Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc
Là quốc gia thành viên tích cực của Liên hợp quốc, Việt Nam đang từng bước khẳng định vai trò và trách nhiệm của mình thông qua việc tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình (GGHB). Để việc triển khai ngày càng hiệu quả, việc xây dựng Luật Tham gia lực lượng GGHB Liên hợp quốc là yêu cầu cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.
Trước khi thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, các sĩ quan Công an sẽ được trải qua quá trình huấn luyện về chuyên môn và kỹ năng để đáp ứng yêu cầu nghiêm ngặt của Liên hợp quốc. Đồng thời được trang bị những kiến thức về luật pháp quốc tế, và tìm hiểu về các văn bản quy định của Việt Nam đối với hoạt động GGHB. Trong đó có dự án Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc đang được hoàn thiện trước khi trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9.
Đại tá Lê Quốc Huy (Văn phòng Thường trực Bộ Công an về gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc) cho biết: "Dự luật lần này rất quan tâm tới chế độ chính sách cho lực lượng tham gia GGHB, và chính sách đó được áp dụng không chỉ cho lực lượng trong quá trình huấn luyện trong nước, mà còn áp dụng trong khi triển khai, và đặc biệt là kể cả khi lực lượng đã kết thúc nhiệm kỳ và trở về an toàn.
Ví dụ như khen thưởng, ưu tiên, xem xét sắp xếp các vị trí công tác cho phù hợp để có thể tận dụng các sĩ quan tham gia phái bộ có kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng, mà các sĩ quan cũng đã trải qua trong quá trình triển khai được rèn luyện, đã trưởng thành. Những chế độ chính sách mà trong văn bản pháp luật quy định trước đây đều được dự luật lần này đề cập tới và nâng tầm lên, có những điểm động viên, khuyến khích rất tốt, để cho tất cả lực lượng có thể động viên cá nhân cũng đăng ký tham gia hoạt động GGHB LHQ."

Dự án Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc gồm 5 Chương, 29 Điều. Quy định về nguyên tắc, đối tượng, hình thức, lĩnh vực; xây dựng, triển khai lực lượng; đảm bảo nguồn lực, chế độ, chính sách; hợp tác quốc tế về GGHB Liên hợp quốc và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc tham gia lực lượng GGHB của Liên hợp quốc.
Thượng tá Tô Long (Phó Chánh Văn phòng Thường trực Bộ Công an về gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, Phó Cục trưởng Cục An ninh đối ngoại Bộ Công an) nhấn mạnh: "Luật này vừa cụ thể hóa những vấn đề thực tiễn đang triển khai, từ những kinh nghiệm thu hoạch được từ thực tiễn tham gia gìn giữ hòa bình của LHQ, nhưng mục đích chính là nhằm khuyến khích việc tham gia vào hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ không chỉ của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng mà cả dân sự nữa. Qua đó, thể hiện trách nhiệm của Việt Nam đối với nghĩa vụ quốc tế. Xây dựng dự án Luật này sẽ tạo cơ sở pháp lý và giúp cho việc triển khai được thông thoáng hơn và đúng các quy định của pháp luật."
Từ năm 1996, Việt Nam đã tham gia đóng góp nghĩa vụ tài chính hằng năm cho hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc; đồng thời, tổ chức nhiều chuyến khảo sát phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc cũng như tại Trụ sở Liên hợp quốc.
Năm 2014 đánh dấu bước ngoặt việc Việt Nam chính thức tham gia hoạt động GGHB Liên hợp quốc, bằng việc Bộ Quốc phòng cử 2 sĩ quan đầu tiên tham gia thực hiện nhiệm vụ tại Phái bộ GGHB Liên hợp quốc tại Nam Sudan.
Năm 2022, Bộ Công an đã bắt đầu cử các sĩ quan tham gia hoạt động GGHB LHQ .
Từ thực tiễn triển khai thời gian qua cho thấy việc xây dựng, việc ban hành Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc là cần thiết, tạo hành lang pháp lý đầy đủ, vững chắc, lâu dài, ổn định cho việc triển khai lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Góp phần thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; thể hiện Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; nâng cao hơn nữa uy tín, vị thế của Việt Nam, đóng góp vào chiến lược bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng biện pháp hòa bình.