Với diện tích gieo trồng 135.000 ha/năm, lượng nhựa thải ra môi trường của Hòa Bình khoảng 1.793 tấn/năm, phần lớn bị đốt hoặc bỏ mặc cho nát vụn thành hạt vi nhựa độc hại.
Anh Bùi Văn Nức – Phó Chủ tịch xã Phong Phú, huyện Tân Lạc cho biết, địa phương có 120ha rau màu, trong đó bí xanh chừng 30ha, ngoài ra còn mướp đắng, dưa bao tử mới triển khai trồng hồi đầu năm, chúng đều phải cần đến màng phủ ni lông.
Theo ông Nguyễn Hồng Yến – Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hòa Bình, “nhiều vật liệu nhựa được đưa vào hoạt động sản xuất nông nghiệp, đầu vào có vẻ là tiến bộ khoa học kỹ thuật như ni lông để che phủ đất, chống cỏ mọc, giữ ẩm, giữ dinh dưỡng… rất nhiều nơi, kể cả doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao cũng dùng. Trong canh tác ngày trước bà con hay dùng cây que, gậy để làm giàn, giờ lưới ra đời rất tiện nên thay thế luôn.
Ni lông phủ đất hay lưới ni lông làm giàn thì những nơi trồng nhiều bầu bí dùng nhiều như Yên Thủy, mùa đông che phủ mạ thì nơi nào nhiều lúa sẽ dùng nhiều như Lạc Sơn, Kim Bôi, Lương Sơn… Túi xốp bọc hoa quả cũng là vấn đề đáng lưu ý. Trồng rừng, 1ha keo bỏ ra ngoài môi trường khoảng 1,7kg ni lông hay thậm chí là phát động Tết trồng cây, vô tình mỗi gốc cũng bỏ ra ngoài môi trường khoảng 80 gram ni lông. Tất cả những thứ đó không ai tính đến cả.
Những thứ bao bì trong nông nghiệp mà để ở nhà thường đưa vào thành rác thải sinh hoạt hay bị đốt bỏ, cái tôi lưu ý là những thứ đang thải ra trên đồng ruộng, núi đồi như túi bầu, lưới cước, ni lông che chắn chuột, ni lông trắng đồng để chống rét cho mạ. Nhiều năm tỉnh Hòa Bình không còn tình trạng mạ chết rét là nhờ giải pháp này nhưng vẫn phải đặt lại câu hỏi dùng ni lông 2 – 3 năm hỏng thì vứt đi đâu? Từ phạm vi sử dụng, quy mô sử dụng sẽ ra số lượng thải ra rất lớn”.
Bên cạnh đó là sử dụng các loại vật liệu nhựa như màng phủ, lưới cước, nhà lưới, nhà màng, ống dẫn nước, vòi phun nước, vòi tưới nhỏ giọt, bình phun…
Hàng năm có khoảng 1.468 tấn chất thải nhựa được thu gom (chiếm 81,90% tổng chất thải nhựa phát sinh), tuy nhiên chỉ có 68,7 tấn được thu gom vào nơi lưu chứa riêng (chiếm 3,83%); có khoảng 664 tấn thu gom lẫn cùng rác thải sinh hoạt (chiếm khoảng 37,03%); số còn lại khoảng 775 tấn được thu gom để tái sử dụng hay bán để tái chế (chiếm 42,16%); có khoảng 326 tấn chất thải nhựa bị vứt bỏ trên đồng ruộng (chiếm 19,1%).
Gần như toàn bộ lượng chất thải nhựa dù được thu gom trong bể riêng hay thu gom cùng rác thải sinh hoạt đều được xử lý không đúng cách, chủ yếu là đốt bỏ hay chôn lấp.
Ni lông vứt lung tung trên cánh đồng. Ảnh: Vân Đình
Như vậy có thể thấy, ngoài số lượng chất thải nhựa được thu gom để tái sử dụng hay bán cho nơi tái chế (775 tấn, chiếm 42,16%), toàn bộ chất thải nhựa còn lại (khoảng 1.018 tấn, chiếm 57,84%) đều tồn lưu trong môi trường ở dạng này hay dạng khác (khối nhựa đông đặc, mảnh nhựa, hạt vi nhựa, khí độc).
Cũng theo ông Nguyễn Hồng Yến, từ khi có Thông tư 05 năm 2016 của liên Bộ NN-PTNT và Tài nguyên – Môi trường về thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, tỉnh Hòa Bình đã tuyên truyền, tranh thủ các nguồn vốn dự án để trang bị hơn 1.500 bể thu gom cho các xã. Nhưng lại nảy sinh ra nhiều vấn đề, thứ nhất là địa phương nào hiểu thì việc thu gom được tổ chức thường xuyên, còn không thì lơ là.
Thứ hai là Thông tư này hạn chế ở chỗ chỉ có 2 bộ, nêu chung chung về thu gom và xử lý nhưng không nêu được nguồn kinh phí ở đâu, do ngành Tài nguyên – Môi trường hay do ngành NN-PTNT chi trả. Vỏ bao bì gom rồi lại đầy ứ hết mà không biết phải làm sao.
Bởi thế mà Hòa Bình vừa qua đã làm đề án thu gom, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng và chất thải nhựa trong sản xuất trồng trọt giai đoạn 2021 – 2025, là địa phương đi tiên phong trong cả nước về vấn đề này.
Mục tiêu cụ thể gồm: Ít nhất 70% bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng được thu gom, vận chuyển và xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường; 70% các xã, phường, các khu sản xuất trồng trọt tập trung được trang bị thùng thu gom thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng đạt tiêu chuẩn;
100% số huyện, thành phố xây dựng khu lưu chứa bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng và thường xuyên tổ chức các hoạt động thu gom, xử lý; 100% số xã về đích/đăng ký về đích nông thôn mới có hoạt động dịch vụ về thu gom, phân loại, vận chuyển, xử lý rác thải nhựa trong sản xuất trồng trọt; ít nhất 70% chất thải nhựa từ sản xuất trồng trọt được phân loại tại nguồn.
70% cán bộ quản lý, công chức, viên chức phụ trách nông nghiệp cấp huyện, cấp xã, đơn vị quản lý bể chứa, khu lưu chứa; các tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh và ít nhất 50% đội ngũ trưởng thôn/bản được tập huấn, tuyên truyền về tác hại của chất thải nhựa và bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng; có ít nhất 1 cơ sở dịch vụ đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật để xử lý chất thải nhựa nói chung, bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng nói riêng.
Nguồn kinh phí thực hiện: Vốn từ ngân sách địa phương hàng năm (cấp tỉnh, huyện); vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi; vốn ODA; vốn hỗ trợ từ các bộ ngành; vốn từ doanh nghiệp, hợp tác xã và cả của người sản xuất…
“Chúng tôi không kỳ vọng đề án sẽ thực hiện được đồng loạt ngay mà phải làm mô hình thu gom từ đồng ruộng rồi lan tỏa dần. Chiến dịch thu gom rác thải nhựa sẽ gắn với chiến dịch thủy lợi, đánh bắt chuột, làm đất… tạo thành phong trào, tạo ý thức cho dân. Ngành nông nghiệp mang tính đôn đốc, chỉ đạo, còn mỗi ngành, mỗi địa phương đều có công việc cụ thể.
Tuấn Hưng