thuộc hạng mục quản lý bảo vệ rừng. Đơn vị này kiến nghị các cơ quan chức năng kiểm tra, rà soát lại đối với kết quả kiểm kê tài nguyên rừng trước khi Công ty TNHH Acteam International nhận bàn giao tài nguyên rừng vào năm 2008.
Vụ việc có dấu hiệu hủy hoại rừng
Sau khi tiến hành thu thập tài liệu và khảo sát thực tế tại dự án, Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng nhận định, Công ty TNHH Acteam International đã trực tiếp phá rừng để xây dựng công trình hạ tầng.
Đối với diện tích rừng bị mất, có 11,53ha rừng phòng hộ (gấp hơn 30 lần mức xử phạt vi phạm hành chính) có dấu hiệu tội "hủy hoại rừng" theo quy định tại Điều 243 Bộ Luật hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) nên vụ việc cần phải xem xét, đánh giá đề xuất hướng xử lý vừa không bỏ lọt tội phạm, vừa đảm bảo hoạt động đầu tư của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, diện tích rừng bị giảm xảy ra đã lâu, căn cứ để xử lý hình sự chưa chặt chẽ và liên quan đến dự án đầu tư lớn trong tỉnh; do vậy, cần bổ sung hồ sơ như: hiện trạng rừng trước khi giao cho Công ty TNHH Acteam International và thủ tục bàn giao tài nguyên rừng trước đây.
Ngoài việc làm rõ hồ sơ bàn giao tài nguyên rừng, Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng cho biết cũng cần xác định trách nhiệm cá nhân. Vì thời gian xảy ra mất rừng từ khi thực hiện dự án đến khoảng năm 2017, tại sao các cơ quan chức năng không phát hiện ra việc phá rừng. Ở thời điểm đó, ai là lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở liên quan.
"Vụ việc có dấu hiệu tội hủy hoại rừng nên cần phải xem xét, đánh giá đề xuất hướng xử lý vừa không bỏ lọt tội phạm, vừa đảm bảo hoạt động đầu tư của doanh nghiệp. Đúng là phải cẩn thận, nếu có sai phạm thì xử thẳng tay. Tuy nhiên, sai - đúng phải rõ ràng, mức độ đến đâu, không để cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng” - Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng nhấn mạnh quan điểm.
Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lâm Đồng - ông Bùi Thắng cũng cho biết, đối với vụ việc Dự án sân Golf Đơn Dương có dấu hiệu làm mất 37ha rừng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp Thanh tra tỉnh, các sở liên quan và UBND huyện Đơn Dương tiến hành kiểm tra nội dung báo chí phản ánh, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân nếu có hành vi vi phạm. Nội dung trên sẽ báo cáo Thường trực Tỉnh ủy kết quả thực hiện trước ngày 15/4 tới.
Liên tục thay đổi người đại diện
Theo ghi nhận, trong vòng 3 năm qua, Công ty Acteam International liên tục thay đổi người đại diện theo pháp luật và người đại diện vốn góp theo uỷ quyền.
Hiện nay, đại diện pháp luật của doanh nghiệp này là ông Chiu Bing Keung Kenneth (quốc tịch Trung Quốc) và ông Đào Văn Duy. Vào tháng 7/2016, tổng vốn của Acteam International gần 359 tỷ đồng, do 4 cá nhân quốc tịch nước ngoài đại diện.
Ông Chiu Bing Keung Kenneth được biết đến khi có hàng loạt thương vụ liên quan đến các doanh nghiệp như: Công ty CP Phát triển bất động sản Alpha King, đơn vị phát triển các dự án Alpha Town, Alpha City, Centennial Saigon tại Q1. Từ năm 2015, ông Chiu Bing Keung Kenneth cũng là thành viên HĐQT nhưng không điều hành của Công ty CP An Phú, doanh nghiệp sở hữu hàng loạt dự án như: An Phú Plaza tại số 117 – 119 Lý Chính Thắng, Q.3. Hay khu căn hộ An Phú tại số 961 Hậu Giang, Q.6. Khu nhà liền kề An Phú Tiền Phong, Q.Tân Phú hay dự án Regency Park, TP.Thủ Đức và khu biệt thự sân golf Sealinks Mũi Né…
Đến tháng 5/2021, vốn điều lệ của Acteam International bất ngờ tăng lên 821 tỷ đồng.
Đến tháng 12/2021, tổng vốn của Acteam International vẫn là 821 tỷ đồng, tuy nhiên đã có sự thay đổi người góp vốn, đồng thời là cổ đông mới. Như vậy, dự án này đã có nhiều cuộc chuyển nhượng vốn góp đầu tư, kinh doanh, kể từ năm 2009 đến nay.