Tát đìa bắt cá ăn Tết
Để phong phú món ăn trong ngày Tết, người ở miền Tây lại tát đìa, tát mương kiếm ít con cá lóc để nướng trui cúng ông bà cũng như nhâm nhi ly rượu vào ngày đầu năm mới.
Ngày trước để tát đìa, người miền Tây thường dùng chiếc gào dây. Việc tát đìa bằng gào dây khá công phu và nặng nhọc nên thường để thanh niên, đàn ông khoẻ mạnh làm.
Dở chà xong mọi người luân phiên nhau tát từng gào nước nặng trịch. Mệt nhưng ai cũng phấn khởi, phụ nữ, trẻ con đứng quanh đìa mong cho nước đìa mau cạn để xuống bắt cá. Nước đìa cạn, cá lớn như cá lóc, cá trê chui vào bùn hay hang để trốn, vì vậy người bắt cá phải có kinh nghiệm, mò kỹ, không bỏ sót chỗ nào. Mỗi khi có người giơ lên con cá lóc đen thui, to đùng là những người đứng trên bờ lại reo hò um sùm.
Người lớn bắt cá xong thì đến lượt trẻ con xuống bắt cá sót hay còn gọi bắt cá “hôi”. Bắt cá xong người tìm ít rơm, lá chuối để nướng cá, người ra vườn hái ít rau, người làm chén muối ớt để thưởng thức món cá lóc nướng trui ngọt tuyệt.
Dù nhà nào ở miền Tây cũng có ao, đìa nhưng mỗi khi tát đìa xong người ta lại đem cho bà con, chòm xóm cùng ăn. Sau khi tát đìa xong, cá lớn, cá nhỏ được phân loại. Phần cá lớn đem ra chợ bán bớt, lấy tiền mua quần áo, đồ dùng trong ngày Tết. Số còn lại đem cất trong lu, khạp để dành ăn trong mấy ngày Tết.
Những chiếc thuyền chở đầy hoa Tết tại chợ nổi Cái Răng
Bồng bềnh chợ Tết trên sông
Do hệ thống sông ngòi chằng chịt, kênh rạch ngoằn ngoèo, trước đây người miền Tây di chuyển chủ yếu bằng ghe, xuồng. Chợ cũng được hình thành trên những con sông và người dân quen gọi là chợ nổi. Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện có rất nhiều chợ nổi nổi tiếng như Phong Điền, Cái Răng (Cần Thơ), Ngã Năm (Sóc Trăng), Ngã Bảy (Hậu Giang)… tạo nên sự độc đáo của văn hóa miền sông nước và nét riêng biệt những phiên chợ Tết.
Ngày thường, chợ nổi đã tấp nập. Cận Tết, chợ lại càng sôi nổi, náo nhiệt. Người mua, kẻ bán hối hả, tất bật làm sôi động cả một đoạn sông dài. Tất cả như khoác lên một diện mạo mới, tươi tắn, tràn đầy sức sống cho những con sông. Từ Tết ông Công ông Táo, ghe xuồng từ miệt vườn các tỉnh đã kìn kịt kéo đến chợ với những ghe tàu đầy trái cây đặc sản như chuối, bưởi, thơm, xoài, dừa… Một loại quả không thể thiếu trong những ngày Tết và được tiêu thụ mạnh bậc nhất là dưa hấu. Theo tập tục, hàng năm mỗi nhà đều chọn cặp dưa to, cân đối, tròn trịa trưng trên bàn thờ tổ tiên và hầu như địa phương nào ở ĐBSCL cũng trồng được dưa hấu; nên ở phiên chợ Tết trên sông các ghe dưa hấu vượt trội hơn hẳn.
Màu sắc tươi tắn rạng rỡ của các loại hoa càng tô thêm sự tươi sáng, đầy sức sống cho chợ Tết trên sông. Có nhiều loại hoa nhưng chủ yếu là mai vàng và hoa cúc. Sắc vàng trở thành gam màu chủ đạo trong mùa Xuân trên những dòng sông. Nếu bán nông sản, trái cây thì chỉ cần nhìn vào cây “bẹo” là biết ghe đó bán hàng gì; nhưng với ghe hoa Tết chỉ cần nhìn màu sắc là biết mai vàng, cúc trắng, vạn thọ…
Các thành viên trong gia đình chuẩn bị đón giao thừa
Ấm áp mâm cơm ngày cuối năm
Tết của người miền Tây cũng không thể thiếu mâm ngũ quả và bình bông dâng lên bàn thờ ông bà, tổ tiên. Thường thì mâm ngũ quả là những trái cây to, ngon nhất được hái trong vườn để dâng lên cúng ông bà, tổ tiên. Mâm ngũ quả gồm mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, sung.
Ngày cuối năm ở miền Tây, con cháu lại làm mâm cơm “rước ông bà”. Mâm cơm thường rất đơn giản, bình dị như thịt kho hột vịt, khổ qua hầm, dưa hấu đỏ, dưa chua. Đây là tấm lòng của con cháu đối với ông bà, tổ tiên. Mâm cơm ngày cuối năm thường có đầy đủ anh chị em trong nhà. Mọi người sum vầy bên nhau rồi kể cho nhau nghe chuyện làm ăn, chuyện gia đình, học hành của con cái.
Ăn cơm xong, những người phụ nữ trong gia đình chuẩn bị gói bánh tét. Bánh tét là món ăn quen thuộc và không thể thiếu của người miền Tây. Người dân miền Tây thường gói bánh tét vào ngày cuối cùng năm của cũ, sao cho nồi bánh chín kịp lúc giao thừa để cúng ông bà, tổ tiên.
Nhắc đến Tết ở miền Tây, điều đáng trông đợi và được xem là vui nhất là đêm 29 và 30 tháng Chạp. Mọi người thức đón giao thừa, ăn uống, trò chuyện… vui vầy. Ngồi quây quần bên ánh lửa bập bùng của nồi bánh tét rồi kể cho nhau nghe nhiều kỉ niệm; những hồi ức xa xưa về tổ tiên, ông bà đã khuất để cho con cháu đời sau hiểu. Những đứa trẻ thường được giao nhiệm vụ canh nồi bánh tét. Chúng ngồi canh rồi kháo nhau đủ thứ trò con nít như tô vẽ thêm nét độc đáo ngày Tết miền quê. Người kể, người nói, tiếng cười, làm ấm thêm không khí gia đình.
Ba ngày Tết là ba ngày vui chơi, ăn uống, thăm viếng, chúc nhau những điều mới mẻ, tốt lành. Một tập quán phổ biến là trong những ngày đầu năm, mọi người chỉ nói ra những lời hay, ý đẹp, gặp nhau chào mừng, hy vọng mọi điều như ý. Bao điều không vui, không vừa lòng năm trước đều bỏ đi. Mọi người đi hết nhà này lại sang nhà khác, hết xóm này lại sang xóm khác chúc Tết và uống với nhau ly rượu, ly trà đầu năm. Tết ở miền Tây là vậy, nhộn nhịp nhưng ấm áp, thắm đượm tình làng nghĩa xóm giống như tính cách người dân nơi đây.
Một mùa Xuân mới đang đến, nhắc đến hương vị Tết xưa bên chung trà, chén rượu Tết nay, cùng nâng cao ý thức bảo tồn những nét văn hóa độc đáo, bản sắc của dân tộc.
Hoàng Nam